+
Aa
-
like
comment

Nhân quyền, đại dịch Covid-19 và hành động của chính phủ

Komi - 16/12/2020 21:18

Sáng ngày 15/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19. Dù với mục tiêu nhằm thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng chỉ qua vài ba lời thêu dệt, nội dung, ý nghĩa của buổi hội thảo này đã bị đẩy lạc hướng.

Dẫn dắt lệch lạc vấn đề nhân quyền

Cụ thể, phát biểu tại hội thảo, ông Trần Chí Thành, phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao đưa ra nhận định bên cạnh tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sống và chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh kịp thời của người dân cũng như quyền tự do cá nhân bao gồm quyền tự do di chuyển và tự do hội họp. Phát biểu này được một số bài viết trên báo mạng, trên mạng xã hội giật tít thành: “Quan chức Việt Nam thừa nhận việc phong toả và giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 đã khiến việc “thụ hưởng quyền con người” ở Việt Nam bị hạn chế”. Với cách viết tiêu đề trống không, bỏ đi hết các nội dung phân tích, bối cảnh của cuộc hội thảo ngày 15/12, thông điệp cũng như ý diễn đạt của phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao đã bị hiểu sai.

Ở đây, ông Trần Chí Thành muốn nhấn mạnh đến những ảnh hưởng, tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với việc thụ hưởng quyền con người của công dân. Trong khi đó, một số cá nhân, tổ chức lại cố ý đẩy trách nhiệm và quy kết cho Nhà nước, chính phủ hạn chế quyền con người của công dân. Hơn hết, việc cố tình đưa thông tin gây nhiễu này vẫn chủ đích là nhằm xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Sự hạn chế tất yếu!

Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chính phủ Việt Nam đã triển khai một loạt các biện pháp như yêu cầu khai báo y tế, bắt buộc đeo khẩu trang, phong tỏa, giãn cách xã hội,… Các biện pháp này khi được triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do đi lại, tự do kinh doanh,… Tuy nhiên, sự hạn chế này là “phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người” – đúng như những gì mà ông Trần Chí Thành khẳng định sau đó.

Về khía cạnh lợi ích, quyền tự do đi lại, quyền tự do kinh doanh của người dân bị tác động, ảnh hưởng một phần lại chính là điều kiện để bảo đảm vững chắc hơn những quyền này. Bởi lẽ, nếu một người mất đi quyền sống thì tất cả các quyền khác tất yếu cũng không còn. Việc đề ra các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, quyền tự do kinh doanh để bảo vệ tuyệt đối quyền được sống, được bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe là hợp lý và tất yếu phải làm.

Tính đến ngày 17/12/2020, toàn thế giới ghi nhận 74,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1,65 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, tổng số ca nhiễm Covid-19 chỉ là 1.405 (bao gồm cả những ca bệnh từ nước ngoài nhập cảnh và cách ly ngay tại sân bay, cửa khẩu) trong đó có 35 ca tử vong. Kết quả phòng, chống dịch tại Việt Nam rõ ràng có tín hiệu khả quan hơn rất nhiều so với mặt bằng chung trên toàn thế giới. Những con số “biết nói” nêu trên là minh chứng rõ ràng nhất cho tính hợp lý, tính cần thiết của các biện pháp về phong tỏa, dãn cách xã hội….

Về khía cạnh pháp lý, việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân để nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cộng đồng cũng đã được cụ thể hóa bằng pháp luật. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”. Nguyên tắc hạn chế quyền con người này hiện cũng được pháp luật hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận và thực thi.

Như vậy, nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế trong việc thụ hưởng quyền con người tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là do tính nguy hiểm của dịch bệnh. Nguyên tắc dẫn tới sự hạn chế trong việc thụ hưởng quyền con người dựa trên các khía cạnh về pháp lý và lợi ích, trong đó phải có sự hy sinh những quyền, lợi ích nhỏ hơn để bảo vệ những quyền, lợi ích căn bản, cấp thiết. Nhà nước, chính phủ trong quá trình này đóng vai trò là chủ thể định hướng cho hành vi của xã hội, nhằm bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng.

Nguyên lý, cách thức của những hạn chế, giới hạn về quyền con người như trên không chỉ được thực hiện trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà diễn ra tại hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống như kinh tế, thông tin truyền thông… Mọi người có quyền tự do kinh doanh nhưng không được phép kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mà pháp luật cấm. Mọi người có quyền tự do ngôn luận nhưng không được phép phát tán, tuyên truyền tin giả.

Kết lại, đánh giá về nhân quyền phải đặt trong mối tương quan giữa một cá nhân hay một nhóm người với cả cộng đồng. Hiểu được vấn đề này, tất cả chúng ta đều có thể đánh giá được khách quan nhất việc thụ hưởng nhân quyền tại Việt Nam.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều