Nhiều nhà báo mạng cho rằng Hồ Duy Hải là “công cụ” chính trị
Những ngày gần đây, vụ án Hồ Duy Hải đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Bên cạnh những ý kiến tranh luận về kết quả vụ án, không ít đối tượng chống đối đã lợi dụng một vụ án hình sự, biến nó trở thành công cụ chống phá Đảng, Nhà nước. Qua phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều thủ đoạn chống phá được các đối tượng sử dụng.
Những dư âm mà phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2008 chắc chắn sẽ kéo dài. Những ý kiến tranh luận trái chiều đã được đưa ra. Có thể thấy, đây là vụ án nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng. Nó gây chú ý vì nhiều lý do: có người để ý đến nó vì câu chuyện người mẹ 12 năm đi tìm cách cứu con khỏi án tử hình; có người lại chú ý vì việc một vụ án man rợ, dã man nhưng kéo dài suốt 12 năm, qua cả phúc thẩm, sơ thẩm và giờ là đến cả giám đốc thẩm mà vẫn chưa ngã ngũ. Có lẽ, hiếm vụ án nào từ giới chuyên gia cho đến những người bình thường nhất trong xã hội đều quan tâm chú ý và đưa ra ý kiến cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những sự tranh luận để tìm ra chân lý, bảo đảm sự thật được tôn trọng, không làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm thì không ít đối tượng cơ hội chính trị lại đang sử dụng vụ án như một công cụ chống phá Đảng, Nhà nước.
Nhận diện thủ đoạn chống phá
Trước hết, các đối tượng vu khống bản chất nền tư pháp của Việt Nam. Trên các trang truyền thông do Việt Tân điều hành như trang facebook Việt Tân, Chân Trời Mới Media cùng nhiều trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức khác như RFA, BBC, Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ v.v… liên tục đưa ra các bài viết liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải và diễn biến phiên giám đốc thẩm liên quan đến vụ án giết người, cướp tài sản mà Hải đã bị tuyên là hung thủ gây án. Với bản chất tiêu cực, chống đối, các đối tượng tập trung xuyên tạc bản chất nền tư pháp của Việt Nam. Nhiều lập luận mang tính xuyên tạc trắng trợn đã được đưa ra như: ở Việt Nam không có tư pháp, không có công lý, toà án chỉ là “bình phong”, là “vật trang điểm cho chế độ”, cho rằng Hồ Duy Hải chỉ là “công cụ” của chính trị v.v… Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm. Các đối tượng cố tình tập trung vào những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra để biến tướng, vu khống, xuyên tạc vụ việc, xuyên tạc bản chất vụ án. Trong khi hàng loạt chứng cứ buộc tội, sự phù hợp giữa lời khai và các chứng cứ khách quan khác lại bị những “ngòi bút dân chủ” cố tình phủ bụi, không đoái hoài.
Mặt khác, các đối tượng tấn công cá nhân những người liên quan đến vụ án, cố tình đánh chệch hướng vấn đề. Theo luận điệu được các đối tượng đưa ra, vụ án Hồ Duy Hải đầy màu sắc liêu trai. Để củng cố cho lý sự của mình, người ta không ngại lấy cái chết của những tham gia tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải và cho đó là “nghiệp quật”. Cùng với đó, chuyện đời tư cá nhân của các thẩm phán tham gia phiên giám đốc thẩm cũng bị đưa ra chọc ngoáy, bàn luận. Các đối tượng cho rằng Hồ Duy Hải dường như là một “con dê” tế thần, là bàn đạp chính trị của nhiều người. Người ta cố tình nhìn về một phía, tận dụng tình thương con của mẹ Hồ Duy Hải để lấy sự thương cảm của cộng đồng, sẵn sàng chối bỏ sự thật một vụ án man rợ đã diễn ra, hai cô gái tuổi vừa đôi mươi bị sát hại tàn bạo, hai gia đình đã mất đi con gái v.v…
Cùng với đó, các đối tượng xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Vụ án Hồ Duy Hải là viên kẹo ngọt cho những “nhà dân chủ” chia sẻ. Theo lập luận của các “tay viết dân chủ”, Hồ Duy Hải đã mất quyền làm người, không được coi là con người trong xã hội Việt Nam, Hải chỉ là công cụ để người ta thực hiện các mưu đồ chính trị. Việc lấy một sự việc cá biệt để xuyên tạc bản chất của cả một chế độ chẳng có gì mới. Nói thẳng, trong vụ án Hồ Duy Hải, dù phán quyết theo hướng nào thì những nhà “dân chủ mạng” cũng sẽ chửi. Miễn sao nó gây mất uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam là được.
Chân lý cần được thực thi
Để đánh giá được bản chất của một vụ án, bên cạnh việc nắm bắt các quy định pháp luật liên quan, chúng ta cần trực tiếp tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá hồ sơ vụ án. Công tác điều tra, truy tố, xét xử là một quá trình dài, và để được tham gia vào quá trình tố tụng này, người tham gia tố tụng phải trải qua một thời gian dài học tập, tìm hiểu, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Ấy vậy nhưng lạ lùng thay, nhiều “anh hùng mạng” chưa từng cầm đến Bộ Luật hình sự, chưa biết thế nào là quy trình tố tụng, chẳng được ngó nghiêng hồ sơ vụ án ra sao, chỉ thông qua một vài bài báo, dựa trên lăng kính chủ quan của một vài nhà báo mà tự coi mình là “Bao Thanh Thiên”, đưa ra phán quyết.
Việc tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung và hoạt động xét xử nói riêng là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân. Tuy nhiên, muốn phát huy các quyền lực của bản thân, thiết nghĩ mỗi người cần biết mình là ai, mình ở đâu; tự nắm được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để có thể đánh giá vấn đề một cách chính xác, khách quan, tránh sự a dua, chạy theo đám đông.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả