+
Aa
-
like
comment

Nhận diện, chặn đứng và phá tan cuộc “xâm lược mềm” của Trung QUốc

23/08/2019 19:03

Dưới đây là bài viết của TS. Trần Công Trục – chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ chia sẻ những quan điểm, nhận định xung quanh vấn đề đang rất nóng: tranh chấp ở Biển Đông.

Nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chính trị gia, chuyên gia quân sự… đã sử dụng thuật ngữ “xâm lược mềm” để ám chỉ một loại chiến tranh phi truyền thống mà nội hàm của nó là kẻ gây chiến không sử dụng đến những vũ khí sát thương, không sử dụng đến lực lượng vũ trang trực tiếp tham chiến.

Vũ khí của cuộc “xâm lược mềm” mà kẻ xâm lược sử dụng là những biện pháp kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, pháp lý… Mặc dù không có tiếng súng, tiếng bom đạn, không thấy cảnh khói lửa binh đao nhưng cuộc “xâm lược mềm” vẫn là một cuộc chiến tranh kiểu mới hết sức nguy hiểm, đáng sợ.

Bởi vì, kẻ “xâm lược” có thể đạt được mục tiêu buộc đối phương phải khuất phục, phải lệ thuộc hoàn toàn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; phải mặc nhiên thừa nhận những yêu sách phi lý về lãnh thổ, biển, đảo. Điều đó đồng nghĩa với việc đã để mất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia vào tay kẻ “xâm lược”… mà nhiều trường hợp bên bị xâm lược lại khó có thể nhận ra những thứ “vũ khí mềm” nguy hiểm đó.

TS. Trần Công Trục - chuyên gia Luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ. (Ảnh: Thành An).
TS. Trần Công Trục – chuyên gia Luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ. (Ảnh: Thành An).

Sau đây là một vài ví dụ về các mũi tấn công của cuộc “xâm lược mềm” do Trung Quốc triển khai trong khu vực Biển Đông thời gian qua:

Mũi tấn công bằng dịch vụ khoa học, kỹ thuật 

Hiệp hội khí tượng Trung Quốc (CMA) đã công bố chính thức khai trương một số trạm thời tiết được xây dựng rải rác khắp quần đảo Trường Sa. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cũng thông báo rằng việc xây dựng đài quan sát khí quyển “Nansha Trung tâm” đã hoàn thành, bao gồm 15 chỉ số riêng biệt về các hiện tượng khí tượng khác nhau; cung cấp một cơ sở quan trọng để cải thiện quan sát khí tượng biển trong khu vực.

Dữ liệu thu được từ các cơ sở có thể cung cấp thông tin quan sát hiện tại và cảnh báo sớm cho những sự kiện thời tiết khắc nghiệt… Các trạm thời tiết này sẽ cung cấp thông tin kịp thời và đáng tin cậy về chất lượng không khí xung quanh vì lợi ích của các quốc gia giáp Biển Đông; phát hiện khí nhà kính và các thành phần không khí độc hại khác…

Nếu chỉ xét về  lĩnh vực khoa học khí tượng thủy văn, để đối phó với những biến đổi khí gây tác hại nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài người… việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm khí tượng là việc làm đáng được đề cao, cần được nêu gương và khuyến khích.

Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) - đảo Trường Sa lớn nhìn từ phía cầu cảng. (Ảnh: Thành An)
Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) – đảo Trường Sa lớn nhìn từ phía cầu cảng. (Ảnh: Thành An)

Tuy nhiên, nếu các trạm khí tượng được Trung Quốc xây cất, lắp đặt ở trong phạm vi lãnh thổ của mình, hoặc ở trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia khác, sau khi được các quốc gia khác đó cho phép, thì có lẽ chẳng có gì phải bàn cãi.

Điều đáng nói là trạm khí tượng nói trên được Trung Quốc xây dựng lại nằm trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam; đó là các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa do Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1988; sau đó, đã biến chúng thành các đảo nhân tạo.

Đây là một hoạt động phi pháp, tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Hơn nữa, trong tình hình Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp phức tạp, việc Trung Quốc tiếp tục lắp đặt và đưa các trạm khí tượng vào hoạt động còn là hành vi vi phạm nội dung Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), đi ngược lại những cam kết, thỏa thuận “giữ nguyên hiện trạng” ở Biển Đông mà Trung Quốc đã nhiều lần công khai “thề thốt” trước dư luận.

Việc Trung Quốc công bố đưa vào hoạt động các trạm khí tượng ở quần đảo Trường Sa là tiếp tục thực hiện chủ trương giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông, bằng cách giăng ra rất nhiều cạm bẫy hết sức nguy hiểm như: Lắp đặt, công bố và đăng ký hoạt động các trạm khí tượng thủy văn trong Biển Đông là một trong những cạm bẫy nguy hiểm mà Trung Quốc đã từng rắp tâm cài cắm nhưng không thành theo ý muốn.

Chẳng hạn, tháng 6/1980, tại Hội nghị khí tượng khu vực châu Á lần thứ 2, Giơ-ne-vơ, đại biểu của Việt Nam đã tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc đặt tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp.

Cột hải đăng trên đảo Hoàng Sa năm 1937 (Ảnh: TL).
Cột hải đăng trên đảo Hoàng Sa năm 1937 (Ảnh: TL).

Kết quả là trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm khí tượng được Tổ chức khí tượng thế giới (OMM) công nhận từ năm 1949 với số hiệu: Trạm Phú Lâm số 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860 và Trạm Ba Bình (quần đảo Trường Sa) số 48419.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn khai thác, lợi dụng nhu cầu cấp thiết cho sự tồn vong của nhân loại để tiếp tục “giăng bẫy” và tìm cách thông qua các tổ chức chuyên môn quốc tế, để giành được lợi thế về mặt pháp lý, được đánh giá là rất yếu để bảo vệ quan điểm pháp lý của Trung Quốc dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế…

Mũi tấn công bằng hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên

Năm 2014, hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng khi chọn vị trí để hạ đặt giàn khoan. Vị trí này cực kỳ nhạy cảm, cách đảo Tri Tôn 18 hải lý, nghĩa là vượt quá 6 hải lý so với tiêu chuẩn tối đa 12 hải lý mà Công ước Luật Biển quy định đối với các đảo quá nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống dân cư và không có đời sống kinh tế riêng.

Trung Quốc cho rằng, nếu Việt Nam tuyên bố giàn khoan HD981 đã vi phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thì đồng nghĩa với việc Việt Nam đã mặc nhiên thừa nhận các thực thể địa lý của quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Rõ ràng đây là một bẫy pháp lý rất tinh vi mà Trung Quốc đã giăng ra, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu của mũi “tấn công mềm” mang tên HD 981 mà chúng ta đã phát hiện ra để vô hiệu hóa nó.

Điều đáng nói là về sau, phía Trung Quốc lại sử dụng cái bẫy bị vô hiệu hóa này để nói rằng: Việt Nam đã mặc nhiên từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vì đã không lên tiếng phản đối khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào vùng biển thuộc quần đảo này…

Mũi tấn công chủ lực mang tên tàu thăm dò Địa chất Hải Dương 08

Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm 6 thực thể địa lý, những đá, bãi cạn, ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc lập tức bắt tay xây dựng 3 đường băng dài 3.000m trên các đảo nhân tạo ở đây, xây dựng các căn cứ quân sự và các cơ sở hậu cần kiên cố hiện đại nhằm phục vụ cho những mũi tấn công mới trong khu vực Biển Đông.

Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc đang khảo sát trái phép gần khu vực bãi Tư Chính. (Ảnh: NDCC)
Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc đang khảo sát trái phép gần khu vực bãi Tư Chính. (Ảnh: NDCC)

Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi gây chiến tranh xâm lược bằng vũ lực các thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đang tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để triển khai cuộc “xâm lược mềm”, bằng chiến thuật “gặm nhấm”, “cháo nóng húp quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012 , Bãi Cỏ Mây,… với nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.

Và gần đây, Trung Quốc tiếp tục điều động các phương tiện, cùng với lực lượng tàu quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ, tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Nhà giàn DK1 - cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Thành)
Nhà giàn DK1 – cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Thành)

Nơi đây, Việt Nam đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.

Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Tất cả những hoạt động nói trên là những mũi tiến công được Trung Quốc tính toán để triển khai cuộc “xâm lược mềm” cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay.

Có thể nói Trung Quốc đang triển khai “mũi tấn công chủ lực” để  tiến vào “tử huyệt” của những quốc gia mà họ coi là những “đối thủ đáng gờm” có khả năng cản trở bước tiến của họ ra Biển Đông. Bởi vì, suy cho cùng, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật, chứa đựng trong đó mới là “miếng bánh” ngon lành, hấp dẫn cần phải tranh giành, chứ không phải phạm vi là không gian của chúng.

