Nhân dân đòi hỏi đất nước từng ngày tiến bước
Khẳng định “chậm lại chút sẽ thụt lùi, trong khi người dân đòi hỏi đất nước từng ngày tiến bước”, nên nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “từ sớm tới khuya tất bật”, “với tinh thần anh em cùng bảo nhau làm cho tốt, đưa đất nước đi lên”.
Quốc hội dành tới 2,5 ngày cho thảo luận về kinh tế xã hội, với phiên đầu tiên là thảo luận tại tổ chiều 8/6. Đại biểu Quốc hội nhiều đồng cảm về nỗi gian lao của Chính phủ. Nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều không cảm thấy khổ.
“Càng lúc khó khăn, anh em càng đoàn kết cùng bảo nhau làm cho tốt và nhận được sự ủng hộ hơn nữa của Nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, “gian lao bao nhiêu thì chúng ta cố gắng thêm bấy nhiêu. Đó không phải là áp lực, mà là niềm vui phấn đấu”.
Vẫn muốn giảm sức ép cho Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,8% đến 7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách có thể hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng”.
Con số chỉ tiêu tăng trưởng không nên là nỗi ám ảnh nhất nhất phải đạt được, bởi theo bà, “trong khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước hiện nay đang âm thì Việt Nam vẫn có mức tăng 3,82%”.
Dù vậy, Chính phủ nhận về trách nhiệm cao nhất với GDP, không để con số này xuống thấp. Hiện Chính phủ chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà vẫn đang gắng sức cố đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8%, hoặc phấn đấu ít nhất đạt mức tăng từ 4- 4,5%.
“Dẫu biết đó là mục tiêu rất cao trong hoàn cảnh cả thế giới đảo lộn vì đại dịch COVID-19, nhưng Chính phủ thấy cần phải đặt ra mục tiêu như vậy”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu lý do, “đặt mục tiêu thấp thì không còn động lực phấn đấu”.
Ngân sách nhà nước, bức tranh dường như tràn đầy gam màu u ám khi thu ngân sách thì nhỏ giọt mà chi ngân sách thì không nhỏ vì đại dịch. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho thấy sự thật không đến nỗi phải quá ưu phiền.
Qua 5 tháng, tháng 1 thu cao nhất, tháng 2 giảm, tháng 3, 4 giảm tiếp và đến tháng 5 thì giảm sâu. Hết 5 tháng, tin vui đến, có 39/63 địa phương thu nội địa đạt 39% dự toán; trong đó có 30 địa phương thu đạt trên 42%, 23/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.
Ông Dũng quả quyết, dù kịch bản nào, Bộ Tài chính cũng kiên định mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Theo đó, tăng bội chi phải bảo đảm mục tiêu 5 năm về bội chi và nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ở kịch bản xấu nhất, nếu GDP năm nay tăng 3,6% thì bội chi cả giai đoạn 2016-2020 là khoảng 3,75% GDP; nợ công khoảng 56,4% GDP, đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép (5 năm bội chi bình quân tăng không quá 3,9% GDP và nợ công dưới 65% GDP).
Phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng từng con số, nhưng không chút do dự hỗ trợ cho dân, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ, “mấy năm qua, rất nỗ lực phấn đấu nên ngân sách nhà nước đã có của ăn của để, vì thế Chính phủ có sẵn ngay nguồn lực”.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước đến nay, Nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân bằng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.
Nhận xét “gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân là chưa có tiền lệ và đó không chỉ là tiền, mà còn là rất nhiều tình cảm và trách nhiệm”, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) “Chính phủ giữ đúng cam kết về mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm, không để ai phải ở phía sau”.
Tính đến hết ngày 29/5, đã có khoảng gần 9 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tương đương 10% dân số cả nước đã được nhận hỗ trợ. Các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát để không người dân trong diện được hỗ trợ bị bỏ sót.
