+
Aa
-
like
comment

Nhận diện đòn tấn công chế độ

Bảo An - 20/07/2020 17:45

Một trong những trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch là xuyên tạc, đả phá chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã lựa chọn. Đặc biệt, trong bối cảnh Đại hội Đảng toàn quốc chuẩn bị diễn ra, khi mà các vấn đề quan trọng của đất nước chuẩn bị được quyết nghị, các đối tượng lại tiến hành gia tăng việc tuyên truyền chống phá, truyền bá các tư tưởng cực đoan hòng tạo điều kiện tấn công, làm sụp nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Luận điệu xuyên tạc về chế độ

Trong số các cây viết “dân chủ”, cùng với Phạm Đoan Trang thì Đỗ Ngà là “tay viết” khá quỷ quyệt. Các bài viết của Đỗ Ngà sau đó được BBC, Việt Tân cùng một số trang truyền thông khác đăng tải, lan truyền tiếp xúc đến nhiều người, tạo ra những hệ lụy nguy hiểm.

Gần đây, Đỗ Ngà tiếp tục tung ra bài viết với tiêu đề “Chủ nghĩa xã hội Mác – Lê nin sớm muộn gì cũng phải bị loại bỏ”. Và đương nhiên, như thường lệ, trong bài viết được đưa ra, Đỗ Ngà truyền bá những quan điểm, tư tưởng, nhận định mang tính cá nhân, áp đặt về tình hình xã hội Việt Nam. Thực tế, nội dung mà Đỗ Ngà tung ra không phải là mới. Việc chống phá chủ nghĩa Mác – Lê nin là một trong những trụ cột chính để thực hiện “diễn biến hòa bình”, làm nước ta sụp đổ từ bên trong mà các thế lực thù địch đang thực hiện. Dù được che đậy bằng nhiều luận điệu khác nhau nhưng mục đích chống phá thì không bao giờ thay đổi.

Nhìn vào đời sống thực tế của giới “dân chủ” hiện nay, không khó để chúng ta thấy một đặc điểm chung của các đối tượng là cố tình khoác lên mình những tấm mặt nạ mang danh nghĩa vì nước, vì dân để che đậy cho những mưu mô chống phá nham hiểm. Các đối tượng luôn miệng rêu rao bản thân đang đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền; tranh đấu cho lợi ích chung của cộng đồng, xã hội nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Bằng những luận điệu tưởng chừng như đầy đạo lý, nhân văn, vì cộng đồng, các đối tượng đã đánh lừa, dắt mũi không ít người nhẹ dạ cả tin. Nguy hiểm hơn, trong số những người bị dắt mũi, có không ít người trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Quay trở lại với bài viết “Chủ nghĩa xã hội Mác – Lê nin sớm muộn gì cũng phải bị loại bỏ” của Đỗ Ngà, vẫn với những luận điệu đầy “mùi nhân nghĩa”, đối tượng này bắt đầu đưa ra những quan điểm, tư tưởng, nhận định phiến diện, cá nhân. Theo lập luận của Đỗ Ngà: “Để một quốc gia vừa có nguồn sinh lợi mạnh, người nghèo vừa được hưởng phúc lợi thì đòi hỏi môi trường chính trị đó phải có cả thiên tả và thiên hữu cân bằng”, “Không có đảng đối lập làm vai trò cân bằng quyền lực chính trị, thì một đảng toàn trị không bao giờ cho ra những chính sách dung hòa mang tính thiên tả hoặc thiên hữu một cách nhẹ nhàng, mà nó chỉ có thể ngã rạp về một phía hoặc theo cực tả hoặc theo cực hữu mà thôi”. Đi liền với đó, Đỗ Ngà cũng không quên ca ngợi xã hội tư sản, hạ bệ xã hội chủ nghĩa; reo rắc hoài nghi về sự nghèo đói của xã hội chủ nghĩa. Suy cho cùng, cái đích mà Đỗ Ngà hướng đến là đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Trước hết, chưa bàn đến cái gọi là “sự giàu có”, chúng ta hãy nhìn vào bản chất của từng mô hình Nhà nước. Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát và ở Việt Nam, Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Từ khi được thành lập đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, chính bởi đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đồng thời chúng ta chọn lựa đi theo con đường chủ nghĩa xã hội nên các thế lực thù địch, chống đối vẫn luôn tấn công chống phá ta. Cuộc chiến đấu này trước hết bắt nguồn từ chiến đấu ý thức hệ – một cuộc chiến gay go, quyết liệt, phức tạp, lâu dài; cùng với đó, trong quá trình lãnh đạo của Đảng, không ít thế lực “thèm đỏ mắt” quyền lực mà Đảng đang có nên luôn chĩa mũi nhọn tấn công Đảng hòng tranh giành quyền lực lãnh đạo Nhà nước. Qua miệng lưỡi tấn công của kẻ thù, Việt Nam bị biến thành một nơi chuyên quyền, độc đoán, nghèo đói, kém văn minh.

Ấy thế nhưng, đúng như cha ông ta đã dạy: “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chỉ với một trận dịch Covid–19, chúng ta đã thấy được giá trị của Việt Nam đang có. Trong khi những “nhà dân chủ” không tiếc lời đả kích, chê bai Việt Nam về sự nghèo nàn, lạc hậu thì Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng lại đang trở thành một vùng sáng trong mùa dịch bệnh; những giá trị nhân văn, nhân đạo của xã hội Việt Nam được tỏa sáng rực rỡ. Thay vì bất chấp sức khỏe của người dân để cứu nền kinh tế như một số nước tư bản đang thực hiện, chúng ta đã đề cao con người, đề cao mạng sống của nhân dân, sẵn sàng chấp nhận hi sinh lợi ích về kinh tế. Chỉ môt góc nhỏ trong mùa dịch cũng đã phần nào thấy được Việt Nam không hề đen tối như những lời rêu rao.

Việc Đỗ Ngà ca ngợi xã hội tư bản, cho rằng phải có đa nguyên, đa đảng, phải có sự “cân bằng quyền lực” giữa các phe đảng thì khi đó đất nước mới phát triển là một nhận định mang tính phiến diện, hàm hồ. Cũng như các đối tượng khác, Đỗ Ngà liên tục quy chụp, đổ lỗi cho những tiêu cực trong xã hội là do tại Việt Nam có một Đảng duy nhất lãnh đạo và từ đó đòi đa nguyên, đa đảng. Tuy nhiên hãy nhớ, chính xã hội Mỹ – nơi mà Đỗ Ngà vẫn luôn ca ngợi – vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn; sự bất công, bất ổn, thiếu văn minh đang hiển hiện. Vấn đề quan trọng không phải là có bao nhiêu phe phái, vấn đề quan trọng là trong mỗi mô hình Nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực có phát huy được tác dụng hay không. Nếu nói chỉ có đa đảng mới có thể giàu là hoàn toàn sai lầm. Bởi thực tế, không phải quốc gia tư bản nào cũng giàu có như Mỹ hay các nước Châu Âu, rất nhiều quốc gia có đa đảng nhưng lại chìm trong đói nghèo, chiến tranh.

Có thể Việt Nam chưa giàu có. Tuy nhiên, Việt Nam đang trên đà phát triển, cuộc sống người dân ngày một nâng cao. Vì vậy, đừng bao giờ bôi tro, vẽ bẩn, làm xấu xí hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều