Nhập khẩu thịt lợn: Bộ Công Thương tích cực vào cuộc!
Dù không phải đơn vị trực tiếp cấp phép nhập khẩu thịt lợn, song Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để có nguồn thịt lợn nhập khẩu chất lượng, giá cả phải chăng. Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới được đề nghị tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới…
Thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11/2019 đã có chiều hướng tăng mạnh do nhu cầu mặt hàng này đang tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Riêng trong tháng 11/2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11/2018.
Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 – 26.000 đồng/kg. Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh…), tương đương khoảng 33.000 – 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, giá nhập khẩu đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico… mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 – 21%.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam và đang có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lý nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.
Bộ Công Thương tích cực vào cuộc
Căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương mà. Việc nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Tuy nhiên, để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, Cục cũng đã đề nghị các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn theo Công văn số 1052/XNK-NS ngày 14/10/2019 của Cục Xuất nhập khẩu và Công văn số 10/BCĐDTLCP ngày 16/10/2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi; theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợnđể phối hợpvới cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y…) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường; đồng thời, cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt lợn.
Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn có thể gửi thông tin chi tiết về Bộ Công Thương, thông qua Cục Xuất nhập khẩu theo địa chỉ email: [email protected] để các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có cơ sở làm việc, trao đổi cụ thể với các Hiệp hội và đối tác nước ngoài có uy tín nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách thành công, hiệu quả.
Công Thương Việt Nam