+
Aa
-
like
comment

Nhân viên y tế có phải thay găng tay sau khi lấy mẫu xét nghiệm?

22/08/2021 08:32

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế không nhất thiết phải thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm nhưng phải thay sau 6 lần lấy mẫu.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Thưa PGS-TS Trần Đắc Phu, dư luận lo ngại việc nhân viên y tế không thay găng tay khi lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 có thể gián tiếp lây bệnh cho những người được lấy mẫu xét nghiệm?

Test nhanh kháng nguyên không cần trang thiết bị và cơ sở phòng xét nghiệm phức tạp, cho kết quả nhanh, chỉ sau 15-30 phút và có khả năng phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đang có nồng độ virus cao tại hầu họng. Hiện tại, với biến thể Delta có khả năng lây nhanh, những người nhiễm biến thể này có nồng độ virus cao ở thời gian đầu nhiễm bệnh (ngày thứ 2 đến ngày thứ 7), khi đó dùng test nhanh kháng nguyên có khả năng phát hiện chính xác hơn.

Trong trường hợp nhân viên y tế không tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu xét nghiệm test nhanh, không sát khuẩn tay cũng có thể là yếu tố nguy cơ làm lây lan mầm bệnh trong quá trình lấy mẫu. Bởi cũng có thể tay nhân viên đó chạm vào mũi, miệng người có bệnh nhưng lại không thay găng tay sau đó chạm vào mũi, miệng người tiếp theo làm lây bệnh cho người đó. Với tình trạng dịch bệnh như hiện nay, nguy cơ có thể ở bất cứ ai nên nhân viên cần tuân thủ đúng các quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vậy quy trình đúng có bắt buộc mỗi lần lấy mẫu phải thay găng tay không, thưa ông?

Mục đích của việc sử dụng găng tay trong quá trình lấy mẫu là bảo vệ an toàn cho cả nhân viên y tế và người được lấy mẫu. Theo quyết định của Bộ Y tế về việc sử dụng đồ bảo hộ trong quá trình lấy mẫu ghi rõ khi lấy mẫu, nhân viên y tế sử dụng một đôi găng tay và khử khuẩn bằng dung dịch cồn sau mỗi lần lấy mẫu để không xảy ra lây nhiễm chéo. Do áp lực cộng đồng, thay vì phải thay găng tay mới, nhân viên y tế có thể sử dụng cồn để sát khuẩn. Theo quy định thì dung dịch cồn được dùng sát khuẩn có độ cồn từ 60-80%, nếu nồng độ cồn thấp thì sẽ không thể diệt được virus. Tuy nhiên, cồn có thể làm hỏng găng tay sau nhiều lần sát khuẩn, gây nguy hiểm khiến mầm bệnh lây lan. Do đó, quy định đã nêu rõ chỉ sát khuẩn găng tay tối đa 6 lần sau khi lấy mẫu, hoặc thấy găng tay bị hỏng phải thay ngay.

Một số nơi cũng khuyến cáo nhân viên y tế có thể đeo 2 đôi găng tay và thay sau mỗi lần lấy mẫu. Nếu không có điều kiện thì tối đa sát khuẩn và thay găng tay sau 6 lần lấy mẫu đúng theo quy định.

Như vậy, theo hướng dẫn, không nhất thiết phải thay găng tay, đồ bảo hộ sau mỗi lần lấy 1 mẫu xét nghiệm nhưng không dùng quá 6 lần (6 người) và việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc. Theo đó, cứ mỗi lần lấy mẫu bắt buộc phải sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn theo quy định. Quá trình sát khuẩn đảm bảo an toàn khi lấy mẫu.

Trong quá trình thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Thời gian qua, các địa phương cũng liên tục tập huấn, thậm chí có nơi còn tổ chức các đội giám sát, hỗ trợ quận – huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi nào cần dùng xét nghiệm nhanh, thưa ông?

Tại khu vực nguy cơ rất cao như khu phong tỏa có số ca nhiễm nhiều, cần thực hiện test kháng nguyên nhanh, vì kết quả có ngay sau 15-30 phút, không cần phải trang thiết bị và phòng xét nghiệm phức tạp và cũng có thể xét nghiệm tại nhà. Đặc biệt, nhanh chóng phát hiện được các trường hợp F0. Tuy vậy, nếu kết quả test nhanh dương tính, cần khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa sử dụng test kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR trong cùng một ổ dịch tùy theo đánh giá của cán bộ dịch tễ và cán bộ xét nghiệm.

Cụ thể, sau khi xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh đã bóc tách cơ bản các trường hợp dương tính, thì số còn lại phải sử dụng RT-PCR. Tại các phòng khám sàng lọc ở bệnh viện, các nơi bệnh nhân đến khám có triệu chứng nghi ngờ cũng nên sử dụng test nhanh kháng nguyên.

Tôi cho rằng chỉ nên sử dụng test nhanh kháng nguyên tại khu vực nguy cơ cao, có số ca nhiễm nhiều; trường hợp bệnh đang tiến triển (như sốt, ho…) vì lúc này tải lượng virus trong người nhiễm lớn.

Tôi nhấn mạnh rằng nguyên tắc áp dụng các hình thức xét nghiệm là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người làm dịch tễ và nhân viên xét nghiệm. Áp dụng các phương pháp xét nghiệm nào cho hợp lý cần theo chỉ định dịch tễ và thống nhất với nhân viên xét nghiệm.

Ngọc Dung 

Bài mới
Đọc nhiều