+
Aa
-
like
comment

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc – Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa

01/09/2020 09:06

Có nhiều tàu Trung Quốc giả dạng tàu cá, cũng treo đèn và lưới, nhưng không thấy đánh bắt bao giờ, chỉ nhăm nhe vào sát mép xanh các đảo ở Trường Sa…

Tàu cá dân binh Trung Quốc vào gần đảo Phan Vinh A (Trường Sa), tháng 4.2016 /// Ảnh: Mai Thanh Hải
Tàu cá dân binh Trung Quốc vào gần đảo Phan Vinh A (Trường Sa), tháng 4.2016.

Đi công tác Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1, rất dễ gặp các tàu cá Trung Quốc.

Thượng tá Trần Như Hải, nguyên chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh A (Trường Sa) là một trong những chỉ huy đảo có thâm niên nhất ở Trường Sa nên có rất nhiều chuyện kể về các cuộc đấu tranh với tàu cá Trung Quốc.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 1
Nhóm tàu cá dân binh Trung Quốc (trái) đi gần đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa), tháng 1.2017.

Ông Hải cho biết: Tàu cá Trung Quốc tập trung nhiều nhất tại khu vực Trường Sa từ tháng 2 đến tháng 5. Đặc biệt là cụm đảo Sinh Tồn, có thời điểm xung quanh đá Huy Gơ (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ cuối tháng 2.1988) có hàng trăm tàu cá Trung Quốc tập trung, ban đêm bật đèn như thành phố nổi.

Có khi các tàu cá Trung Quốc kéo dài đến gần đảo Sinh Tồn Đông (do bộ đội lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân đang đóng quân), bởi Sinh Tồn Đông chỉ cách Huy Gơ 4 hải lý (7,5 km), khiến xuồng CQ của đảo và tàu trực phải liên tục xua đuổi.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 2
Ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trong bãi cạn Ba Đầu (Trường Sa), phía xa là tàu dân binh bảo vệ, tháng 3.2020.

Các tàu cá Trung Quốc thường bật giàn đèn dùng lưới đánh bắt cá ban đêm. Có khi đi vào sát mép xanh của đảo và nối nhau vây xung quanh. Buổi sáng, các tàu cá kéo nhau ra xa, neo đậu thành cặp hoặc cụm vài chục chiếc, nghỉ ngơi.

Ban ngày, chỉ một số tàu làm nghề câu hoạt động ở bãi cạn không người, hạ thuyền nhỏ cho ngư dân (1 – 2 người/ xuồng), chạy vào bãi san hô để câu cá hoặc lặn bắt mò tìm san hô, hải sâm…

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 3
Các xuồng CQ của đảo Sinh Tồn xuất phát đi làm nhiệm vụ xua đuổi tàu cá Trung Quốc, tháng 1.2018.

Bên cạnh các tàu cá, có rất nhiều tàu giả dạng tàu cá, cũng treo đèn và lưới nhưng không bao giờ đánh bắt, chỉ nhăm nhe vào sát mép xanh các đảo để… nghe ngóng.

Một số tàu cá còn thường trực bảo vệ các bãi đá mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam, xây dựng thành căn cứ quân sự hiện đại (Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên, Vành Khăn, Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven).

Cứ phát hiện tàu thuyền  phương tiện nổi của nước khác đi vào gần 12 hải lý, là tàu cá bảo vệ sẽ lao ra ngăn cản, xua đuổi, thậm chí húc ủi đâm va không cho vào sâu hơn và gọi các tàu hải cảnh, tàu quân sự từ khu vực khác đến can thiệp.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 4
Tàu cá vỏ gỗ Trung Quốc (màu xanh, nằm giữa 2 tàu vận tải) làm nhiệm vụ bảo vệ, trong quá trình Trung Quốc tôn tạo, xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên bãi Gạc Ma (cưỡng chiếm của Việt Nam, tháng 3.1988). Hình chụp tháng 4.2013

“Cuối 2012 đến đầu 2013, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép trên các bãi đã cưỡng chiếm của Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc tham gia áp tải, dẫn đường các tàu công trình, chở máy móc vật liệu. Nhiều tàu vận tải Việt Nam chở hàng hóa ra các đảo cho bộ đội, bị các tàu cá dân binh Trung Quốc áp sát, thậm chí cản mũi ép chuyển hướng”, thiếu tá Vũ Đức Vinh, nguyên chính trị phó đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa) kể lại.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 5
Tàu dân binh Quế Bắc Ngư 39168 và 1 tàu dân binh khác của Trung Quốc, neo đậu ở bãi Ba Kè (Bà Rịa Vũng Tàu), tháng 12.2016

Ở khu vực DK1, thềm lục địa phía Nam, cũng có nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm, nhất là các bãi Ba Kè, Tư Chính, Phúc Tần, Huyền Trân…

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính B (DK1/5) kể: Từ trước 2008, các tàu cá Trung Quốc có khi vào đánh bắt cách nhà giàn chỉ 1 hải lý.

Từ năm 2009 trở đi, do ta tăng cường tàu trực bảo vệ chủ quyền, nên các tàu Trung Quốc rút ra ngoài xa 5 – 6 hải lý.

Mấy năm gần đây, lượng tàu dân binh Trung Quốc đến các bãi ngầm thuộc DK1 tăng đột biến. Nhiều tàu chỉ thả trôi hoặc neo đậu quan sát hoạt động của bộ đội, công nhân trên các nhà giàn.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 6
Bộ đội nhà giàn DK1 quan sát hoạt động của tàu cá Trung Quốc trong khu vực, tháng 12.2016

Tuy tàu cá Trung Quốc có nhiều phương thức hoạt động, nhưng ở các vùng biển Trường Sa và DK1, Bộ Quốc phòng đã tăng cường tàu trực bảo vệ chủ quyền của hải quân, cảnh sát biển và số lượng lớn các tàu kiểm ngư của Bộ NN – PTNT cùng tham gia bảo vệ ngư trường, tuần tra kiểm soát các hoạt động trên vùng biển Trường Sa, DK1.

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 7
Biên đội tàu của Chi đội Kiểm ngư 2, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng tàu của Vùng 2 hải quân chuẩn bị làm nhiệm vụ xua đuổi tàu cá Trung Quốc vào gần các nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, tháng 12.2016.

Đại tá Nguyễn Công Sơn, nguyên phó chính ủy Vùng 4 hải quân cho biết: “Những năm về trước, việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta rất nghiêm trọng, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, bằng số lượng đông, trang bị hiện đại… tàu thuyền Trung Quốc luôn tỏ thái độ ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế, co cụm, thách thức các lực lượng của ta. Với tinh thần kiên quyết tuyên truyền, xua đuổi, giữ vững đối sách, các lực lượng của Vùng 4 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh, làm sạch vùng biển, đẩy lực lượng tàu thuyền Trung Quốc ra xa đảo”.

Đại tá Sơn khẳng định: “Đến nay, tỉ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta đã chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”…

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 8
2 tàu kiểm ngư (màu trắng, phía xa) Việt Nam đang xua đuổi nhóm tàu dân binh Trung Quốc trên bãi Ba Kè, tháng 1.2017.

Một số hình ảnh tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa, DK1 và hoạt động của bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng trong việc canh gác, nắm tình hình hoạt động, tuần tra kiểm soát, ngăn cản đẩy đuổi các phương tiện vi phạm… do PV thực hiện trong các chuyến công tác:

Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 9
Tàu cá Quỳnh Quỳnh Hải 02093 (màu xanh, phải) bảo vệ tàu vận tải Trung Quốc chở máy móc ra xây dựng trái phép trên bãi Gạc Ma, tháng 4.2013.
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 10
Nhóm tàu cá Trung Quốc gồm 2 tàu vỏ sắt và 2 tàu vỏ gỗ áp tải tàu vận tải (trái) chở máy móc, vật liệu ra xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ (Trường Sa), tháng 5.2013
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 11
Tàu cá dân binh Trung Quốc trực bảo vệ căn cứ phi pháp trên bãi Gạc Ma, tháng 6.2015
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 12
Tàu dân binh Trung Quốc trực bảo vệ căn cứ phi pháp trên bãi Huy Gơ (Trường Sa), tháng 6.2015
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 13
Các tàu cá dân binh Trung Quốc neo đậu bảo vệ căn cứ phi pháp trên bãi Ga Ven (Trường Sa), tháng 6.2015
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 14
Các tàu dân binh Trung Quốc sẵn sàng ngăn cản, đẩy đuổi các tàu nước khác vào gần căn cứ mà họ xây dựng trái phép trên các bãi đá đã cưỡng chiếm của Việt Nam
Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 6: Lần mò xuống Trường Sa - ảnh 15
Tàu cá dân binh Trung Quốc đi sau theo dõi tàu hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ trên khu vực DK1, tháng 1.2017.

Mai Thanh Hải/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều