Nhà thơ “thế giới” và cảnh báo về chứng háo danh trong xã hội
Trong một sự kiện được tổ chức ở Quảng Ninh, với cái tên ấn tượng”Gala chung kết Du lịch và Tài năng kỷ lục châu Á – Lễ hội doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam”, một nhà thơ không ai biết đến đã vụt trở thành nhân vật thi ca nổi bật với vô vàn danh xưng chưa từng có từ trước đến nay…
Nhân vật thi ca đó là nhà thơ Tống Thu Ngân. Bà được vinh danh với hàng loạt danh hiệu: Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Đại sứ trọn đời của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Phó Chủ tịch hội đồng Những người bảo vệ các nhà thơ thế giới, Chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trong và ngoài nước… Những danh xưng này khiến đông đảo người dự khán và dư luận cả nước ngỡ ngàng, hoang mang!
Chuyện chưa dừng ở đó, công chúng tiếp tục ngã ngửa khi biết chương trình gây bão dư luận trên chưa từng được Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh cấp phép. Thậm chí, ban tổ chức sự kiện còn giả mạo tên các đơn vị tài trợ truyền thông, cụ thể là Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)… khiến nhà đài ngơ ngác khi công luận réo tên đặt vấn đề trách nhiệm.
Vài ngày tới, các biện pháp xử phạt hành chính chắc chắn sẽ có. VOV, VTV cũng sẽ phải bảo vệ thương hiệu của mình bằng nhiều cách thức quyết liệt hơn, vì đó là thương hiệu của một tập đoàn truyền thông cấp quốc gia.
Vấn đề còn lại là, nhà thơ “thế giới” Tống Thu Ngân sẽ nói gì với các thắc mắc của người theo dõi vụ việc. Khi những con số tự giới thiệu về bản thân, như từng dạy ở ĐHSP, viết đến bài thơ 1742, có 250 bài thơ được phổ nhạc… của nhà thơ “thế giới” Tống Thu Ngân lúc này không còn là thành tích, và uy tín nghề nghiệp, mà chỉ khiến công chúng phì cười.
Xưa giờ, người thực tài hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ thường được sự vinh danh của công chúng, nghĩa là công chúng mang lại danh hiệu cho họ, công nhận tài năng của họ thông qua tác phẩm. Các tổ chức nghề nghiệp hoặc xã hội có vinh danh văn nghệ sĩ thì cũng phải là những tổ chức uy tín và có tư cách pháp nhân, chứ không mơ hồ như cái gọi là “Liên đoàn các nhà thơ thế giới” này.
Chuyện bi hài này một lần nữa báo động cho các cơ quan quản lý văn hóa, về những event “lậu” đang nhan nhản diễn ra khắp cả nước, với vô số thông tin giả mạo, sai lệch chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó là thực trạng những nhân vật mượn “event” để PR bản thân một cách lố lăng, vô văn hóa. Đã đến lúc cần một chế tài để triệt tiêu những hoạt động quá lố này!
Phạm Khoa