+
Aa
-
like
comment

Nhầm lẫn là người Trung Quốc, người Việt bị “virus kỳ thị” bám lấy không rời

Bảo Trâm - 24/02/2020 17:10

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đại đa số người Việt tại nước ngoài đã nhiều lần chia sẻ mình bị “virus kỳ thị” bám lấy không rời. Đến khi COVID-19 được các nước phương Tây phát hiện đến từ Châu Á, con virus này lại càng khiến họ trở thành đối tượng chịu sự miệt thị, khinh bỉ, xa lánh hơn bao giờ hết vì lầm tưởng người Việt Nam là người Trung Quốc.

Một cô gái người Việt mang khẩu trang tại Pháp

“Tôi nghĩ virus kỳ thị lây lan còn nhanh hơn virus corona đang bùng phát ngoài kia. Họ xua đuổi trước khi tôi kịp đến gần và gọi tôi là virus “Hey virus, go away!!!”, đó thật sự là một lời lăng mạ mà cả đời này tôi không bao giờ muốn nghe.”, một sinh viên người Việt đã sinh sống tại Đức suốt 7 năm trời đã kể lại.

Ngày 4/2, đã có một người đàn ông da trắng xông vào tấn công một người phụ nữ Châu Á đeo khẩu trang tại một ga tàu ở quận Manhattan, New York, nơi được xem là hiện đại và văn minh bậc nhất thế giới. Người đang ông này vừa dùng bạo lực, vừa văng tục “Tránh xa tao ra, mày là thứ bệnh hoạn, là đứa mang virus chết chóc”. Đoạn clip kỳ thị này sau đó bị phản ứng dữ dội trên Twitter.

Người đàn ông đang đuổi đánh người phụ nữ đeo khẩu trang tại NewYork (ảnh chụp từ clip)

Tại Canada, một đất nước luôn chào đón người nhập cư, nhưng “virus kỳ thị” vẫn không tha cho đất nước này. Người Trung Quốc, người Việt, Thái…..với họ đều giống nhau khi virus corona bùng phát.

Tại các trạm xe buýt ven đường, khi nhìn thấy người Châu Á đeo khẩu trang đứng đợi xe bên đường, tài xế và hành khách da trắng trên xe còn bỏ trạm không dừng lại đón khách Châu Á.

Tệ hơn, ở một khu vực ngoại ô Toronto, nơi tập trung rất đông người Châu Á, các công ty và người dân đã làm một bản kiến nghị trên mạng kêu gọi hãy cho người Trung Quốc và cả người Châu Á hãy tự cách ly tại nhà. Bản kiến nghị nhận được khoảng 10.000 chữ ký nhưng bị giới chức từ chối.

“Get away from me! là câu nói tôi được nghe nhiều nhất khi lên tàu điện ngầm trong những ngày gần đây. Tôi tự hỏi mình đã làm gì để bị xa lánh và khinh miệt như vậy. Tôi là người Việt Nam, tôi đâu phải mà cũng đâu giống người Trung Quốc. Tôi cũng chẳng mang virus hay tội lỗi gì để phải nghe những từ ngữ xúc phạm đến thế”, chị Linh Lê trần tình sau nhiều ngày bị kỳ thị tại Anh, chỉ vì họ đánh đồng tất cả người Việt là người Trung Quốc.

Một nhà đầu cơ bất động sản, thiết kế nội thất và là nhân vật truyền hình nổi tiếng tại Mỹ Jeff Lewis thậm chí còn lên tiếng kỳ thị trên sóng truyền hình trực tiếp: “Chúng ta cần cách ly toàn bộ những nhân viên từ châu Á của SiriusXM, bao gồm những người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia…”. Jeff Lewis sau đó phải lên tiếng xin lỗi công khai nhưng đây vẫn là hành động không thể nào tha thứ, không thể nào chấp nhận.

Ngôi sao Jeff Lewis phải lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn kỳ thị chủng tộc của mình.

Một sinh viên tại Mỹ, Cindy Nguyễn chia sẻ cô bị cô lập, cách ly tại trường vì hầu như tất  cả người phương Tây đều không thể phân biệt được ai là người Trung Quốc hay người Viêt Nam: “Tôi không thể vào thư viện vì ánh mắt và hành động mà họ dành cho mình. Nếu tôi không phải người Việt Nam, người Châu Á, ắt hẳn sẽ không phải chịu đựng tình trạng như thế này.”

Dường như  dịch virus corona là cái cớ để nhiều người phương Tây công khai bài xích người Châu Á, nhưng ngược lại đây cũng là dịp để các nạn nhân đồng thanh nói về những gì họ phải chịu đựng nhằm có thể hạn chế những tổn thương tương tự sau này.

Nhưng đâu chỉ riêng người phương Tây mới kỳ thị người Việt, chính người Việt còn kỳ thì người Vĩnh Phúc bị sợ bị lây nhiễm COVID-19 đấy thôi. Nỗi sợ hãi COVID-19 khiến nhiều người Việt trở nên thận trọng quá mức, thậm chí tạo làn sóng kỳ thị với Vĩnh Phúc – nơi được xem là tâm dịch của Việt Nam.

Một số bệnh viện, nhà nghỉ vì kỳ thị mà treo biển “Không chào đón du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc”. Hầu hết người Việt Nam đều cảm thấy khó chịu khi bị kỳ thị, vậy mà chính người Việt còn kỳ thị người Việt thì nỗi đau nó còn lớn như thế nào?

Hình ảnh một khách sạn treo biển không đón khách đến từ Vĩnh Phúc

Vẫn biết mọi người đang thực hiện phòng bệnh cho chính mình cũng là cho xã hội, tuy nhiên, chỉ từ một lời nói đến hành vi “phòng hộ” quá đà của vài người vô tình dẫn đến sự miệt thị chính đồng bào của chúng ta thay vì thông cảm, giúp đỡ họ trong giai đoạn khó khăn này. Đó thật sự là một việc khó chấp nhận.

Chúng ta có rất nhiều cách hành xử khéo léo trong hành động và lời nói nhằm tránh gây tổn thương lòng tự trọng của người khác, tránh dồn người khác vào tuyệt vọng. Bất kể là người Việt, người da màu hay da trắng đều có quyền bình đẳng như nhau, không ai muốn mình mang mầm bệnh hay virus chết người cả.

Thay vì kỳ thị, xa lánh sao không tự bảo vệ bản thân mình một cách tốt nhất trước dịch bệnh. Hãy văn mình, hãy tự là vac-xin để “virus kỳ thị” bị đẩy lùi cả tại Việt Nam và giúp cả người Việt trên thế giới thoát khỏi con virus kỳ thị ấy.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều