Nhà tôi ba đời không thả cá, đốt vàng mã ngày ông Táo
Tôi không hiểu sao năm nào bà con hàng xóm cũng ùa ra sông Tô Lịch đen ngòm trước nhà để thả cá chép, khiến chúng chết nổi lềnh phềnh.
Sáng nay, ra chợ mua đồ ăn như mọi ngày, tôi thực sự bị ngộp thở trước cảnh chen chúc, thậm chí là tranh cướp của các bà, các mẹ khi mua đồ về cúng ông Công ông Táo. Biết trước ngày này năm nào cũng như một trận chiến, nên tôi đã chủ động đi chơ sớm hơn mọi hôm, vậy mà vẫn không lại với đám đông. Từ hàng xôi, hàng thịt gà, hàng cá cho đến hàng vàng mã, đâu đâu cũng thấy người người giành giật nhau mua đồ cứ như thể Covid-19 chưa từng xuất hiện và con số gần 3.000 ca nhiễm mỗi ngày ở Hà Nội thời gian qua chẳng phải điều gì đó quá ghê gớm.
Tôi đánh vội sang hàng thịt lợn vắng nhất chợ, mua đại vài miếng thịt, tấp sang hàng rau rồi nhanh chóng ra về trước khi chỉm nghỉm giữa cái mỡ hỗn độn ấy. Nhà tôi từ bao đời nay dường như đứng ngoài thời cuộc, nhất là trong mấy ngày lễ Tết. Từ đời ông bà tôi đã rời quê hương để ra Hà Nội mưu sinh, nên gia đình tôi cũng như bắt đầu một cuộc đời mới từ đó. Chúng tôi dường như không biết cỗ bàn, đốt vàng mã, thả cá chép là gì? Ngày này trước giờ với chúng tôi chỉ là nén hương thắp lên bàn thờ gia tiên, đôi ba món trái cây, bánh kẹo là đủ, chẳng mâm trên mâm dưới, chẳng tiền vàng, áo quan, chẳng cá chép phóng sinh này nọ. Nếp gia đình xưa nay đã vậy, nên đến đời tôi cũng chẳng thấy gì bất thường.
Nhưng nhìn ra xung quanh hàng xóm, mọi thứ dường như khác biệt hoàn toàn. Tôi thấy mấy chị em, cô bác nhà bên tất bật đi chợ sớm, mua cơ man đủ thứ, nào là xôi, giò, gà, thịt, cá… rồi lại hì hụi nấu nướng từ sáng tới tận trưa mới xong một mâm cỗ đầy ắp để đặt lên ban thờ. Mà nhà cũng có đông người gì cho cam, ăn uống chẳng được mấy, họ làm tới vậy chứ rồi cũng để đồ ăn lay lắt đến hỏng rồi lại bỏ đi, vô cùng phí phạm.
Sau màn cúng bái là tới phần đốt vàng mã. Những ngày này, khu phố nhà tôi chẳng khác nào một cái lò bát quái. Nhà nào cũng xấp dày xấp mỏng tiền vàng, đủ thứ vàng mã cầu kỳ như ôtô, quần áo, bàn ghế, điện thoại iPhone, thậm chí cả máy bay. Một nhà đốt, mười nhà đốt, rồi hàng chục nhà cùng đốt, khiến cả con ngõ nhỏ ngập trong khói bụi. Mùi khét nồng nặc của giấy cháy, tro tàn bay tứ tung khắp nơi, gia đình tôi chỉ còn biết đúng chặt cửa, cố thủ trong nhà chờ hết nạn.
Chưa hết, không biết tục lệ từ bao giờ nhưng tôi thấy 23 tháng Chạp là người ta nô nức mua cá chép vàng về thả. Nghe đâu, họ bảo phóng sinh, làm phương tiện cho các Táo cưỡi lên chầu trời. Thực ra, thoạt nghe tôi cũng thấy hay, nhưng tích một đằng, hành động một nẻo. Tôi không biết các ông Táo khu mình lên trời bằng đường nào khi bà con ùa ra sông Tô Lịch đen ngòm trước nhà để thả cá. Và rồi sáng hôm sau ra xem, cá chết nổi lềnh phềnh một góc, chỉ khổ cho mấy anh chị ông nhân vệ sinh lại thêm một buổi chèo thuyền đi hớt cá chết trôi sông.
Thực ra, câu chuyện phong tục truyền thống rất khó nói đúng – sai. Bởi nó là vấn đề liên quan đến tín ngưỡng văn hóa. Nhưng đã nói đến văn hóa thì có lẽ chúng ta chỉ nên gìn giữ những cái đẹp, có giá trị nhân văn, chứ không nên biến nó thành một trào lưu, làm lấy được nhưng lại chẳng biết để làm gì?
Tôi viết những dòng này khi khói bụi vẫn bao trùm bên ngoài kia. Và chắc một lát nữa thôi, người dân khu tôi sẽ lại ùa ra sông Tô Lịch thả cá (tôi không dám nói là phóng sinh vì chẳng biết có bao nhiêu trong số đó sống được đến mai). Covid-19 đã thay đổi rất nhiều mặt trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng xem ra nó vẫn chưa thể tác động, làm thay đổi nhận thức của người Việt về những hủ tục vốn đã lạc hậu so với thời đại. Mong rằng mọi người sẽ bình an sau một ngày ông Công ông Táo tập trung đông, tiếp túc nhiều, để đón một cái Tết hứa hẹn còn nhiều mệt mỏi hơn phía trước.
Minh T