+
Aa
-
like
comment

Nhân sự Đại hội XIII: Sàng lọc kỹ, loại bỏ những người có “tấm áo đẹp” che đậy khuyết điểm

23/12/2020 11:34

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM cho rằng, với những bước làm rất kỹ trong công tác cán bộ vừa qua giúp chúng ta hạn chế những sơ suất có thể xảy ra và tránh được những bài học đau lòng về công tác cán bộ trong Đại hội XIII.

Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa XII cho biết: “Việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc đã đánh giá, Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là lực lượng cốt của đất nước phải biết hy sinh cá nhân - Ảnh 1.
Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp về công tác cán bộ nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.

Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ thông qua lấy phiếuVề việc này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Theo thông tin từ Hội nghị Trung ương lần thứ 13, từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2020 công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã được Bộ Chính trị 4 lần phê duyệt với tổng số 227 đồng chí.

Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Công tác cán bộ sẽ tiếp tục được hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

“Đảng đã làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan tới công tác cán bộ. Các quy trình này được thực hiện qua rất nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần. Đây chính là quá trình để sàng lọc, đánh giá lại cán bộ, loại bỏ những cán bộ ban đầu có thể được vào quy hoạch nhưng sau quá trình này phát hiện ra “tì vết” hoặc vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí”, PGS.TS Lê Quốc Lý nói và nhấn mạnh, công tác nhân sự thời gian qua được thực hiện rất chặt chẽ thông qua việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự.

“Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương liên quan tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu). Qua quá trình rà soát, sàng lọc như vậy sẽ chọn được những nhân sự có tài, có đức, có tâm, có tầm để giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII”, ông Lý thông tin.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là lực lượng cốt của đất nước phải biết hy sinh cá nhân - Ảnh 2.
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (ảnh: Thành An).

Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, với những bước làm rất kỹ trong công tác cán bộ vừa qua giúp chúng ta hạn chế những sơ suất có thể xảy ra và tránh được những bài học đau lòng về công tác cán bộ. Cùng đó, trong quá trình thẩm định chặt chẽ có thể phát hiện ra những người có khuyết điểm, những cán bộ có “tấm áo đẹp” bên ngoài mà che đậy khuyết điểm bên trong để dứt khoát không đưa vào khoá tới, hạn chế được tình trạng chọn nhầm cán bộ.

PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, nhân sự thuộc diện Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư là những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ tinh hoa của quốc gia. Đây là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước do đó có những yêu cầu rất cao, phải thực sự là tiêu biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là lực lượng cốt của đất nước phải biết hy sinh cá nhân - Ảnh 3.
PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia. (ảnh: IT)

“Trước hết, đội ngũ cán bộ này phải là người biết hy sinh cá nhân để có những đóng góp cho sự nghiệp lớn của đất nước, là người mẫu mực trong thực thi công vụ, mẫu mực trong đạo đức, lối sống. Tầng lớp cán bộ tinh hoa trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo đó phải có cái tài, có tâm và có tầm”, ông Can nói và nhấn mạnh, những điều mẫu mực được đúc kết lại trong công tác cán bộ được khái quát lại thành “tứ thư lãnh đạo”.

Thứ nhất là mẫu mực trong ăn nói, mẫu mực trong giao tiếp chứ không phải thích gì nói nấy, không thích là quát tháo. Thứ hai là mẫu mực trong xử lý vấn đề, xử lý tình huống. Thứ ba là quản trị, tức là phân công, thu xếp, bố trí, đánh giá, xem xét. Và thứ tư đó là mẫu mực trong lãnh đạo công việc, con người.

Lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa quyết địnhTheo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong công tác cán bộ việc lựa chọn tìm được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ có ý nghĩa quyết định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là lực lượng cốt của đất nước phải biết hy sinh cá nhân - Ảnh 5.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (ảnh: Thành An)

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không chỉ là người quyết định phương hướng, đường lối mà còn là người lãnh đạo, chỉ đạo việc thực thi một cách đúng đắn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật thành hiện thực.

Phân tích thêm về những tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý những tiêu chuẩn như: Đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân, thực sự vì nước vì dân.

Cán bộ cấp chiến lược hoàn toàn không có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm… Cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật. Những Uỷ viên Bộ Chính trị phải là những người tiêu biểu, những người đại diện cho những phẩm chất này.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, cán bộ chiến lược phải có phong cách lãnh đạo, làm việc đúng đắn. Phong cách này đòi hỏi gắn với thực tiễn thế nào, chống quan liêu thế nào, chống vô cảm thế nào, gần dân thế nào. Từ phong cách lãnh đạo gắn với nhạy cảm chính trị để củng cố uy tín chính trị với cấp dưới, với nhân dân. Cán bộ cấp chiến lược phải là người được quần chúng và cấp dưới tín nhiệm mới quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo được.

Trung ương nhất trí cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII

Tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, tại Hội nghị 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

(Theo DV)

Bài mới
Đọc nhiều