Nhà phao cứu người Quảng Bình thoát khỏi lũ dữ thế nào?
Những ngôi nhà phao được thiết kế nổi trên nước, có thể chứa người, lương thực, cứu giúp người dân Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) trong mùa mưa lũ. Xã Tân Hoá (huyện Minh Hoá, Quảng Bình) là vùng rẻo cao có địa hình trũng thấp, vây quanh bốn bề là các dãy núi đá vôi sừng sững.
Tân Hóa được xem là “rốn lũ” của Quảng Bình. Mỗi khi có mưa, nước từ các xã Thượng Hoá, Trung Hoá, Xuân Hoá và cả thị trấn Quy Đạt đổ về đây và thoát qua hang Tú Làn.
Ngọn nguồn rộng, lưu lượng nước đổ về lớn, trong khi lối thoát nhỏ, hẹp lại bị cây cối, vật cản làm nước thoát chậm, khiến nước lũ nhanh chóng dâng cao và chảy mạnh khi qua Tân Hóa, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Anh Cao Kế Dưỡng (sinh năm 1982, thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa), cho biết, trước khi có nhà phao chống lũ, người dân xã Tân Hóa năm nào cũng bị 2-3 trận lũ nhấn chìm. Không có nhà phao, khi mưa lũ đến, người dân lo chạy lên núi tránh lũ, mọi tài sản tích cóp trong năm đều bị cuốn trôi hết.
Anh Dưỡng kể: “Từ khi có nhà phao, nghe tin dự báo thời tiết có mưa to, dài ngày là chúng tôi chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men và một số vật dụng khác sang nhà phao. Còn lại giường tủ, bàn ghế thì lấy dây buộc giữ chắc chắn tránh bị cuốn trôi”.
Cũng bàn về việc này, anh Trần Văn Sơn (ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) cho biết: “Trong trận lũ (ngày 18/10) năm nay, nước lên rất nhanh. Từ tối 17/10, nước còn ở ngoài ruộng, nhưng nửa đêm đã lên tận thềm nhà. Vợ chồng tôi đã đưa ông bà và các con sang nhà phao trước.
Khi vận chuyển các vật dụng như bếp, gạo, bình gas… sang nhà phao xong thì nước ngập sâu 40cm. Nếu không có nhà phao thì chỉ kịp bồng bế con, dìu ông bà lên núi, còn tài sản bỏ lại chịu trôi trong lũ mà thôi”.
Ông Cao Thanh Bằng – Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Hóa cho biết, lũ lụt nguy hiểm nhất là nước lên vào ban đêm.
Lúc đó, nước lên nhanh ngập đường, ngập ruộng. Người dân nếu di chuyển lên núi tránh trú rất nguy hiểm đến tính mạng. Từ khi có nhà phao, người dân xã Tân Hoá chủ động hơn trong việc phòng tránh lũ. Nhà phao phát huy tác dụng rất tốt trong việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong lũ lụt.
Nhà phao khung làm bằng gỗ chắc chắn, xung quanh thưng tôn chống mưa gió, phía dưới là các thùng phi nhựa rỗng, kết lại để nâng nhà nổi trong nước. Bốn gốc nhà được cố định bằng các cột cao 6-7m. Mỗi lần nước lên đến đâu, nhà phao nổi lên đến đó, như một chiếc phao.
Sáng kiến làm nhà chống lũ ở Tân Hóa được bắt đầu từ năm 2014. Đến nay, số lượng nhà phao được nhân rộng lên hơn 450 nhà phao/678 hộ. Để làm một căn nhà phao, chi phí từ 30 – 40 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn đối với người dân nghèo Tân Hóa.
Bởi vậy, nhà phao của người dân Tân Hóa được làm từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vay ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ người dân nơi đây làm nhà phao.
PV/TP