+
Aa
-
like
comment

Nhân tố bất ngờ khiến cuộc họp của ASEAN “náo loạn”

Lan Hoa - 10/08/2022 12:26

Căng thẳng quanh eo biển Đài Loan trở thành vấn đề phát sinh ngoài dự kiến được thảo luận tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55. Từ đây, phản ứng của một số nước đã cho thấy rõ sự chia rẽ và bất đồng rõ rệt.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh (Campuchia).

Theo thông cáo, tham dự phiên họp gồm 11 nước ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Nga và New Zealand. Trước thềm khai mạc, người phát ngôn của hội nghị là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia Kung Phoak tiết lộ các ngoại trưởng ASEAN sẽ tìm cách làm dịu tình hình ở eo biển Đài Loan trong phần thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đây là một phép thử không hề dễ chịu với ASEAN. Vì chỉ mới cách đây vài ngày, hầu hết ý kiến nhận định của chuyên gia đều cho rằng vấn đề Myanmar sẽ phủ sóng hội nghị ASEAN. Tuy nhiên, tình hình tại Đài Loan lúc này mới chính là vấn đề “nặng” nhất khiến những người tham dự hội nghị phải “đau đầu”.

Ngoại trưởng Trung – Mỹ khẩu chiến trong hội nghị

Trong hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục cáo buộc Mỹ tạo ra căng thẳng, giữa lúc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quy mô chưa từng có nhằm vào Đài Loan để đáp trả chuyến thăm của bà Nancy Pelosi.

“Chiến thuật thông thường của Mỹ là trước tiên họ tạo ra các vấn đề, sau đó sử dụng chúng để đạt được mục tiêu. Nhưng cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả với Trung Quốc. Chúng tôi phải nghiêm túc cảnh báo Mỹ không nên hành động hấp tấp hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn”, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinke

Đáp trả lại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích Trung Quốc, mô tả các cuộc tập trận của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan là “hành động khiêu khích trắng trợn”. Đồng thời, ông Antony Blinken cũng tố Trung Quốc “vô trách nhiệm” khi cắt đứt các kênh liên lạc với Mỹ, và hành động của Bắc Kinh cho thấy họ đang chuyển từ việc ưu tiên giải pháp hòa bình sang việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Đài Loan. Theo ông Antony Blinken, việc Trung Quốc chặn đứng các tiến trình song phương trong tám lĩnh vực chính, bao gồm quốc phòng, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia và biến đổi khí hậu, là những động thái sẽ gây thiệt hại cho cả thế giới chứ không chỉ Mỹ.

“Mỹ không tin rằng việc leo thang tình hình là vì lợi ích của Đài Loan, khu vực hoặc an ninh quốc gia của chúng tôi”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định.

Ngoại trưởng Trung Quốc bỏ về khi ngoại trưởng Nhật Bản đang phát biểu

Trước đó, trong ngày 4/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến có cuộc gặp, tuy nhiên, phía Trung Quốc bất ngờ hủy cuộc gặp. Lý do không được công bố cụ thể, nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn phản đối Nhật Bản khi có cùng lập trường với Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Mặt khác, Nhật Bản trước đó cũng đã ra tuyên bố phê phán sự uy hiếp quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa

Phát biểu trong hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước hoạt động quân sự của Trung Quốc với mục đích phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan. Phía Nhật Bản khẳng định cùng với Mỹ sẽ không chấp nhận điều đó và đều đưa vấn đề Đài Loan ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy hợp tác riêng rẽ với Đài Loan. Thậm chí đưa vấn đề Đài Loan vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Điều này khiến Trung Quốc không khỏi “nổi nóng” và phản kháng.

Một nguồn tin có mặt trong phòng họp tiết lộ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đã đứng dậy bỏ về khi người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đang phát biểu.

Triều Tiên và Nga cho rằng Mỹ đang “can thiệp” vào công việc nội bộ Trung Quốc

Tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Triều Tiên “hoàn toàn ủng hộ” quan điểm của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Mỹ “gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Theo đó, “sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của những nước khác và sự khiêu khích cố ý về chính trị và quân sự là gốc rễ gây rối cho hòa bình và an ninh trong khu vực”, theo KCNA dẫn thông cáo.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Tương tự, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là “sự khiêu khích rõ ràng”, đồng thời kêu gọi Mỹ “kiềm chế các hành động ảnh hưởng đến ổn định khu vực, an ninh quốc tế và công nhận thực tế địa chính trị mới”.

Quan chức đại diện cho Nga nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ dẫn đến “gia tăng căng thẳng” trong khu vực. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng chúng tôi tuyệt đối đoàn kết với Trung Quốc, quan điểm đối với vấn đề này của họ là có thể hiểu được và tuyệt đối hợp lý”, ông Sergey Lavrov khẳng định.

Tuy nhiên, khi trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước ASEAN bày tỏ lo ngại trước những phức tạp, căng thẳng đang diễn ra trong khu vực. ASEAN khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Hiện không có quốc gia ASEAN nào chính thức công nhận Đài Loan hay tỏ ra muốn ủng hộ Đài Loan trước Trung Quốc. Đồng thời, các bên cho rằng cần hết sức kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều