Nhầm logo ngành Y: Xin đừng “đạp” thêm bằng sự hả hê vô ơn
Hai ngày cuối tuần, hình ảnh về chiếc logo “lạ” xuất hiện trong một buổi khai mạc thi nâng ngạch công chức ở Hà Nội được chia sẻ đầy rẫy trên mạng xã hội. Thực ra thì những vấn đề nóng ngày nào cũng có, nhưng cách người ta nói về chiếc logo lạ này thiết nghĩ sẽ khiến không phải một, mà rất nhiều người chạnh lòng.
Không chỉ tại buổi lễ khai mạc, tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 cũng gặp lỗi sai tương tự. Đành rằng là chuyên viên kỹ thuật, nhưng tìm kiếm ẩu tới mức dùng nhầm logo của ngành bằng một bức biếm họa là điều không thể chấp nhận.
Chưa kể, bất cứ thứ gì liên quan đến phòng bì thì ý nghĩa của nó mang lại cũng có chiều hướng tiêu cực. Vậy nên, vốn dĩ là một ngành đang có những nhạy cảm nhất định lại xuất hiện với cái logo con rắn ngậm phong bì thì “giông bão” không phải là nhỏ. Thậm chí, ngay cả khi biết rằng, đây chỉ sai lệch do cán bộ kỹ thuật của Trường đại học Y Hà Nội những lời ác ý vẫn không dừng lại. Không thể nào chấp nhận được lỗi kỹ thuật cơ bản mà kết quả chỉ cần gõ vài dòng trên google nhưng cả một ngành cao quý dường như bị nhấn chìm và đánh giá bởi sự cẩu thả của một vài người có thực sự công bằng?
Đa số các ngành nghề để lấy bằng cử nhân mất 4 năm và mất 5 năm, nếu muốn học lên thạc sĩ cũng chỉ mất thêm 2 năm. Thế nhưng, để trở thành một bác sĩ cần tối thiểu 6 năm và mất thêm nhiều năm nữa để phấn đấu làm bác sĩ giỏi. Nói như vậy để thấy rằng quyết định đi theo nghề cũng là một sự hy sinh rất lớn!
Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 80.000 bác sĩ và hơn 128.000 điều dưỡng trên toàn quốc. Nếu đối chiếu vào tổng dân số cả nước thì có chưa đến 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng/1.000 người dân. Và sau hai năm đại dịch đi qua, một năm cuộc sống bình thường mới, một làn sóng y – bác sĩ nghỉ việc vì lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Thậm chí, ngay cũng phần thưởng dành cho những người được tôn vinh là “thiên thần áo trắng” còn đang bị nợ không thời hạn.
Chúng ta đã từng lên tiếng, chúng ta đã từng thương xót, nhưng bài toán về nhân lực ngành y vẫn ở đó. Cuộc sống của họ vẫn vất vả quay cuồng trong “cơm áo gạo tiền” với những tờ đơn xin việc, nghỉ việc đẫm nước mắt. Để rồi ngày hôm nay, một nỗi đau tinh thần nữa lại giáng vào nghề nghiệp của họ!
Và sắp tới đây, dịch bệnh vẫn còn đang có những diễn biến rất phức tạp thì chúng ta sẽ tìm kiếm ở đâu những “thiên thần áo trắng”. Và nói thẳng, cuộc đời chúng ta, bất cứ ai cũng đều trải qua “sinh – lão – bệnh – tử” và ở giai đoạn nào cũng đều cậy nhờ đến họ, những người y, bác sĩ! Nhưng rõ ràng, qua sự việc lần này thì một vấn đề rất lớn đang cần nói đến là thái độ của chúng ta đối với họ. Sự biết ơn dường như đang là một điều xa xỉ!
Công Luân