Nhận diện thủ đoạn “nắn dòng” dư luận của Việt Tân
Trên khắp các mặt báo và diễn đàn đang lan truyền nhanh chóng vụ việc ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có hành vi lớn tiếng chửi bới và cư xử thiếu văn hoá tại trạm kiểm soát dịch Covid – 19. Ngay sau đó, phía chính quyền tình Bình Phước đã nhanh chóng vào cuộc, tạm đình chỉ công tác đối với ông Thanh để phục vụ quá trình xem xét trách nhiệm, xử lý sai phạm. Vậy nhưng Việt Tân và nhiều đối tượng chống đối lại cố tình xuyên tạc vụ việc, hướng lái vấn đề để đánh lạc hướng dư luận, chĩa mũi nhọn công kích vào Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Nhận diện thủ đoạn “nắn dòng” dư luận
Liên quan đến vụ việc của ông Lưu Văn Thanh, có thể khẳng định hành vi của ông Thanh là phản cảm, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng liên quan đến trách nhiệm của đảng viên và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Không có bất kỳ một lý do nào có thể bao biện cho sai phạm của ông Lưu Văn Thanh. Chắc chắn, ông Thanh sẽ phải gánh chịu những hậu quả tương xứng cho hành vi sai phạm của mình.
Tuy nhiên, “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”, nhiều đối tượng chống đối đã “bẻ lái” thông tin đi theo hướng tiêu cực. Lợi dụng sai phạm của cá nhân ông Lưu Văn Thanh, một mặt các đối tượng tự cho mình quyền phán xét, kết tội ông Lưu Văn Thanh và tạo sức ép đối với cơ quan chức năng phải “xử lý” ông Thanh theo “sự chỉ đạo” của họ. Mặt khác, các đối tượng thổi phồng, nói quá, xuyên tạc bản chất của vụ việc, vu vạ bản chất của đội ngũ lãnh đạo địa phương. Các đối tượng cố tình vẽ ra một bộ máy chính quyền đầy tiêu cực nhằm kích động tư tưởng bất mãn trong người dân .
Trên trang facebook của mình, ngay khi vụ việc xảy ra, tổ chức phản động Việt Tân đã nhanh chóng “ăn bám” thông tin, đăng đàn xuyên tạc. Đặc biệt, bài viết với tiêu đề “Khi luật chỉ dùng cho dân” được Việt Tân đăng tải chứa đựng nhiều nội dung tiêu cực, không phản ánh đúng bản chất vẫn đề, mang tính xuyên tạc thực tiễn, tạo ra dòng dư luận lệch lạc. Cụ thể, trong bài viết, các đối tượng rêu rao luận điệu “Luật chỉ cho dân chứ quan chức đảng viên thì luôn luôn sống ngoài vòng pháp luật”, “nếu bạn là đảng viên, là quan chức nghĩa là bạn được kim bài miễn tử, dù bạn có phạm pháp thì cũng được luật pháp bảo vệ bạn vì bạn là đảng viên” v.v…
Thông qua những luận điệu sai lệch được đưa ra, một mặt các đối tượng phủ nhận sự công bằng trong nền tư pháp của Việt Nam. Mặt khác, các đối tượng gieo rắc suy nghĩ tiêu cực về bộ máy Nhà nước, khiến người dân trở nên hoang mang, lo sợ, mất niềm tin vào phía chính quyền. Đây là một hành động vô cùng thâm hiểm nằm trong chiến lược “diễn biến hoà bình” mà các đối tượng đang thực hiện. Cái đích cuối cùng mà các đối tượng hướng đến không phải là vì dân chủ, nhân quyền, công bằng, bình đảng mà là nhằm làm lay khối đại đoàn kết dân tộc, hạ bệ uy tín của Đảng cộng sản, làm lung lay và dần dần xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản tại Việt Nam, từ đó tiến đến thay đổi thể chế chính trị.
Cảnh giác trước các thông tin sai lệch
Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, nguyên tắc công bằng, bình đẳng là nguyên tắc hàng đầu trong các quy định của pháp luật. Trước pháp luật, tất cả mọi người đều như nhau, bất kể họ là ai, không phân biệt địa vị xã hội, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo. Bất kỳ người nào nếu vi phạm các quy định của pháp luật sẽ phải đối mặt với các chế tài tương ứng, được pháp luật quy định. Không thể có chuyện “luật cho dân, lệ cho quan” xảy ra như những gì mà Việt Tân và các đối tượng chống đối vẫn rêu rao, tô vẽ.
Không chỉ trong vụ việc ông Lưu Văn Thanh mà trong tất cả các vụ việc tiêu cực liên quan đến cán bộ, các đối tượng đều cố tình lấy cái đơn lẻ, cá biệt để quy chụp bản chất của toàn thể xã hội ta. Tất cả những gì xấu xa nhất, tiêu cực nhất, kinh khủng nhất đều được các đối tượng đổ lỗi là do Đảng cộng sản nắm quyền.
Nhìn thẳng vào sự thật, không thể phủ nhận thời gian qua, nhiều quan chức, lãnh đạo cấp cao của chúng ta đã bị nhúng chàm, thoái hoá, biến chất và có hành vi xâm hại đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Nhận thức được vấn đề trên, Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thực hiện chiến dịch “đốt lò”, đẩy mạnh việc đấu tranh phòng chống tham nhũng và ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Rất nhiều trường hợp đã bị đưa ra xử lý về hình sự. Nói như vậy để có thể thấy trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc tích cực nói lên tiếng nói cá nhân để đấu tranh vì sự công bằng, dân chủ trong xã hội, mỗi người cần phải trang bị cho mình một lăng kính để có thể chắt lọc, ngăn chặn các dòng thông tin sai trái, lệch lạc được lan truyền trên mạng.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả