Nhân tố đưa Việt Nam trở thành “công xưởng” sản xuất của thế giới
Sự phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo không chỉ hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, mà còn biến Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới sẵn sàng bỏ vốn làm ăn.
Công xưởng mới
Sự tiến bộ của công nghiệp chế biến chế tạo giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Cũng theo IMF, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử, linh kiện điện thoại di động, với thị phần đang chiếm 13%.
Bà Yan Liu, Chuyên gia kinh tế WB nhận định, xu hướng “Trung Quốc + 1” và dịch chuyển sản xuất gần hơn với thị trường cuối cùng đang thúc đẩy sự phân bổ lại đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Với chiến lược Trung Quốc + 1, các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động ở các nước đang phát triển khác như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Philippines, Malaysia. Theo một nghiên cứu của WB, Việt Nam có thể nhận được thêm 4% mức tăng vốn đầu tư khi các tập đoàn đa quốc gia tái phân bổ vốn đầu tư trong vài năm tới.
Quả thực, mấy năm gần đây, các tập đoàn lớn của thế giới, gồm Samsung, Apple, Foxconn, Dell, Intel, LG, Luxshare, Adidad, Nike, Heineken, Lego, Google, Goertek… đã đầu tư, tăng vốn đầu tư, mở thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đầu năm 2023, Samsung quyết định nâng vốn đầu tư thêm 2 tỷ USD lên 20 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, Samsung đã tăng thêm 920 triệu USD mở rộng dự án Samsung Electro-Mechanics VN tại Thái Nguyên trong xây dựng nhà máy sản xuất mảng lưới bóng chíp bán dẫn và các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác…
Trong cùng thời điểm nói trên, Tập đoàn Intel (Mỹ) cũng điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV). Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) – dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại đã lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu USD từ Intel giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
Luxshare và Foxconn, hai đối tác lắp ráp của Apple đang thử nghiệm sản xuất Apple Watch ở các nhà máy đặt tại các tỉnh phía Bắc. Đây là lần đầu tiên các thiết bị công nghệ kể trên được gia công ngoài Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn như Google, Dell, Amazon cũng thiết lập dây chuyền tại Việt Nam để giảm phụ thuộc Trung Quốc.
T.S Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho rằng các công ty quốc tế và thậm chí cả các công ty Trung Quốc, bắt đầu tìm cách chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam – quốc gia tham gia hơn 10 FTAs, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP…
Kỳ vọng vào lần chuyển biến thứ hai
Các nhân tố khiến nhiều tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhân công rẻ, và đặc biệt là sự tiến bộ của ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo giữ vị thế dẫn dắt toàn ngành công nghiệp đã duy trì được đà tăng trưởng trong nhiều năm qua.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, khi thế giới biến động, đơn hàng xuất khẩu giảm, ngay lập tức công nghiệp chế biến chế chế tạo bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là một đầu tàu tăng trưởng đã giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Điều đó cho thấy, công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo nước ta phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới; nếu không nhanh chóng khắc phục, sẽ giảm sức hút FDI và con đườg trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam sẽ dài hơn. Nhưng đây cũng có thể là cơ hội thúc đẩy sự chuyển biến thứ hai trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
Trong lần chuyển biến thứ nhất, việc khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, kết nối với nhà cung cấp trong nước còn hạn chế, năm 2016 chúng ta đã nhận diện điểm gút mắc kết nối chính là con người và tổ chức sản xuất. Do đó, Bộ Công Thương đã cùng Samsung lựa chọn một số doanh nghiệp trong nước có khả năng để đào tạo, tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc (5S3D), phát triển nhà máy thông minh… thông qua các hoạt động: Xây dựng môi trường thu thập, chia sẻ thời gian thực hiện trường sản xuất; Chuẩn hoá quy trình quản lý phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế và ứng dụng hệ thống; Mã hoá phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế, tối ưu hoá quy trình quản lý; ứng dụng xây dựng cấu trúc vật liệu thiết bị; Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất nhập kho; Áp dụng phần mềm để quản lý sản xuất và thiết bị, tỉ lệ lỗi… Kết quả, qua mỗi năm, số doanh nghiệp tham gia và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Samsung và các tập đoàn đa quốc gia khác tại Việt Nam ngày một tăng.
Kỳ vọng vào lần chuyển biến thứ hai này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực của Bộ Công Thương, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực toàn diện hơn để nâng cao tính tự chủ của công nghiệp. Cụ thể, thông qua các chương trình phát triển công nghiệp, Nhà nước thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghiệp như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp tại các trường đại học kỹ thuật, trường dạy nghề; hỗ trợ đào tạo thực địa tại các doanh nghiệp công nghiệp đối với các sinh viên, học viên kỹ thuật; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đang làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp; hỗ trợ liên kết tìm kiếm việc làm và xây dựng quá trình đào tạo liên kết với nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp; hỗ trợ mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu cần thiết để đào tạo nhân lực kỹ thuật các chuyên ngành công nghiệp; hỗ trợ tổ chức hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường học trong đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo chuyên gia đánh giá độ tin cậy trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ tổ chức các chương trình thu hút lao động kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài trong các ngành công nghiệp; hỗ trợ thủ tục nhập cư, giấy phép lao động và trợ cấp chi phí phục vụ hoạt động của chuyên gia nước ngoài.
Bảo Trâm