+
Aa
-
like
comment

Nhận diện thủ đoạn “bới bèo ra bọ”, tung tin xuyên tạc về lạm phát gây hoang mang dư luận

An Diễm - 11/02/2022 15:43

Trong bài viết mới, Việt Nam Thời Báo cóp nhặt các kịch bản giả định về lạm phát của nhiều chuyên gia, rồi lựa chọn những thông tin giật gân nhất để xuyên tạc gây hoang mang dư luận.

Giá thực phẩm đang có xu hướng tăng do nguyên liệu đầu vào tăng

Khi tìm hiểu về các vấn đề của đất nước, trong đó có kinh tế, báo chí thường phỏng vấn xin ý kiến các chuyên gia phân tích để biết quan điểm cùng các nhận định của họ. Việc của các chuyên gia là dựa trên tình hình thực tế rồi áp dụng lý thuyết để đưa ra nhiều kịch bản từ lý tưởng nhất đến phức tạp nhất. Điều này tuy chỉ là tính toán sách vở nhưng có lợi ích là mang lại cho công chúng cũng như các nhà quản lý một số góc nhìn toàn cảnh, từ đó rút ra được nhiều kết luận có giá trị. Tuy nhiên có những cá nhân, trang mạng tự xưng “nhà báo” nhưng lại thông tin không đầy đủ, khách quan mà chỉ soi mói, bắt bẻ, “bới bèo ra bọ”, sử dụng thuyết âm mưu để đưa ra giả thuyết giật gân tác động vào nhận thức cảm tính. Chỉ cần thấy thông tin được coi là “có vấn đề”, có biểu hiện này kia… là số người này khai thác rồi ra sức nhào nặn, cắt ghép, thêm bớt, bôi đen chỉ để đạt mục đích duy nhất là phản ánh sai sự thật, công kích, chống phá đất nước.

Câu chuyện về lạm phát mới đây cũng vậy. Báo chí dẫn lời các chuyên gia cho biết có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát kinh tế năm 2022 như: giá nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi, giáo dục tăng, nhu cầu ăn uống giải trí tăng, chi phí xăng dầu tăng…và trong số đó có cả yếu tố từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Chính phủ. Vậy mà khi dẫn ra thông tin, Việt Nam Thời Báo đặt luôn câu hỏi “Lạm phát từ các gói kích cầu?”, ý là Chính phủ gây lạm phát. Tương tự, lãnh đạo và phần lớn chuyên gia tin tưởng lạm phát năm 2022 sẽ được kiềm chế đúng mục tiêu của Chính phủ, chỉ có duy nhất một chuyên gia nói về kịch bản xấu nhất là lạm phát có nguy cơ tăng cao như giai đoạn 2009-2011. Vậy là khi dẫn thông tin, Việt Nam Thời Báo giật tít: “Lạm phát sẽ ở mức hai chữ số như giai đoạn 2009 – 2011?”

Thật không khó để thấy dụng tâm ác ý, muốn gây hoang mang dư luận và đổ lỗi cho Chính phủ trong bài viết này. Vốn dĩ những thông tin đi kèm với các câu chuyện bịa đặt trắng trợn, các cụm từ giật gân, câu khách có thể khiến một bộ phận nhẹ dạ cả tin, thiếu trình độ, khả năng thẩm định dễ dàng tin theo. Chưa kể, thông tin sai trái, bịa đặt như vậy lặp đi, lặp lại nhiều lần, lan truyền dày đặc trên mạng xã hội sẽ gây hệ lụy lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng và tác động xấu đến niềm tin vào tình hình đất nước, vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân.

Thủ đoạn đưa tin bới bèo ra bọ này không mới, nhưng hậu quả thì khó lường. Còn nhớ khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang cao điểm, Chính phủ phải áp dụng các biện pháp giãn cách, truy vết, cách ly nghiêm ngặt. Khi đó đa số người dân đồng lòng ủng hộ các chính sách của Chính phủ, chỉ có một bộ phận rất nhỏ thiếu nhận thức và bức bối vì bị hạn chế sinh hoạt đã buông lời bất mãn. Và đương nhiên, trong các bản tin của RFA, Việt Nam Thời Báo chỉ có duy nhất nội dung “người dân bất mãn vì bị giãn cách”. Khi Chính phủ triển khai tiêm vaccine cho người dân, trên các trang mạng này chỉ toàn tin tiêu cực: thiếu vaccine, vaccine chất lượng kém, vaccine gây tác dụng phụ chết người (dù những trường hợp này vô cùng hiếm).

Cách đây chỉ vài tháng, khi đại dịch khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, Chính phủ và các tổ chức xã hội đã bằng mọi biện pháp trợ giúp mọi người, tuy nhiên do số lượng quá lớn, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa được hỗ trợ kịp thời. Và không khó để đoán, trên Việt Nam Thời Báo khi đó tràn ngập những thông tin này, lu loa rằng Chính phủ bỏ mặc dân. Lần này, Chính phủ vừa mới đưa ra gói hỗ trợ kích thích kinh tế thì họ lại lu loa là “Lạm phát do Chính phủ kích cầu”, “Lạm phát có nguy cơ hai chữ số”, dù xác suất xảy ra những điều này quả thực chỉ nhỏ như “bọ trong đám bèo”.

Một nửa sự thật không phải là sự thật. Người dân cần có cái nhìn đa chiều với mọi thông tin trên mạng xã hội để tránh mắc bẫy vào lối đưa tin kiểu này, nhất là đối với dạng tin tức chỉ toàn tiêu cực, sặc mùi xuyên tạc, chống phá.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều