Nhân sự đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Đang thiếu 107 nhân viên
Để đảm bảo đủ nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Metro Hà Nội đang tổ chức tuyển dụng bổ sung 107 nhân sự vào vị trí nhân viên, thợ kỹ thuật làm việc tại 10 bộ phận. Thời gian nhận hồ sơ tuyến dụng đến giữa tháng 4/2021.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông tuyển nhân sự
Từ ngày 31/3/2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã thống nhất giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3 – 4 tuần) và thống nhất thời điểm bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác.
Sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành bàn giao trực tiếp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để Hà Nội quản lý, vận hành khai thác tuyến đường đô thị đầu tiên tại Việt Nam một cách hiệu quả.
Qua đó, để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: “Nhân sự để vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông giai đoạn 1 vẫn còn thiếu so với phương án bố trí, thiết kế ban đầu của dự án”.
Để đảm bảo đủ nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đơn vị đang tổ chức tuyển dụng bổ sung 107 nhân sự vào vị trí nhân viên, thợ kỹ thuật làm việc tại 10 bộ phận: Trung tâm điều độ chạy tàu; Điện lực (quản lý điện); Ga vận tải hành khách; các bộ phận Kiểm tra, sửa chữa: thông tin tín hiệu, công trình, điện lực, đường ray, đầu máy/toa xe, thiết bị nhà ga; bộ phận tàu khách…. Thời gian nhận hồ sơ tuyến dụng đến giữa tháng 4/2021.
Theo ông Trường, do có những nhân sự đã được tuyển dụng để đào tạo xin nghỉ, nên trong năm 2020, đơn vị tổ chức một số đợt tuyển dụng bổ sung, song vẫn còn thiếu. Đây cũng là đợt tổ chức đợt tuyển dụng bổ sung nhân lực cuối cùng trước khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành khai thác.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khai thác thương mại sau khi bàn giao
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là tuyến giao thông chính trong mạng lưới giao thông TP Hà Nội. Điểm đầu tuyến bắt đầu từ thị trường vật liệu xây dựng phía Nam nút giao Cát Linh – Giảng Võ. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông kết thúc ở ga bến xe Hà Đông mới trong quy hoạch quận Hà Đông.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có Tổng mức đầu tư 868 triệu USD, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, toàn bộ tuyến là tuyến trên cao, có 12 nhà ga, khoảng cách giữa các ga là 1152,3 mét. Toàn tuyến xây dựng một khu depot đặt tại phía Đông Nam ga tàu hoả Hà Đông, diện tích khoảng 26,2 ha, bao gồm 17 đơn thể và các công trình ngoài trời liên quan, thiết bị công nghệ khu depot… Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật Trung Quốc.
Chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT; Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt – Bộ GTVT; Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải.
Tổng thầu là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Tư vấn thiết kế là Công ty HH cổ phần tập đoàn phát triển thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh. Dự án được chính thức khởi công ngày 10/10/2010; Hoàn thành giải phóng mặt bằng tháng 8/2015; Thông dầm toàn tuyến 8/10/2016; Thông ray toàn tuyến ngày 16/1/2017; Thông điện toàn tuyến ngày 31/7/2019; Tổng thầu hoàn thành 20 ngày chạy tàu theo biểu đồ vận hành ngày 10-30/12/2018.
Trước đó, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Ngày 31/3, mới chỉ bắt đầu tiến hành quá trình bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Dự án Cát Linh – Hà Đông rất phức tạp vì còn liên quan tới trách nhiệm của 3 bên, nếu bàn giao giữa 2 bên thì lại khác”.
Đối với việc Tư vấn Pháp đánh giá theo tiêu chuẩn Pháp để tiến hành nghiệm thu bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Dự án Cát Linh – Hà Đông không áp dụng theo tiêu chuẩn của Tư vấn Pháp mà vẫn áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Hiện nay, tất cả các hạng mục thiết kế, thi công đều theo tiêu chuẩn Trung Quốc, luật pháp thì theo luật pháp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng đã khắc phục rất nhiều hạn chế theo yêu cầu của Tư vấn Pháp ví dụ: Phòng cháy chữa cháy phải di dời cây xăng ở khu vực ga La Khê, Hà Nội sẽ di dời.
Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ phòng cháy, chữa cháy Công an sẽ cấp. Trước mắt, khi khai thác sẽ có nhân viên cảnh giới, hướng dẫn hành khách đi lại lên tàu Cát Linh – Hà Đông. Quá trình kiểm đếm diễn ra trong khoảng 3 tuần, sau đó sẽ bàn giao cho TP Hà Nội khai thác.
Thế Anh