+
Aa
-
like
comment

‘Nhân sự cơ cấu đặc biệt phải là người nổi trội về uy tín’

16/01/2021 09:20

Không phải vị trí nào cũng có nhu cầu “trường hợp đặc biệt” mà đó phải là vị trí trọng yếu và cần nhân sự nổi trội cả về đức, tài cũng như uy tín, theo TS Nguyễn Viết Thông.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ 25/1 đến 2/2 tại Hà Nội dự kiến bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới 200 người (gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết), với cơ cấu 3 độ tuổi dưới 50, 50 đến 60 và từ 61 trở lên.

Ngoài ra, “trường hợp đặc biệt” nào cần phải cơ cấu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII ngoài độ tuổi theo quy định, Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ cân nhắc, trình Trung ương khóa này xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội. PV phỏng vấn TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, về nội dung này.

– “Trường hợp đặc biệt” trong công tác nhân sự được hiểu như thế nào, thưa ông?

– Trước đây chúng ta không có “trường hợp đặc biệt” vì Đảng không quy định tuổi tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhận trọng trách người đứng đầu Đảng khi 71 tuổi, Tổng bí thư Đỗ Mười lúc 74 tuổi…

Những khóa gần đây, chúng ta mới có quy định về độ tuổi ủy viên dự khuyết, độ tuổi nhân sự lần đầu tiên vào Trung ương và Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư tái cử. Theo đó, nhân sự vào dự khuyết Ban chấp hành Trung ương không quá 45 tuổi; lần đầu tiên vào Trung ương chính thức phải còn thời gian công tác hai nhiệm kỳ hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nghĩa là không quá 55 tuổi; đang là ủy viên Trung ương tái cử thì không quá 60; đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử không quá 65.

“Trường hợp đặc biệt” là những người quá độ tuổi theo quy định nói trên, nhưng còn sức khỏe và được tín nhiệm, có thể đảm đương nhiệm vụ ở vị trí cấp cao. Chúng ta có thể hình dung, Bộ Chính trị đương nhiệm có 8 ủy viên còn tuổi tái cử, 8 ủy viên đã quá 65 tuổi khi đến Đại hội XIII. Như vậy “trường hợp đặc biệt” nếu có sẽ nằm trong số các ủy viên đã quá 65 tuổi này.

Tương tự, Ban chấp hành Trung ương hiện nhiều vị đã quá 60 tuổi, song trường hợp nào thấy cần thiết ở lại do chưa tìm được người thay thế xứng đáng hơn, thì các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét giới thiệu là “trường hợp đặc biệt”.

TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Giang Huy
TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Giang Huy

– Từ góc độ nhà nghiên cứu lý luận, ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của “trường hợp đặc biệt”?

– Nhiệm kỳ 2011-2016, Trung ương khoá XI đã giới thiệu 5 “trường hợp đặc biệt”, gồm một Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; 4 ủy viên Trung ương là ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Công an; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (hiện là Phó chủ tịch Quốc hội) và ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (được giới thiệu song không trúng cử).

Nhắc lại như trên để thấy “trường hợp đặc biệt” là cách làm nhân sự đã được thực hiện ở các nhiệm kỳ gần đây và thực tiễn chứng minh là cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tái cử đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị, phát động và thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm”; cùng với Trung ương lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội đạt nhiều thành tựu…

– Quy trình xem xét “trường hợp đặc biệt” được thực hiện ra sao?

– Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII được tiến hành công phu, bài bản và làm từng bước rất chặt chẽ qua từng hội nghị Trung ương. Trong đó hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020) đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới cả chính thức và dự khuyết.

Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020) bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Theo dự kiến hội nghị Trung ương 15 sẽ xem xét “trường hợp đặc biệt”. Để có phương án trình ra hội nghị Trung ương, chúng ta hiểu rằng các cơ quan tham mưu, các cấp có thẩm quyền phải triển khai nhiều công việc liên quan. Trong đó, Bộ Chính trị tiến hành xin ý kiến các Ủy viên Trung ương giới thiệu về “trường hợp đặc biệt”. Trên cơ sở giới thiệu này, Bộ Chính trị xem xét người có phẩm chất, năng lực nổi trội để trình ra Hội nghị Trung ương.

Đây là quy trình cân nhắc tổng thể, kỹ lưỡng nhiều mặt, lựa chọn qua nhiều vòng. Sau khi thảo luận, Trung ương sẽ bỏ phiếu kín biểu quyết giới thiệu “trường hợp đặc biệt” với Đại hội XIII. Quyết định thuộc về Đại hội và Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, cũng bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng

– Theo ông, việc giới thiệu “trường hợp đặc biệt” cần căn cứ vào những yếu tố nào?

– Tôi cho rằng việc giới thiệu “trường hợp đặc biệt” trước hết phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm đảm bảo cho sự phát triển liên tục của đất nước. Dứt khoát không phải là mong muốn cá nhân mà từ yêu cầu của sự nghiệp chung.

Không phải bất cứ vị trí nào cũng có nhu cầu “trường hợp đặc biệt”, đó phải là vị trí trọng yếu và cần nhân sự nổi trội cả về đức, tài cũng như uy tín để đảm đương tốt nhất, cho dù người đó đã quá tuổi theo quy định. Nghĩa là căn cứ nhu cầu vị trí và phẩm chất nổi trội của nhân sự.

Khi chọn “trường hợp đặc biệt”, Trung ương đặt lên vai người được chọn trách nhiệm rất nặng nề. Các vị này vừa phải tiếp tục phát huy thành quả của những giai đoạn đã qua, vừa phải có đường hướng để đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới với những mục tiêu cụ thể rất khó khăn, thách thức, như: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Như vậy các vị lãnh đạo chủ chốt nói chung cũng như “trường hợp đặc biệt” nói riêng phải có quyết tâm và khả năng đổi mới, cải cách, hành động để thực hiện những mục tiêu này.

– Trung ương khoá XI (nhiệm kỳ 2011-2016) đã giới thiệu 5 “trường hợp đặc biệt”. Vậy số lượng nhân sự trong diện này được quy định như thế nào, thưa ông?

– Qua các Đại hội gần đây, tôi thấy rằng số lượng “trường hợp đặc biệt”, gồm cả uỷ viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sẽ do các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, nghĩa là không chốt cứng bao nhiêu người. Tuy nhiên khi đã nói “đặc biệt” nghĩa là không nhiều.

Trung ương khóa này dự kiến số lượng Ủy viên Ban chấp hành khóa mới là 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết; Bộ Chính trị dự kiến 17 đến 19 vị, Ban Bí thư từ 11 đến 13.

Hiện nay nguồn để bầu 20 Ủy viên dự khuyết là 44 người, khá dồi dào, nên theo tôi nhóm dự khuyết sẽ không có “trường hợp đặc biệt”. Các nhân sự đặc biệt nếu có sẽ thuộc vào ba trường hợp là vào Trung ương chính thức lần đầu dù đã quá 55 tuổi; Uỷ viên Trung ương đương nhiệm được giới thiệu tái cử dù đã quá 60 tuổi; và Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quá 65 tuổi được giới thiệu giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Hoàng Thùy/VNE

Bài mới
Đọc nhiều