Nhân sự và đãi ngộ: Hai bài toán cần giải gấp của Y tế TP.HCM
Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận Bình Tân về công tác phòng chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Tại đây, ông đã cho rằng đây là lúc cần chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ an tâm gắn bó với công việc bằng những hành động thiết thực.
Ngay từ Quý 2/2022, TP.HCM đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nói như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, lúc này phải thay tư duy “chiến dịch” bằng “chiến lược”, xác định y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, làm nền tảng cho các chiến lược, kế hoạch khác. Như vậy, với định hướng này, trước mắt, TPHCM phải quan tâm đầu tư cho y tế toàn diện, chất lượng và hiệu quả hơn, đặc biệt là lực lượng nhân sự ở các trạm y tế, và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế từ cơ sở trở lên.
Bài toán đội ngũ nhân viên y tế cấp cơ sở vừa thiếu vừa yếu
Có một thực tế là, trên địa bàn thành phố, trong khi số lượng các bệnh viện tăng dần theo thời gian (hiện nay đã là 133 bệnh viện), số lượng phòng khám chuyên khoa, đa khoa cũng tăng đều (hiện đã vượt qua con số 7.000 phòng khám), thì số lượng trạm y tế phường, xã vẫn không thay đổi (310 trạm). Ngay thời điểm hiện tại, vẫn có trạm y tế phải quản lý sức khoẻ trên 100.000 dân.
Thực trạng không chỉ có số lượng trạm y tế không thay đổi mà số nhân viên y tế của mỗi trạm cũng đang có xu hướng giảm qua 2 năm Covid-19. Công việc nặng nhọc và điều kiện đãi ngộ chưa tương xứng đã khiến nhân sự ngành y tế giảm sút, đặc biệt ở khu vực cơ sở.
Một thành phố trên 10 triệu dân như TP.HCM mà hiện chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã thì chắc chắn không thể nào đảm trách tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, sàng lọc, hướng dẫn, chăm sóc bệnh nhân mãn tính, bà mẹ và trẻ em… tại địa phương.
Điều này dẫn đến sự quá tải một cách không cần thiết ở các bệnh viện tuyến trên, tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, và làm giảm chất lượng sống của người dân.
Trong nỗ lực vượt khó theo chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành thí điểm “Khung chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa dành cho bác sĩ mới tốt nghiệp” theo đúng quy định của Bộ Y tế. Điểm mới là thực hành tại bệnh viện gắn liền với thực hành tại Trạm Y tế (tại Quyết định số 217/QĐ-SYT ngày 19/1/2022) để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đa khoa. Giữa tháng 2/2022, thành phố đã đón tiếp 295 bác sĩ trẻ tăng cường y tế cơ sở tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang từng bước tổ chức triển khai chính sách thu hút người lao động cao tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, để tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn y tế trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ cho các trạm y tế tại phường, xã. Qua giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, nhiều người càng nhận ra tầm quan trọng của việc huy động lực lượng y bác sĩ về hưu tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương.
Giải bài toán đãi ngộ cho đội ngũ nhân viên y tế
Phải thừa nhận đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các nhân viên làm công tác y tế thời gian qua chưa được làm tốt, dẫn đến việc sụt giảm nhân sự của ngành, khiến y tế cơ sở vốn đã thiếu người giờ càng thêm mỏng. Thấy được những bất cập đó, liên tục nhiều tháng nay, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo thực hiện hỗ trợ gói sinh hoạt cho lực lượng bác sĩ trẻ về thực hành lâm sàng tại các trạm y tế phường, xã như sau: Bác sĩ tham gia chương trình thí điểm thực hành tại Bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế trong thời gian 18 tháng sẽ nhận mức hỗ trợ với số tiền là 60.000.000 đồng; Điều dưỡng, hộ sinh tham gia thực hành tại trạm y tế trong thời gian 9 tháng sẽ nhận mức hỗ trợ với số tiền là 30.000.000 đồng. Ngoài ra, với người lao động cao tuổi đã nghỉ hưu ký hợp đồng làm việc tại các trạm y tế xã, phường, mức lương là 9.000.000 đồng/người/tháng cho người có chuyên môn bác sĩ và 7.000.000 đồng/người/tháng cho người có chuyên môn y tế khác, người có trình độ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ.
Trên bình diện rộng hơn, việc đề xuất cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế hưởng chính sách đãi ngộ đặc thù cũng là một cân nhắc cần thiết để động viên sự cống hiến của những người làm y tế cho sự nghiệp chung của nước nhà.
Cần sự phối hợp đồng bộ để nghị quyết, chính sách đi vào thực tiễn
Bài toán đãi ngộ không phải là nỗ lực riêng của ngành y tế mà cần sự chung tay của các ban ngành liên quan như tài chính, bảo hiểm xã hội, nội vụ… Để triển khai hiệu quả, nhất thiết phải tránh trường hợp nghị quyết rất khẩn cấp nhưng công tác triển khai vừa chậm, vừa vướng mắc, thiếu chủ động, dẫn đến sự thất vọng của đối tượng cần được quan tâm. Đơn cử như việc khen thưởng 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên cả nước đã hỗ trợ TP.HCM chống dịch từ năm 2021, đến tận hôm nay mới bắt đầu được nhận giấy khen, tiền thưởng vì lý do thiếu kinh phí.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ bức xúc với thông tin này ngay khi ông được báo cáo: “Lẽ ra những người thực hiện phải bằng mọi giá tìm cách thực hiện cho bằng được thì các đồng chí lại để chậm đến hôm nay. Dịch bệnh đến là chưa từng có trong lịch sử, những chủ trương chính sách lúc bấy giờ vượt khung của pháp luật. Trong tình huống đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”.
Tương tự thế, đối với các giải pháp thu hút, giữ chân nhân sự ở các trạm y tế phường, xã và các chính sách đãi ngộ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế từ cấp cơ sở trở lên, nếu ngay từ bây giờ không được triển khai quyết liệt, đồng bộ e rằng, sẽ có thêm nhiều khó khăn nữa phát sinh trong thời gian tới.
Y tế TP.HCM còn rất nhiều bài toán chờ giải. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn manh nha bùng phát trở lại, dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, sự khẩn cấp phải tổ chức lại bộ máy y tế hiệu quả và hợp lý là yêu cầu bắt buộc, nếu không muốn phải hứng chịu những tổn thất to lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Phạm Khoa