+
Aa
-
like
comment

Nhân dân vẫn đang kỳ vọng về một nền giáo dục trong sạch

17/09/2019 16:54

Hội nghị TƯ lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đang diễn ra, trong những nhiệm vụ trọng tâm có bàn đến đổi mới nền giáo dục đào tạo. Trước những thách thức, khó khăn, cùng nhìn lại những thành tựu, những mốc son đáng ghi nhận để tự tin và kỳ vọng vào một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện theo định hướng của Đảng.

Mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng

Trong Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, ngày 4/7/2019, Chính phủ đã khẳng định kiên quyết xử nghiêm sai phạm trọng kỳ thi thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Những “vết nhơ” xấu xí trong kỳ thi năm ngoái: Ở Hà Giang, 330 bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia của 114 thí sinh đã bị sửa điểm ở tất cả các môn thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn). Rồi ở Sơn La, 12 bài thi chấm thẩm định giảm từ 1- 4,5 điểm. Và “cơn địa chấn” trong giáo dục lan đến Hòa Bình, 2 đối tượng bị khởi tố với những vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, tinh vi và xảo quyệt.

Phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La phải tạm hoãn vì nhiều người được triệu tập vắng mặt
Phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La phải tạm hoãn vì nhiều người được triệu tập vắng mặt

Kỳ vọng của dư luận trong phiên tòa sắp tới sẽ xử lý dứt điểm gian lận điểm thi năm 2018 với tâm lý “đau nhưng vẫn phải làm cho ra nhẽ”. Theo dự kiến, xét xử công khai vào sáng 18/9 Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang. Trong phiên tòa lịch sử này, dư luận kỳ vọng sự công minh của pháp luật sẽ được thực thi.

Sở dĩ nói có nhiều kỳ vọng bởi sự quyết tâm từ trung ương đến địa phương đều khẳng định sẽ làm nghiêm, làm đến cùng không có vùng cấm.

Đối với Hà Giang, với tinh thần như ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên bố: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm”.

Dư luận hy vọng mọi góc khuất, mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng như những quyết tâm của các cấp, tỉnh đã nêu. Việc xử lý nghiêm vụ việc điểm thi tại Hà Giang được coi như một trận đánh khốc liệt với “giặc nội xâm”, do vậy, tính quyết định của trận đánh này sẽ góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân Hà Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong việc quyết tâm xử lý tiêu cực.

Những kẻ gây ra tiêu cực điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có thể coi là loại giặc “nội xâm” vô cùng nguy hiểm khi chúng ở những vị trí cao, có sự trọng vọng của xã hội nhưng đang đang tâm phá hoại niềm tin của nhân dân.

Đánh giá về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đã đánh giá đây: “… bước đi thận trọng sẽ đảm bảo thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm.

Bởi cuộc chiến nội xâm chiến tuyến nó không rõ ràng. Về mặt chiến tuyến quan điểm thì rõ ràng nhưng chiến tuyến về ranh giới ta địch không rõ ràng. Kỳ vọng của dư luận trong phiên tòa sắp tới sẽ xử lý dứt điểm gian lận điểm thi năm 2018 với tâm lý “đau nhưng vẫn phải làm cho ra nhẽ”.

Vụ án này đã bị kéo dài đằng đẵng suốt cả một năm qua, bây giờ xử đã chậm, kéo dài thêm càng chậm nhưng chậm mà mọi việc được đưa ra ánh sáng vẫn còn hơn xử sớm mà mọi chuyện vẫn bế tắc, để lại sự hoài nghi cho dư luận.

Không một ai có thể tin rằng với 107 thí sinh được nâng điểm, thí sinh nâng ít nhất là 2,2 điểm/1môn, thí sinh nâng nhiều nhất là 29,95 điểm/4 môn mà người sửa điểm lại không được hưởng lợi lộc gì.

Không ai tin người ta đã lên kế hoạch sửa điểm trước kỳ thi hàng tháng trời, dám đánh đổi cả công danh, sự nghiệp và danh dự của bản thân các nhà giáo có hàng chục năm công tác để làm điều viển vông, nịnh bợ mơ hồ.

Không ai tin người thấp nhất liên quan đến vụ án là Phó phòng của Sở Giáo dục, người cao nhất là Phó Giám đốc Sở lại có những suy nghĩ ấu trĩ đi chỉ đạo, nhờ vả và trực tiếp lao vào để tìm những bài thi, những kẽ hở của phần mềm để nâng điểm cho các thí sinh.

Không ai tin về sự “vô tình” khi những thí sinh được sửa điểm đa phần là con quan chức, con các doanh nghiệp hoặc ít nhất là con cháu, người thân của mấy vị sửa điểm. Nếu liêm chính, trách nhiệm thì khi phát hiện ra kẽ hở của phần mềm, họ có thể sẽ báo lại với lãnh đạo Sở, lãnh đạo Bộ để tìm cách khắc phục.

Chuẩn bị cho một cuộc đổi mới căn bản

Một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nữa lại khởi động với những thay đổi quan trọng trong công tác coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi. Nhưng khâu then chốt là “con người” vẫn cần được quản lý gắt gao để tạo ra một kỳ thi “2 trong 1” thật sự hiệu quả, minh bạch, công bằng, nghiêm túc.

Xã hội đã và đang tồn tại bất cập trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục. Tuy nhiên, trong đa số người dân có lẽ vẫn luôn tồn tại một niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Chúng ta kỳ vọng giáo dục là chiếc chìa khóa của hy vọng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc này. Nhờ giáo dục, chúng ta có thể tạo ra những lớp người biết phân biệt thị phi, biết thế nào là đúng, là sai, có trách nhiệm với xã hội, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái và luôn kiên định vì lẽ phải.

Hiện nay, ngày càng nhiều ông bố bà mẹ tìm mọi cách đầu tư cho con cái có được môi trường học tập tốt hơn, tiến bộ hơn với mong muốn về một tương lai ổn định với công việc tốt, thu nhập cao. Tuy nhiên phía sau những mong ước giản dị mang màu sắc định lượng ấy, luôn ẩn giấu một khát khao của nhiều kiếp người.

Đó là kỳ vọng những thế hệ tương lai sẽ đóng vai trò vừa là tác nhân, vừa là đối tượng hưởng lợi từ những thay đổi nhằm hướng tới một xã hội không chỉ cuộc sống no đủ về vật chất, mà còn thỏa mãn những giá trị tinh thần, với phẩm cách con người được bồi bổ, gìn giữ, trân trọng. Xã hội ấy chỉ có thể đạt tới khi chúng ta đảm bảo được một nền giáo dục trong sạch, công bằng với triết lý giáo dục vì các giá trị của con người.

Bản chất của giáo dục không đơn giản chỉ là các hoạt động trường lớp, giảng dạy và học tập hàng ngày nhằm truyền đạt kiến thức cho người học. Mà hơn thế, đó là một quá trình hình thành nên các giá trị về chân lý và khả năng nhận thức cái đúng, cái sai của mỗi người học thông qua các kênh học tập chính thống và phi chính thống.

Giáo dục được coi là một “tiến trình cuộc sống” giúp định hướng con người hướng tới những giá trị chung mà nhân loại thừa nhận, tạo nên một môi trường cho các hy vọng trong mỗi người đi học. Nhờ đó con người có thể gìn giữ được niềm tin về những gì tốt đẹp hơn trong xã hội.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều