Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – tác giả ‘Dư âm’ bất hủ qua đời ở tuổi 95
Tác giả ca khúc Dư âm – nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM vào chiều 26.12, hưởng thọ 95 tuổi. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ…
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông qua đời tại nhà riêng ở Q.1, TP.HCM vào khoảng 17 giờ 15 chiều 26.12 tại nhà ở đường Trần Khắc Chân (quận 1), sau thời gian dài chống chọi nhiều bệnh tật của tuổi già. Lễ nhập quan diễn ra vào 7 giờ ngày 27.12, 10 giờ di quan đến Nhà tang lễ TP.HCM; Lễ viếng bắt đầu từ sáng 27/12 tại Nhà tang lễ TP HCM. Linh cữu sau đó được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương vào ngày 29.12, nơi có nhiều nghệ sĩ đang yên nghỉ như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, GSTS Trần Văn Khê, nhà thơ Kiên Giang…
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, viêm phổi, đau cột sống… Ông rất ít khi ra khỏi nhà. Mọi sinh hoạt của ông quanh quẩn trong gian phòng chưa đầy 10 mét vuông. Ông phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc. Ngoài lương hưu và tiền tác quyền, nhạc sĩ nhận được ít nhiều sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân. Cuối năm 2016, ông phải ngồi xe lăn gặp gỡ NSND Kim Cương và các đồng nghiệp trong chương trình Nghệ sĩ tri âm – sự kiện thiện nguyện hàng năm do Kim Cương tổ chức.
Ca sĩ Ánh Tuyết sững sờ khi nghe tin nhạc sĩ thân thiết qua đời. Chị quen ông từ những năm 1978-1979, khi còn làm cho Đoàn ca nhạc Quảng Nam – Đà Nẵng. Bài đầu tiên của ông chị hát là Dáng đứng Bến Tre. Sau này, trong chương trình kỷ niệm 35 năm ca hát của chị ở Cung Lao Động (quận 1), chị thể hiện nhạc phẩm Mẹ yêu con. “Tôi vừa hát được nửa bài, ông đã lên sân khấu, cầm mic và nói: ‘Đây mới đúng là hát ru con’. Ông là thế, luôn dành cho hậu bối những lời động viên to lớn”, chị nói.
Trong ký ức của Ánh Tuyết, thời trung niên, ông rất phong độ và khéo ăn nói. Ông có thể nói về lịch sử âm nhạc Việt Nam cả buổi mà không thấy chán. Ông cũng là một trong số hiếm những nhạc sĩ viết các bài tỉnh ca theo “đơn đặt hàng” mà vẫn đậm giá trị nghệ thuật. “Ông là một trong số cây đa, cây đề hiếm hoi của nhạc Việt ngang tầm với Phạm Duy, Văn Cao về trình độ âm nhạc, kiến thức…”, chị đánh giá.
Lúc nhạc sĩ về già, Ánh Tuyết cũng nhiều lần đến thăm ông vì thương hoàn cảnh bệnh tật, đơn côi. Mỗi lần thấy chị, ông “mừng như trẻ con” vì có người trò chuyện. Những năm gần đây, ca sĩ tiếc vì đã chuyển về Hội An sống, không còn gặp ông thường xuyên như trước.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý (1924) tại Vinh (Nghệ An). Ông xuất thân trong gia đình truyền thống âm nhạc, lại được một linh mục người Tây Ban Nha dạy nhạc lý từ nhỏ. Khi làm ca sĩ ở phòng trà Moongate (Vinh) lại được một nhạc sĩ người Thượng Hải dạy đánh đàn Hạ uy di theo phong cách Mỹ. Đến khi tham gia kháng chiến chống Pháp ông được các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên dìu dắt…
Tác phẩm đầu tay của ông là bài hát Ai xây chiến lũy được viết 1949, nhưng ca khúc được công chúng biết đến nhiều nhất của ông là Dư âm (ra đời khoảng năm 1950).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc phẩm nổi tiếng gắn với tên tuổi của ông trong sự nghiệp sáng tác gồm: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Mẹ yêu con, Cô đi nuôi dạy trẻ, Vượt trùng dương… Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có hai người con: người con đầu sống tại Hà Nội, người con gái thứ hai sống ở TP.HCM. Thu nhập của ông lúc về già chủ yếu từ tiền tác quyền, và những năm gần đây được ông cho biết khoảng vài triệu/tháng.
(Theo Thanh Niên)