+
Aa
-
like
comment

Nhân quyền ở ngay trước mắt

Nguyên Khánh - 03/11/2021 20:53

Ngày nay, nạn đói kinh hoàng năm 1945 gần như chỉ còn được lưu lại trong những hình ảnh tài liệu lịch sử. Nhưng với những chứng nhân lịch sử vẫn còn sống hôm nay, nó là những ký ức đầy ám ảnh không thể nào quên. Chỉ trong 4 năm ngắn ngủi 1941-1945, thực dân Pháp và phát xít Nhật đã vắt kiệt nguồn dự trữ lúa gạo khắp miền Bắc. Chỉ trong chưa đầy một năm, 2 triệu người Việt đã chết trong cái đói cùng cực.

Khi những kho thóc đầu tiên được Việt Minh đánh chiếm và phân phát cho người dân, có thể nói đó là những thành quả đầu tiên của dân tộc để bảo vệ quyền được sống, quyền tự do của chính mình, là bước đi lớn nhất của nhân quyền Việt Nam sau hơn 100 năm đô hộ dưới ách thực dân Pháp.

Nhưng chỉ 9 năm sau, đất nước bị chia cắt và nhân quyền Việt Nam một lần nữa rơi vào khủng hoảng. Chiếc máy chém vẫn còn lưu giữ trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM là hiện vật lịch sử cho một giai đoạn tăm tối. Chỉ trong 5 năm 1955-1960, có khoảng 80.000 người đã bị tử hình không qua xét xử dưới những chiếc máy chém. Gần 1 triệu người bị cầm tù hoặc đưa vào trại tập trung với điều kiện sống kham khổ. Tình trạng “lạm xử tử” tồi tệ đến mức người ta mở cả một trường tập bắn kế trại giam để che đậy những tiếng súng chát chúa nổ lên gần như mỗi ngày. Chẳng ai trong chính quyền ấy buồn nhắc đến hai chữ “nhân quyền” với hàng triệu tù nhân đói khổ…

Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất với những ngổn ngang của thời cuộc. Người đoàn tụ với gia đình, người gửi thân nơi chiến trường, có những người rời bỏ quê hương. Cấm vận, bao cấp, Liên Xô sụp đổ, rồi Đổi mới, mở cửa… các biến cố lịch sử nối tiếp nhau tạo nên một bức tranh Việt Nam hậu chiến mang nhiều “nốt trầm” của đói nghèo, lạc hậu. Nhưng bất kỳ bản giao hưởng kiệt xuất nào cũng phải có những cao trào mãnh liệt. Việt Nam ngày hôm nay tuy chưa giàu có như nhiều quốc gia khác, nhưng cũng đã là một hiện tượng kinh tế, xã hội của thế giới. Ở đó không còn những căn hầm tránh bom dưới nền nhà, không còn nỗi sợ hãi tiếng bom rơi, tiếng súng giữa đường phố. Mối bận tâm của mỗi người giờ đây là tập trung lao động, làm giàu, là xây dựng cuộc sống. Những quyền con người căn bản nhất và cuộc sống đời thường tưởng như hiểu nhiên ấy là tất cả những gì thế hệ cha ông ta đã mong chờ trên mỗi bước hành quân.

Kinh qua những thăng trầm đó, dân tộc Việt Nam hiểu quá rõ cái giá để giành lấy quyền con người thiêng liêng lớn nhường nào. Giá trị của nhân quyền không nằm ở những lời phán xét ngoại lai hay những tuyên bố sáo rỗng, nó phải được khẳng định bằng thực tiễn và hành động. Như lời chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Anh vừa qua: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về vấn đề nhân quyền… Nhân quyền lớn nhất của chúng ta là có cơm ăn, áo mặc cho 100 triệu người dân, là ổn định chính trị, là trong quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau”.

70 năm trước, đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh. 30 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 60%. Còn ngày hôm nay, dù vẫn còn nhiều vùng nông thôn khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 16,6%, đất nước từ lâu không còn tiếng súng. Trong hội trường cuộc gặp gỡ ngày hôm đó, hẳn đã có những kiều bào từng bước lên chuyến bay hồi hương khi nước Anh bùng phát dịch. Họ là những nhân chứng sống cho thông điệp “không ai bị bỏ lại phía sau”. Và cả những ai từng chứng kiến các y bác sĩ tại bệnh viện điều trị COVID-19 đã vật lộn với tử thần như thế nào, cũng sẽ hiểu nhân đạo và nhân quyền ở ngay trước mắt chứ không đâu xa.

Trong cái sự bình yên của xã hội, có những người chăn ấm nệm êm đem “nhân quyền” đặt lên bàn cân để rồi ta thán “nước tôi thiếu nhân quyền”. Họ bán lương tri, đạo đức và cả lý trí để “buôn nhân quyền”. Họ say sưa ba hoa những khái niệm bay bổng về tự do này và tự do nọ. Họ đòi được làm những thứ “giống như ở bên kia”, mà thực ra là muốn được chửi bới, thóa mạ nhưng không muốn trả giá, không muốn bị người đời chê cười. Họ biến “nhân quyền” thành một thứ vô pháp và vô chính phủ, để tự cho mình cái quyền đứng trên đồi cao phán xét xã hội kìm hãm cái sự “tự do” của mình.

Nhưng họ không thấy, đất nước này đã trả bằng hàng triệu sinh mạng để giành lấy tự do và chưa bao giờ biết lãng quên lịch sử. Người ta có thể cười nhạt với vài ba câu châm biếm chính quyền, có thể vờ nghe những câu từ sáo rỗng về cái “nhân quyền” viển vông. Nhưng cuối cùng, những thứ đó cũng sẽ rơi ra ngoài tai, bởi ai cũng hiểu nhân quyền nằm ở cuộc sống bình yên, thoát đói nghèo và biết ta không bị bỏ rơi trong dòng chảy của thời cuộc.

Những con người ảo tưởng đó đã bán cả tương lai, danh dự và lương tri lấy vài trăm ngàn USD để đi “buôn nhân quyền”. Với cái giá rẻ mạt đó, họ cho rằng mình có đủ lý trí để nhìn thấy nhân quyền của đất nước này nằm ở đâu hay sao?

Nguyên Khánh

Bài mới
Đọc nhiều