Vì vậy, những hoạt động của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp tới những quyền và lợi ích chính đáng không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước khác trong khu vực, trong đó vấn đề được nhiều nước quan tâm nhất là quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế.

Cách nào chặn đứng và phá tan âm mưu của Trung Quốc?

Với phản ứng quyết liệt của Việt Nam và một số nước, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 có thể sẽ rời đi, với lý do là đã hoàn thành một đợt nghiên cứu hoặc vì một nguyên cớ nào đó. Nhưng đó chỉ là động thái mang tính chiến thuật, trước khi họ có những hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà, biến vùng không tranh chấp thành có.

Thực tế, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc tiếp tục quay lại khu vực này để tiến hành các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của họ.

Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Ảnh: Thành An).
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Ảnh: Thành An).

Bài học lịch sử được rút ra từ sự kiện để cho quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa rơi vào tay Trung Quốc vào các năm 1956, 1974 và 1988, điều cốt tử là không tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục áp dụng kế sách tạo ra tình huống buộc chúng ta phải chấp nhận “chuyện đã rồi”, tiến tới mục tiêu ngắn hạn là “giữ nguyên hiện trạng”, vì “đại cục”.

Nếu điều đó xảy ra, đồng nghĩa với việc chấp nhận trên thực tế những hành vi xâm phạm của Trung Quốc; chí ít là chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” tại các vùng biển, đảo không thuộc về Trung Quôc.

Vì vậy, sau khi chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm, tiếp tục quấy phá, gây tổn thất đến sinh mạng và hoạt động kinh tế thì Việt Nam nên sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao.

Trước hết, Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc… để lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao pháp lý tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các Cơ quan Tài phán Quốc tế.

Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp cần cảnh giác, kiềm chế, hành xử theo đúng quy định pháp lý hiện hành; không mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc để họ kiếm cớ gây đụng độ vũ trang, gây bất ổn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.

Tuy nhiên, điều này không hạn chế các lực lượng chấp pháp trên biển thực thi quyền tự vệ chính đáng của mình trong trường hợp bị tấn công trước, nhất là đối phương đã gây rối, phá hoại sự an toàn đối với các giàn khoan dầu, các công trình nhân tạo trong phạm vi vùng an toàn 500m xung quanh.

Các lực lượng hoạt động trên biển luôn sẵn sàng, chủ động với các nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Thành An).
Các lực lượng hoạt động trên biển luôn sẵn sàng, chủ động với các nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Thành An).

Hy vọng rằng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam không buộc phải sử dụng quyền tự vệ chính đáng, trừ khi những vi phạm đó vẫn tiếp tục gây tổn hại đến các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Thay lời kết

Người Việt Nam luôn luôn yêu nước, thương nòi, luôn luôn tin vào truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng các cơ quan và cá nhân lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đều là người Việt Nam, đang sống trên đất nước Việt Nam, mảnh đất đã thấm biết bao máu và nước mắt của Tổ tiên, ông cha mình, họ biết sẽ phải phải làm gì, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, thiêng liêng của tổ tiên để lại.

Biểu tình để bảo vệ chân lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc, dân tộc trước sự đe dọa và xâm phạm của các thế lực thù địch, ngoại bang không phải là hành động bị cấm đoán và không ai có quyền ngăn cấm, trừ khi những cuộc biểu tình đó vi phạm pháp luật, do các thế lực chính trị đối lập lợi dụng để gây bạo loạn, lật đổ chính quyền, gây mất trật tự, gây bất ổn chính trị trong nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân…

Vì vậy, vấn đề liệu có nên biểu tình hay không là tùy thuộc tính chất và mức độ vi phạm, không phải bất kỳ vi phạm nào cũng nhất thiết phải xuống đường.

Trong bối cảnh hiện nay, căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm và đặc biệt không để mắc mưu của đối phương, thay vì biểu tình chúng ta nên thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực như phải cảnh giác, không tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng;

Phải chia sẻ ủng hộ lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã công khai tuyên bố trước những vi phạm của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã và đang xẩy ra tại khu vực bãi Tư Chính;

Trước hết, tập trung hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tùy theo cương vị của mỗi một người và khi cần, chúng ta sẽ đáp lời sông núi, sẵn sàng cầm vũ khí lên đường giết giặc, dù chúng là ai, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta!

TS. Trần Công Trục – chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ

Bài mới
Đọc nhiều