Nhân tố nào có thể giúp xuất khẩu Việt Nam ngược dòng suy thoái toàn cầu?
Khác với các chu kỳ đã từng diễn ra trong lịch sử, việc đồng USD mạnh lên vào thời điểm hiện tại khiến cho kinh tế Mỹ khó rơi vào suy thoái hơn. Điều này có thể là trợ lực giúp hoạt động xuất khẩu được ổn định khi cơn bão suy thoái ở châu Âu đang tới gần.
Theo như thông điệp đã phát đi từ hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ông Jerome Powell khẳng định, FED sẽ sẵn sàng đánh đổi “suy thoái” để trị “lạm phát” nếu cần thiết. Mặc dù thông điệp đã gây một cú sốc với thị trường tài chính, nhưng việc nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái hay không vẫn còn là một ẩn số.
Bởi giờ đây, với việc đồng USD ngày càng mạnh lên và liên tục phá đỉnh đã vô tình kích hoạt lại nhu cầu mua sắm hàng hóa nhập khẩu của người dân Mỹ. Theo Wall Street Journal, sức mua tương ứng của người tiêu dùng tính theo lạm phát đang đạt mức cao nhất từ trước tới giờ. Theo đó, các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ đã trở nên rẻ đi nhờ USD tăng giá. Sở hữu một đồng USD giờ đây có thể đổi được nhiều thứ hơn trước, nhờ đó mà làm tăng sức mua của người tiêu dùng. Và chừng nào sức mua của người tiêu dùng Mỹ còn được duy trì mạnh mẽ thì nền kinh tế quốc gia này sẽ khó đi vào suy thoái.
Mặt khác, câu chuyện lạm phát tại Mỹ hiện nay cũng có điểm khác với những chu kỳ trước đó. Thông thường, lạm phát tăng nóng là do các ngân hàng trung ương (NHTW) bơm ra quá nhiều tiền. Thường việc này sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ tăng quá nhanh, chuỗi cung ứng không chạy theo kịp, từ đó làm giá cả tăng vọt và chỉ số lạm phát sẽ leo thang. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay thì nguyên nhân gây ra lạm phát ở Mỹ là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy quá nhanh chứ không phải do nhu cầu tăng nóng. Và một lần nữa, cũng nhờ đồng USD vượt đỉnh mà chuỗi cung ứng tại Mỹ đang dần được phục hồi với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những khu vực khác trên thế giới.
Nhờ đồng USD tăng cao mà xu hướng đầu tư vào Mỹ đang trở thành chủ đề được các doanh nghiệp không chỉ ở “trời Âu” mà là cả thế giới quan tâm. Chưa kể, vừa qua Mỹ còn đã công bố một loạt khuyến khích đối với ngành sản xuất trong nước và năng lượng xanh, giúp quốc gia này trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất. Việc các doanh nghiệp từ khắp nơi đổ về sẽ nhanh chóng xây dựng lại chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ. Chưa kể, nhiều khu vực xuất khẩu trên thế giới như Đông Nam Á còn sẽ tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ để đổi lấy đồng USD. Từ đó giúp Mỹ xóa nhòa vai trò công xưởng của Trung Quốc với thị trường Mỹ, góp phần bình ổn nguồn cung cho quốc gia này không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về chính trị.
Phát biểu vào tối 26/9 vừa qua, quan chức FED Susan Collins nhận định rằng, kinh tế Mỹ hiện nay vẫn lạc quan và không có dấu hiệu suy thoái đáng kể. Ngoài ra, bà nhấn mạnh “hạ cánh mềm” là một thách thức, nhưng một số khía cạnh của nền kinh tế hiện tại đang hỗ trợ cho điều đó.
Chính vì thế, hoàn toàn có thể hy vọng, kinh tế Mỹ không suy thoái sẽ là một điểm sáng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế chúng ta cần phải tiếp tục duy trì sự ổn định tỷ giá giữa VND/USD. Việc ổn định tỷ giá quan trọng là bởi nó có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát được chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ giá nguyên, nhiên liệu leo thang làm bào mòn năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Năng lực sản xuất trong nước ổn định sẽ là động lực để Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng được các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu của Hoa Kỳ, cũng như đóng góp vào tăng trưởng GDP hằng năm của nền kinh tế.
Huy Hoàng