Cùng lúc, Chính phủ hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020…
Tất bật lo đủ bề, Chính phủ còn phải đối mặt với “những vết chém vào niềm tin” như cách gọi của đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) về các đại dự án dang dở như dự án đường sắt cao tốc Cát Linh, 12 dự án yếu kém.
Ông Thuận Hữu đầy bức xúc vì, “Thủ tướng rất quyết liệt giải quyết nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn chưa nhìn về một hướng, dẫn đến tình trạng ách tắc, vướng mắc lung tung”.
Thủ tướng nhìn nhận, “chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là để xảy ra các dự án thua lỗ. Dù là khuyết điểm của nhiệm kỳ Chính phủ nào thì cũng đều phải có trách nhiệm khắc phục triệt để, hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng tương tự, với tinh thần anh em cùng bảo nhau làm cho tốt, đưa đất nước đi lên”.
Cho hay bản thân thấy rất vui khi nghe lãnh đạo các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… cam kết không giảm chỉ tiêu tăng trưởng tại địa phương mình, quyết tâm vượt lên thách thức, người đứng đầu Chính phủ mong khí thế này lan tỏa thành phong trào của cả nước.
“Tôi không “nịnh” Thủ tướng đâu, nhưng chính Thủ tướng là người lan tỏa động lực đổi mới, phấn đấu vươn lên cho các địa phương, mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước “, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh khẳng định.
Dẫn chứng cho điều này, ông Việt nhớ lại “ngày xưa rất ì trệ, cứ nói đến chuyển động là khó chịu. Nhưng giờ đã khác xưa, ai không chuyển động thì cũng thấy bản thân thành lạc lõng. Từ Trung ương đến địa phương đều chuyển động rất tích cực. Nhiệm kỳ này có lẽ làm được nhiều việc bằng năm nhiệm kỳ cộng lại”.
Nói thêm về dư luận cho là Thủ tướng đi địa phương nhiều quá, Thượng tướng Việt nêu quan điểm, “tôi cho là Thủ tướng đi thế vẫn còn là ít, Thủ tướng phải đi nhiều hơn nữa. Vì qua các cuộc làm việc của Thủ tướng tại địa phương đều giúp địa phương có định hướng cụ thể, mạnh dạn tháo gỡ các điểm nghẽn, thông được ách tắc”.
Không chỉ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, ở nghị trường, các tướng lĩnh quân đội là đại biểu Quốc đều có những tình cảm sâu sắc như vậy khi họ cảm thấy đồng điệu với Thủ tướng về tinh thần dũng cảm xả thân vì đất nước, không nề hà khó nhọc, hiểm nguy như những người lính.
Cũng bởi lẽ đó, khi Corona vừa chớm xuất hiện ở Việt Nam, dự cảm con virus này sẽ diễn biến khó lường, Thủ tướng lo chỉ ngành y tế khó mà cáng đáng, cần thiết lập cơ chế “quân lệnh như sơn” cũng như cần sức mạnh rộng khắp của quân đội để “chiến đấu”.
Ngay khi Thủ tướng vừa ngỏ ý, kể cả lúc ấy đang là những ngày Tết, quân đội tình nguyện vào cuộc tức thời trong cuộc chiến với đại dịch COVID- 19. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gửi thư tới toàn quân nhấn mạnh đến “chống dịch như chống giặc”, là mệnh lệnh Thủ tướng phát đi trong chiều 3 Tết.
Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, trong bất luận tình huống nào quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng quân y toàn quân đã tích cực vào cuộc chống dịch, triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp quyết liệt, hữu hiệu.
Toàn quân tiến hành diễn tập vận hành cơ chế và diễn tập thực binh chống “giặc” dịch bệnh. Quân đội đã tiếp nhận, tổ chức cách ly y tế gần 70 nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 vào Việt Nam tại 137 điểm. Toàn tuyến biên giới trên bộ đã có hơn 1.200 tổ, chốt được Bộ đội Biên phòng được thành lập, hàng chục nghìn chiến sĩ biên phòng ăn lán ngủ rừng dầm mưa thực thi nhiệm vụ đúng như trong thời chiến…
Lê Châu/VGP