Nhà thầu metro Nhổn dừng thi công, đòi bồi thường hàng trăm triệu USD
Do vướng mắc trong thủ tục giải phóng mặt bằng, nhà thầu thi công tuyến ngầm của metro Nhổn – Ga Hà Nội đã dừng thi công và đòi bồi thường hàng trăm triệu USD.
Đơn vị tư vấn dự án Metro Nhổn – Ga Hà Nội đã từ chối yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD (khoảng 2.500 tỷ đồng) của nhà thầu thi công để đàm phán và xác định thiệt hại cụ thể.
NHÀ THẦU THI CÔNG PHẢI CHỨNG MINH ĐƯỢC THIỆT HẠI
Thông tin trên được ông Nguyễn Cao Minh, trưởng Ban đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) xác nhận với PV ngày 29/10.
Lãnh đạo MRB cho hay: “Việc từ chối bồi thường 114,7 triệu USD (khoảng 2.500 tỷ đồng) không phải là bác bỏ hết và không có nghĩa là dự án không có vấn đề gì, cái chính là yêu cầu nhà thầu cần phải bổ sung các thông tin chứng minh việc thiệt hại như thế nào là, cụ thể từng hạng mục ra sao”.
Ông Minh cũng cho rằng, nhà thầu có quyền được khiếu nại nhưng phải có bằng chứng xác đáng, chứ hiện nay chủ yếu dựa trên những tính toán chủ quan, còn việc dự án có phải đền bù hay không, đền bù bao nhiêu hai bên cần có quá trình trao đổi, thống nhất.
Người đứng đầu MRB cũng thẳng thắn nhìn nhận, “hiện nay, trên thực tế là có việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu nên đã kéo dài thời gian và ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn dự án. Tuy nhiên, việc phải bổ sung thêm bao nhiêu tiền cho nhà thầu thì cần phải xem xét trên hợp đồng đã ký và buộc nhà thầu phải chứng minh được các lỗi không thuộc về mình. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện đền bù hết số tiền phía nhà thầu yêu cầu”.
GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG NHANH ĐỂ KẾT THÚC SỚM VIỆC ĐỀN BÙ
Liên quan đến những nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng khiến nhà thầu yêu cầu đền bù thiệt hại, ông Minh cho rằng, trong việc này có cả những yếu tố chủ quan và khách quan, cụ thể như cơ chế chính sách đền bù chưa được hài hòa và chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, dự án cũng có những vướng mắc liên quan đến quy chuẩn khai thác đường sắt cũ, dẫn đến người dân khiếu nại, không tuân thủ đơn giá đền bù khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài….
Với các vướng mắc này, theo ông Minh, hiện nay Thành phố đang tổ chức liên tục các cuộc họp để chỉ đạo, bước đầu đã có nhiều tiến triển tốt và phấn đấu sớm nhất để có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu trong năm nay, tránh phải phát sinh thêm tiền đền bù thiệt hại.
Từ năm 2018 đến nay, nhà thầu nước ngoài (Liên danh Hyundai – Ghella) thi công ga ngầm và đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường 114,7 triệu USD do chậm bàn giao mặt bằng thi công, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công. Từ năm 2018, nhà thầu đòi bồi thường khoảng 90 triệu USD do chậm GPMB, sau đó mặt bằng tiếp tục bị chậm nên họ tiếp tục đòi bồi thường lên đến con số trên.
Hiện UBND TP. Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại, đòi bồi thường 114,7 triệu USD của nhà thầu gói ga ngầm và tuyến hầm.
Ngoài ra, Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.
DỰ ÁN TỪNG PHẢI BỔ SUNG HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG DO CHẬM BÀN GIAO MẶT BẰNG
Trước đó, năm 2020, Công ty TNHH Dealim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 400 tỷ đồng (19 triệu USD). Nguyên nhân của việc này là do nhận mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết trong hợp đồng, dẫn đến việc phải kéo dài thêm hơn hai năm thi công. Tuy nhiên, yêu cầu này sau đó không được chấp thuận hoàn toàn.
MRB và UBND TP. Hà Nội sau đó đã tham vấn các đơn vị liên quan và tạm chốt bổ sung chi phí do kéo dài thời gian cho nhà thầu là 6,6 triệu USD (khoảng 145 tỷ đồng), giảm 12,5 triệu USD (hơn 270 tỷ đồng) so với yêu cầu ban đầu.
Lý giải thích nguyên nhân khiến dự án kéo dài thời gian thi công, đại diện MRB cho hay đường sắt đô thị là lĩnh vực mới, do vậy các quy trình, quy phạm liên quan chưa được hoàn thiện. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng, di dời công trình ngầm và nổi trong Thành phố gặp khó khăn.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ODA.
Tính đến nay phần đoạn tuyến trên cao đã hoàn thiện 100% tiến độ, 10 đoàn tàu nhập từ Châu Âu đã về đến dự án. Dự kiến vào tháng 12/2021, tất cả các đoàn tàu của dự án sẽ chạy thử liên tiếp.
Khai Tâm