+
Aa
-
like
comment

Nhật Bản chi ít nhất nửa tỷ USD để dời nhà máy khỏi Trung Quốc

Thành Nhân - 19/07/2020 08:07

Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp cho hơn 100 công ty để di dời nhà máy khỏi Trung Quốc nhằm giảm lệ thuộc kinh tế vào nước này.

Nhật Bản chi ít nhất nửa tỷ USD để dời nhà máy khỏi Trung Quốc

Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản vừa công bố, 75 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp sẽ nhận tổng số tiền 57,4 tỷ yen (536 triệu USD) tiền trợ cấp của Chính phủ. 30 công ty khác cũng sẽ được nhận tiền trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Trong khi đó, Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi tổng cộng khoảng 70 tỷ yen cho hoạch này. Khoản tiền này đến từ quỹ 243 tỷ yen mà Chính phủ công bố vào tháng 4 nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ trả 536 triệu USD cho các công ty rời Trung Quốc.

Trong khi mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi và chiến tranh thương mại tồi tệ hơn, nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và các nước khác đã bàn tới việc giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Quyết định mới đây của Nhật Bản tương tự với chính sách của Đài Loan vào năm 2019. Cho tới nay, chưa có quốc gia nào khác ngoài hai nước này ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích sự thay đổi.

Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 đã làm hỏng mối gắn kết kinh tế cũng như hình ảnh của Trung Quốc trong mắt Nhật Bản. Trong nhiều năm, chính quyền của ông Shinzo Abe đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc từ sau cuộc bạo động năm 2012, tuy nhiên đại dịch và những cuộc tranh chấp tại các hòn đảo và mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông đã làm lung lay những nỗ lực này.

Đừng về

Cuộc tranh luận đi hay ở của các công ty Nhật đã được thổi vào luồng gió mới khi Chánh văn phòng Nội các

Yoshihide Suga, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.

Trong khi đó, Tiến sỹ John Lee, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Hudson ở Washington, lại khá chừng mực khi viết trên The Diplomat: “Tạm thời chúng ta sẽ không biết chính sách của Nhật Bản là khôn ngoan hay phản tác dụng. Có thể thời điểm này, họ có một số lợi thế”.

Ông Shigenobu Nagamori – chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Nidec – lại là người nghi ngờ các bước đi mà Nhật Bản và các nước khác đang thực hiện.

Từ một xưởng nhỏ thành lập năm 1973, ông Nagomori đã biến Nidec thành hãng sản xuất lớn với doanh số lên đến 14 tỉ đô la mỗi năm. Có trong tay 66 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thành công, tiếng nói của Nagamori càng có sức nặng.

“Đưa các chuỗi cung ứng trở lại quê nhà chỉ làm tăng thêm mối nguy. Tôi đã từng nghĩ mở nhà máy sản xuất ở hơn 40 nước là giảm thiểu nguy cơ, nhưng tôi thất bại trong việc lo chu toàn chuỗi cung ứng phụ tùng. Điều này rất đáng tiếc”, CEO Nidec trả lời Nikkei Asian Review.

Nidec vẫn cho triển khai kế hoạch đầu tư 1,8 tỉ đô la vào các nhà máy mới sản xuất động cơ cho xe điện ở Trung Quốc, Ba Lan và Mexico vào đầu tháng 2 vừa rồi – khi dịch đang lan ở Trung Quốc nhưng chưa chạm đến hai nơi kia. Vị tỉ phú 75 tuổi nói rằng việc rải đều nhà máy sản xuất ở các châu lục khiến giá luôn ổn định và ở mức thấp. “Điều này tăng lợi thế về giá của xe điện Nidec, bên cạnh yếu tố hiểu rõ thị hiếu và xu hướng ở địa phương”, ông nói.

Trung Quốc dẫn dắt kinh tế thế giới trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng trong đợt dịch này “không có ai đủ khả năng dẫn dắt, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị”. Ông nói các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng, và cần phải luôn nhớ rằng “kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục suy thoái ngay cả khi virus corona đã bị khống chế”.

Ông nói có sự khác biệt rất rõ ràng giữa khủng hoảng Covid-19 lần này so với khủng hoảng tài chính năm 2008. “Lúc đó, dù cho kinh tế bết bát thế nào, ai cũng gắng làm việc vì công ty. Nhưng lần này, bảo vệ bản thân và gia đình mình lại được ưu tiên hàng đầu, kế đến là công ty”, ông Nagamori phát biểu.

Thành Nhân/Bloomberg

Bài mới
Đọc nhiều