Nhà vệ sinh miễn phí trị giá 1,6 tỉ đồng bị đập bỏ sau 1 năm hoạt động
Nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên của Hiệp hội Nhà vệ sinh đầu tư tại Bình Dương theo hình thức xã hội hóa đã bị đập bỏ, nơi này đang mọc lên một công trình khác.
Nhà vệ sinh miễn phí tại số 4 đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do thành viên của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tài trợ.
Ngày 15-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Hiệp – đại diện hiệp hội – xác nhận nhà vệ sinh trị giá hơn 1,6 tỉ đồng này gồm tòa nhà 1 trệt 1 lầu, các thiết bị vệ sinh bên trong… đã bị đập bỏ hoàn toàn.
Sự việc bất thường này gây chú ý cho nhiều người, vì nhà vệ sinh nằm ngay trung tâm, khu vực ngã sáu Bình Dương, có miếu Bà Thiên Hậu – địa điểm thu hút rất đông du khách, nhất là dịp lễ hội rằm tháng giêng.
“Đây là nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên hiệp hội tài trợ trong cả nước, với hi vọng tạo ra những thay đổi trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng, phục vụ người dân. Trong lúc nhiều quy định pháp luật, cơ chế chưa rõ ràng, chúng tôi mạnh dạn bỏ vốn để đầu tư nhà vệ sinh nhưng vừa sử dụng đã bị buộc phải đập bỏ khiến các thành viên hiệp hội rất tâm tư” – ông Lê Văn Hiệp nói.
Hiện nay, UBND TP Thủ Dầu Một đã cấp phép xây dựng khác cho Ban trị sự miếu Bà Thiên Hậu để xây dựng nhà vệ sinh mới, cũng với kết cấu 1 trệt, 1 lầu.
Trả lời câu hỏi việc đập bỏ nhà vệ sinh cũ liệu có phải do có sức ép hoặc xích mích nào không, ông Trần Vĩnh An – phó ban trị sự miếu Bà Thiên Hậu – cho biết: “Nhà vệ sinh cũ không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách, đặc biệt dịp lễ hội nên phải cải tạo lại”. Về các nội dung khác, ông An hẹn trao đổi sau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND TP Thủ Dầu Một nói không có chuyện xích mích, gây sức ép từ phía cơ quan quản lý nhà nước để đập bỏ nhà vệ sinh do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt nam tài trợ xây dựng.
Nhà vệ sinh này đại diện miếu Bà Thiên Hậu là chủ sử dụng đất, đứng ra xin phép xây dựng và đã được cơ quan quản lý cấp phép. Chi phí xây dựng được hiệp hội tài trợ và việc quản lý nhà vệ sinh sau khi đưa vào sử dụng như thế nào, cũng như việc đập bỏ nhà vệ sinh để xây dựng lại là việc thỏa thuận giữa ban trị sự và hiệp hội.
Đối với một số vị trí khác tại Thủ Dầu Một mà Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đang xin được giao để xã hội hóa làm nhà vệ sinh như bến đò Bạch Đằng, công viên Phú Cường…, đại diện UBND TP Thủ Dầu Một cho biết do các vị trí nói trên là đất công, liên quan tới các thủ tục giao đất hay đấu giá đất. Việc này vượt quá thẩm quyền của UBND TP nên phải chờ sự tham mưu, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương.
(Theo Tuổi Trẻ)