Nhạc sĩ Lam Phương qua đời
Nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm âm nhạc từ giữa thập niên 1950 đến nay, vừa qua đời ở Mỹ, hưởng thọ 83 tuổi.
Theo nguồn tin của pv tại Mỹ, nhạc sĩ Lam Phương nhập viện cấp cứu ở Fountain Valley, California vào trung tuần tháng 12 khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Hôm 22.12 (giờ Mỹ), ông được xác nhận qua đời sau thời gian tích cực điều trị.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy, sau đó đến Kiếp nghèo được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên…
Nhạc sĩ sang Mỹ thập niên 1970 là ghi dấu ấn ở thị trường ca nhạc hải ngoại với hàng loạt sáng tác đỉnh cao, bao gồm Thành phố buồn, Cỏ úa, Bài tango cho em, Kiếp nghèo, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Biển tình…
Năm 1975, ông theo gia đình sang Mỹ định cư. Để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện. Sau khi cuộc sống nơi đất khách dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ông và Túy Hồng có cơ hội sống lại với nhạc kịch.
Sau khi ly dị với Túy Hồng, ông sang Pháp sinh sống cùng em gái. Đổ vỡ hôn nhân, chuyện buồn tình cảm, thăng trầm trong cuộc sống khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương…
Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương tại Singapore. Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm của khán giả. Tháng 8.2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương in Singapore và gây được tiếng vang lớn.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, ông bày tỏ ý nguyện về thăm quê hương: “Đúng là tâm nguyện lớn của tôi vẫn là được một lần về thăm quê, “gom góp yêu thương quê nhà…” (lời bài hát Tình bơ vơ). Nhưng giờ sức khỏe tôi yếu đi nhiều, di chuyển khó khăn, mọi người đỡ lên xuống rất vất vả. Tôi bay đi xa là tim hay bị mệt, khó thở nên giờ muốn lắm mà không dám đi… Tôi còn một em gái và cháu ở Việt Nam”.
Hoài Nam (t.h)