Nhận diện sự biến tướng của lừa đảo kinh doanh đa cấp
Không phải là loại hành vi phạm tội mới, nhưng thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp với nhiều vỏ bọc phức tạp, chiêu thức mới lạ, vẫn đang tiếp tục đưa hàng trăm nghìn người vào bẫy với số tiền rất lớn. Từ đó, những đường dây đa cấp bất chính vẫn ngang nhiên tồn tại, gây nhức nhối trong xã hội.
Chỉ riêng trong tháng 11/2019, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, bắt giữ và xét xử hàng loạt vụ trọng án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến hình thức kinh doanh đa cấp. Cụ thể, ngày 30/11, sau khi nhận đơn tố cáo việc ông Võ Thanh Long huy động vốn của nhiều người theo hình thức đa cấp nhưng không thể chi trả, Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố, bắt tạm giam người này. Trước đó, ngày 28/11, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt sáu bị cáo với tổng mức án 50 năm tù do hành vi lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp.
Ðược biết, trước khi rơi vào vòng lao lý, sáu bị cáo này đã thành lập Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại dịch vụ Sức Mạnh Việt, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của 12 bị hại. Ngày 22/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Ðức Trung vì có thủ đoạn tương tự.
Ba thí dụ trên cho thấy, bất chấp các đại án với số tiền chiếm đoạt lên đến cả nghìn tỷ đồng như trường hợp các Công ty Liên Việt, địa ốc Alibaba,… từng bị phát giác, hành vi lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp chưa có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân chủ yếu khiến các đối tượng lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp tiếp tục lộng hành vẫn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, lòng tham, hám lợi trước mắt của nạn nhân. Nhưng ở chiều ngược lại, có một sự thật là hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính đang biến tướng ngày càng tinh vi, khó nhận diện.
So với thủ đoạn truyền thống mà yếu tố chụp giật khá lộ liễu, chỉ quẩn quanh một vài mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… hiện nay các tổ chức tội phạm lừa đảo theo mô hình kinh doanh đa cấp đang hoạt động dưới nhiều vỏ bọc đặc biệt phức tạp, trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, lừa đảo đa cấp qua hình thức đầu tư bất động sản đang là chiêu thức phổ biến, được nhiều đối tượng áp dụng để dụ dỗ “con mồi”. Theo phương thức này, những kẻ chủ mưu sẽ thành lập các công ty bất động sản với những dự án nhà đất “bánh vẽ” ở trong nước và quốc tế, rồi tổ chức hàng loạt sự kiện hoành tráng, tạo ra các bản thiết kế, dự án “ma” cùng mức ưu đãi, lợi tức hấp dẫn, từ đó thuyết phục nạn nhân rót tiền vào những gói đầu tư lớn.
Trước viễn cảnh hào nhoáng cùng lời mời gọi bùi tai, nhiều người không ngần ngại bỏ hết vốn liếng, huy động tiền bạc của gia đình, người thân, thậm chí vay nặng lãi để dồn tiền vào những hợp đồng vô giá trị. Ðặc biệt, do nắm bắt được tính chất của một dự án bất động sản thường có thời hạn nhiều năm, huy động vốn lớn, các công ty lừa đảo không vội “rút dây động rừng” mà tìm cách trì hoãn với khách hàng bằng cách chi trả cổ tức, lãi suất đều đặn. Ðến thời điểm nhất định, khi đã chiếm dụng được số lượng tài sản theo ý đồ, chúng mới tìm cách tẩu thoát bằng cách tuyên bố phá sản, chuyển đổi mô hình công ty, dừng hoạt động, hoặc giản đơn là… “bốc hơi”
Bên cạnh vỏ bọc đầu tư bất động sản, các hình thức lừa đảo kinh doanh đa cấp cũng tìm cách lợi dụng nhiều xu hướng làm giàu mới trong nền kinh tế hiện đại để thực hiện hành vi. Chúng khéo léo tự ngụy trang dưới các “nhãn mác thời thượng” như: doanh nghiệp du lịch, lớp học kỹ năng mềm, tổ chức tín dụng, hãng bảo hiểm, sàn thương mại điện tử và gần đây là công ty “khởi nghiệp sáng tạo”. Lợi dụng sự quan tâm của xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng với các loại hình kinh doanh còn ít được biết đến này, nhiều kẻ lừa đảo đa cấp nghiễm nhiên xuất hiện trên một số báo, đài dưới hình tượng truyền cảm hứng làm giàu cho giới trẻ.
Nhờ “danh tiếng ảo” do một bộ phận truyền thông và công chúng thiếu hiểu biết tung hô, các công ty lừa đảo này nghiễm nhiên chen chân, xếp ngang hàng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đa cấp đang bị các cơ quan chức năng siết chặt, bổ sung nhiều quy định chặt chẽ, tấm vỏ bọc đó đang giúp các công ty lừa đảo lách qua “khe cửa hẹp” của pháp luật hiện hành. Tiêu biểu là Công ty Payasian. Ra mắt năm 2018, Payasian được quảng cáo là công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến. Nhưng trên thực tế, công ty này chỉ tập trung huy động, kêu gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) theo hình thức đa cấp.
Theo chính sách của Payasian: khi nhà đầu tư mời gọi được người khác góp tiền cho Payasian, họ sẽ được hưởng hoa hồng trả bằng “tiền ảo” từ “quỹ bảo chứng” của doanh nghiệp. Tuy nhiên trái với những gì mà Payasian cam kết, số tiền này chỉ tồn tại trên giấy tờ, không thể sử dụng, không thể hoàn lại. Gần đây mạng xã hội Hahalolo cũng bị người dùng in-tơ-nét cáo buộc với những hành vi tương tự. Từng tự nhận là mạng xã hội du lịch đầu tiên của startup (khởi nghiệp) Việt, Hahalolo tuyên bố nhiều tham vọng như đạt hai tỷ thành viên sau 5 năm, cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch NASDAQ (sàn giao dịch chứng khoán Mỹ). Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những hoạt động tuyển nhân sự ồ ạt, quảng cáo phương thức kiếm tiền qua các gói đầu tư, kêu gọi vốn và phát hành ví điện tử trái phép, Hahalolo không tạo ra bất kỳ tính năng nổi bật nào. Con số 500.000 người dùng mà Hahalolo công bố cũng khiến dư luận hoài nghi, vì nếu so sánh với số lượt tải ứng dụng mạng xã hội này trên các kho phần mềm của Google, Apple thì chỉ dừng lại ở mức thống kê khiêm tốn.
Vừa biến tướng trong nhiều lĩnh vực, tội phạm lừa đảo theo hình thức kinh doanh đa cấp cũng vừa mở rộng mạng lưới hoạt động theo mô hình đa quốc gia, xuyên quốc gia. Chúng thường thành lập các “tập đoàn ma” tại một số quốc gia cởi mở trong các quy định của luật doanh nghiệp hoặc các “thiên đường thuế”. Sau đó, các công ty này mở rộng chân rết lừa đảo đa cấp của chúng tới nhiều quốc gia khác, nhất là những nước có nền kinh tế đang phát triển, dân trí còn hạn chế, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết. Bất chấp sự cảnh báo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn đổ tiền vào những tập đoàn lừa đảo đa cấp trá hình xuyên quốc tế này chỉ từ những lời đường mật của các đại lý trung gian, các website lừa đảo. Nguy hiểm hơn, nhiều người sẵn sàng tham gia đầu tư vào các mặt hàng đa cấp bất hợp pháp hoặc chưa được Nhà nước Việt Nam quy định như: tiền kỹ thuật số, vàng ảo.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, giờ đây các hình thức tuyên truyền kinh doanh lừa đảo đa cấp còn được tiến hành trên các fanpage (trang tạo ra từ tài khoản facebook cá nhân hay doanh nghiệp để tập hợp nhóm cộng đồng có chung sở thích), các nhóm (group), kết bạn facebook. Thay vì tổ chức các hội nghị đình đám như trước, chúng lôi kéo con mồi qua trò chuyện trực tuyến và livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp) trên mạng xã hội. So với các hội thảo được tổ chức công khai, livestream không hấp dẫn, thu hút được nhiều