+
Aa
-
like
comment

Nhận diện và khắc phục bệnh mới xuất hiện ở một bộ phận thanh niên hiện nay

Quỳnh Quỳnh - 05/04/2020 17:14

Thời gian qua, tình trạng “phai Đoàn, nhạt Đảng” đã xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên; là một biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị đáng quan ngại, cần phải sớm nhận diện, tìm giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Chính vì vậy, nhận diện và khắc phục tình trạng “khô Đoàn, nhạt Đảng” ở một bộ phận thanh niên hiện nay, hay nói khác đi là phòng ngừa bệnh “phai Đoàn” là một trong những vấn đề cấp thiết để khắc phục bệnh “nhạt Đảng” trước một bước.

Mối nguy hại của bệnh “phai Đoàn”

“Phai Đoàn” là quan niệm dùng để chỉ sự mờ dần của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên. Theo đó, tổ chức Đoàn không giữ được vị trí, vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; đoàn viên, thanh niên không giữ được mục tiêu, lý tưởng, tinh thần xung kích, sáng tạo, cống hiến của tuổi trẻ. Cũng có thể hiểu, biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên là sự thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn; không giữ được lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người thanh niên cách mạng.

Không khó để nhận diện biểu hiện của bệnh này với những “triệu chứng” thường gặp: Thiếu niềm tin vào nghị quyết, điều lệ của Đoàn cũng như chương trình hành động của các cấp bộ Đoàn; ngại sinh hoạt Đoàn. Chủ nghĩa bình quân, phấn đấu cầm chừng, ngại rèn luyện; không muốn phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên; có lối sống thực dụng, đề cao vật chất quá mức, sùng bái và coi đồng tiền là trên hết; thoái thác nghĩa vụ công dân.

Biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên là sự thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn; không giữ được lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người thanh niên cách mạng.

Những biểu hiện trên đã và đang phản ánh một thực trạng: “Không ít thanh niên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị; không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội, có những thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật”.

Bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên (bao gồm cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên độ tuổi thanh niên) sẽ “lây lan” và gây ảnh hưởng không nhỏ đến “độ bền” của bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của mỗi thanh niên, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của họ.

Tính nguy hại của bệnh “phai Đoàn” là:

Khi mục tiêu, lý tưởng bị phai nhạt, tất yếu dẫn đến động cơ phấn đấu thấp, nhận thức sai lệch, thiếu niềm tin, hành động mù quáng, đi ngược lại thậm chí là phản bội lý tưởng của Đảng. Đây chính một trong những biểu hiện suy thoái về chính trị mà Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra: “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”
Thờ ơ, vô cảm, không bàn luận về chính trị, khi cần bày tỏ quan điểm thì thường “thuận theo số đông” để lên tiếng cho có, không có chính kiến; nghi ngờ tính hiệu quả đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Những người này chẳng những không có tình cảm cách mạng và tình yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn thiếu bản lĩnh chính trị, dẫn tới tình trạng phân liệt tư tưởng, dễ dàng bị các thế lực thù địch lợi dụng, mua chuộc, khống chế để thực hiện âm mưu, thủ đoạn “cộng sản con lật đổ cộng sản cha” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng.

Phương thuốc chữa bệnh “phai Đoàn”

Tự phê bình và phê bình không chỉ là “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng”, như điều Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc từ 50 năm trước, mà còn là liều thuốc hay chống bệnh “nhạt Đảng” – một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bối cảnh hiện nay.

Phòng ngừa những biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên chẳng những là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài. Theo đó, những vấn đề căn cốt mà các tổ chức, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn đã, đang và sẽ phải kiên trì, kiên quyết thực hiện là:

Nhận thức, đánh giá đúng biểu hiện và tính nguy hại của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Thực hiện có chất lương, hiệu quả công tác định hướng, hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn đấu tranh, phản bác, phê phán các biểu hiện “phai Đoàn” ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phải xác định “phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh”. Thực tiễn cho thấy, khi nào chủ thể tự nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh, giác ngộ được trách nhiệm của bản thân, tự giác phòng bệnh và tự giác đấu tranh thì hoạt động phòng ngừa và khắc phục biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” phát huy hiệu quả thiết thực và bền vững.

Phòng ngừa những biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên chẳng những là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, trách nhiệm với Đảng, với dân và với chính mình; mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết, kiên trì, quyết liệt trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, phai nhạt LTCM, suốt đời kiên định và phấn đấu không mệt mỏi cho LTCM, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Để chống “nhạt Đảng”, mỗi cấp ủy đảng và đảng viên, với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong, thái độ làm việc tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân; gương mẫu đi đầu trong hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm… để có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quỳnh Quỳnh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều