+
Aa
-
like
comment

Nhận diện “thuyết âm mưu” về chống tham nhũng

Tường Vi - 24/06/2020 17:28

Tại Việt Nam, tất cả tội phạm đều bị trừng trị bằng luật pháp, tham nhũng cũng không nằm ngoài vòng lao lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thành phần chống phá núp đằng sau trang “Nhật Ký Yêu Nước” thường xuyên dựng lên bức tranh xám xịt, là “tất cả quan chức đều tham nhũng”, xử lý là “trừng phạt phe phái”. 

Thời gian qua, hàng loạt các cán bộ, quan chức tham nhũng bị phát hiện và bị kết án, đó là điều mà ai cũng nhìn thấy. Lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Ủy viên Bộ Chính trị đang đương chức như ông Đinh La Thăng bị cách chức và nhận mức án tù giam vì tội cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Cũng là lần đầu tiên, một vị nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, bị tòa đề nghị mức án tử hình cho tội ăn hối lộ 3 triệu USD. Đó là chưa kể, tất cả những người liên quan, cán bộ sai phạm đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Các phiên tòa xử án, tuyên án điều được minh bạch, người dân cả nước đều theo dõi sát sao, nắm bắt thông tin tường tận. Khi những con sâu mọt bị trừng phạt, người dân ngày càng bày tỏ sự ủng hộ các cơ quan chức năng diệt sạch giặc tham nhũng. Mỗi một cán bộ sai phạm bị kết án, người dân càng thêm tin tưởng vào công tác phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhận định khách quan: những cán bộ sai phạm, tham nhũng bị xử lý dù nhiều người, nhưng đó chỉ chiếm phần thiểu số trong hệ thống cán bộ phục vụ nhân dân của bộ máy nhà nước. Không phải cán bộ, quan chức nào cũng thoái hóa đạo đức, đục khoét đất nước và công tác quản lý công chức ngày càng siết chặt bằng cơ chế, luật pháp hẳn hoi. Thậm chí, luật pháp đặt ra cho cán bộ, quan chức, được Quốc hội và các cơ quan công quyền giám sát ngày càng chặt. Như Luật Phòng, chống tham nhũng, vì muốn Bộ luật này ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống tham nhũng, ngày 20/11/ 2018, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp” – đó là chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cuộc chiến chống giặc nội xâm – tham nhũng.

Kết quả cho cuộc chiến chống tham nhũng trong suốt nhiệm kỳ XII, là hàng loạt các cán bộ, từ địa phương đến Trung ương, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị, khi làm sai đều đứng trước vòng lao lý. Điều mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là, tất cả các cán bộ, quan chức tham nhũng, khi bị tuyên án đều nhận lỗi, thể hiện sự ăn năn, hối cải và cúi đầu xin lỗi. Trước ánh sáng pháp luật, không một ai phạm lỗi có thể chạy tội. Chính vì xử lý theo đúng quy định của luật pháp, nên không một bị cáo nào kêu ca nửa lời.

Thật ra, tất cả chúng ta, ai cũng đã quá hiểu và biết rõ, những ai sai phạm, vi phạm luật pháp mới bị xử lý và chưa có trường hợp nào sai phạm mà được tại vị, hay bình yên. Không chỉ Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy, người có tội dù cho chức cao vẫn bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nói xử lý người phạm tội là “thanh trừng” như lời rêu rao của những thành phần chống phá tuyên truyền, thế thì tất cả các quốc gia trên thế giới, xử tội phạm, phế truất người phạm pháp cũng là thanh trừng à?

Mục đích của những thành chống phá tung tin, lái dư luận theo hướng nội bộ lãnh đạo Việt Nam phe phái, đấu đá tranh giành quyền lực, không gì khác ngoài gieo rắc hoài nghi, làm giảm uy tín của Đảng với nhân dân; làm lung lay niềm tin người dân với chính quyền, hướng đến phá hoại đại hội Đảng XIII. Cái chiêu trò cũ rích này của những đối tượng điều hành trang “Nhật Ký Yêu Nước” làm sao qua mắt được người dân Việt Nam.

Tường Vi

Bài mới
Đọc nhiều