người nhưng lại bảo đảm được sự bí mật, tránh được sự theo dõi hoặc chú ý của cơ quan chức năng. Hơn nữa, với các mặt hàng bất hợp pháp như tiền kỹ thuật số, vàng ảo, penny stock (cổ phiếu có giá trị thấp nhưng trong trường hợp này là cổ phiếu rác, vô giá trị),… các hình thức quảng cáo, giao dịch trên mạng xã hội thường là phương pháp được những nhà đầu tư rủi ro lựa chọn. Vì về bản chất, chúng chẳng khác nào hành vi đánh bạc. Trong trường hợp này, hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm đều hiểu rằng họ chính là nạn nhân của vòng xoáy đa cấp. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng lừa thêm được “con mồi mới” để kiếm lợi nhuận, hoặc chí ít là thu hồi vốn.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đa cấp đã giảm mạnh; tính đến tháng 9-2019, chỉ còn 23 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp; 44 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự giải thể, phá sản vì làm ăn kém hiệu quả. Số lượng tham gia kinh doanh đa cấp cũng giảm mạnh từ 1,3 triệu người xuống còn 800.000 người. Dù vậy, doanh thu của ngành kinh doanh này vẫn đạt 5.800 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2019, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thực tế, về bản chất, kinh doanh đa cấp vẫn là một loại hình làm giàu hợp pháp, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, hay tạo nguồn thu cho xã hội. Mặt khác, kết quả nêu trên có được đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của Bộ Công thương Việt Nam và các cơ quan chức năng trong việc đưa một loại hình kinh doanh phức tạp như kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ của pháp luật. Ðáng chú ý trong số các văn bản pháp luật quan trọng này có thể kể tới Nghị định 40/2018/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Song đến nay, loại hình kinh doanh này đang bị một số người lợi dụng, cố tình hiểu lầm, làm méo mó bằng các mô hình lừa đảo biến tướng. Nhất là giờ đây, chúng lại ẩn mình dưới các bình phong mới, gây được thiện cảm trong dư luận xã hội như công ty khởi nghiệp, tập đoàn bất động sản, doanh nghiệp bảo hiểm…
Trước biến tướng phức tạp của lừa đảo kinh doanh đa cấp, không có cách nào khác, trước khi quyết định, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu để nắm rõ hồ sơ, vốn điều lệ, lĩnh vực kinh doanh, phương thức làm ăn, quá trình phát triển của các công ty, tập đoàn này. Tuyệt đối không đầu tư vào lĩnh vực, mặt hàng không được pháp luật Việt Nam công nhận hay lĩnh vực doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh. Nếu thấy sự tăng trưởng đáng ngờ của doanh nghiệp, những lời mời chào huy động vốn, hoa hồng cao bất thường không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đây là các dấu hiệu quen thuộc của lừa đảo đa cấp theo cái bẫy Ponzi (đặt theo tên của C. Ponzi – ông trùm lừa đảo tín dụng đa cấp). Bởi, không có hoạt động làm giàu nào lại dễ dàng, tốn ít công sức, ngoại trừ các thủ đoạn lừa đảo chiếm dụng tài sản người khác. Do đó, nhà đầu tư không nên vội vàng chạy theo các lợi ích mơ hồ, phù phiếm để rồi bị những kẻ “kinh doanh lòng tham” lợi dụng, nẫng tay trên khối tài sản mà bản thân phải vất vả làm lụng, chắt bóp trong một thời gian dài mới có được.
PV/DV