+
Aa
-
like
comment

Nhà ở công vụ – Để người cán bộ phụng sự lợi ích công chứ không phải đặc quyền, đặc lợi

21/04/2020 12:13

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Những cựu quan chức này khi đương chức đã được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay các quan chức này đã nghỉ hưu, theo quy định họ phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước.

Cụ thể, thông báo của Thứ trưởng Bộ xây dựng gửi tới 3 cựu phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là các ông T.V.L., ông N.V.N., và bà N.T.TH.H; 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là bà N.H.L. và ông L.V.Đ., và còn có bà B.T.TH., nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Đ.Q.H nguyên thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng với đó là ông H.V.A nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông H.S.TH., nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, và ông Đ.N.D., nguyên tổng biên tập báo điện tử Đảng cộng sản, cùng với ông Đ.V.CH., nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ngoài ra, còn có ông P.V.V., nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi các nhà ở công vụ vẫn chưa được trả lại

Điều đáng lưu ý nhất chính là thông báo yêu cầu trả lại nhà công vụ được Bộ Xây dựng đề nghị trao trả gửi tới 12 quan chức này 2 – 3 lần rồi nhưng những người này vẫn chưa có động thái trả lại nhà công vụ.

Nhà công vụ vốn là loại nhà được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, do Nhà nước quản lý, dùng để cho cán bộ công chức cao cấp thuê trong thời gian được điều động, luân chuyển từ địa phương về T.Ư công tác. Trước đây, theo Luật Nhà ở (2005), thì Cục Quản trị I (Văn phòng Chính phủ) là cơ quan được giao quản lý nhà công vụ. Nhưng theo Thông tư 01/2014 của Bộ Xây dựng thì chức năng trên được chuyển cho Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS của Bộ quản lý.

Theo quyết định 27 năm 2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 – 115m2.

Trong trường hợp các cựu quan chức ở cùng gia đình sẽ được cộng thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình.

Ngoài được bàn giao nhà, thì cũng được nhà nước trang bị nội thất các căn hộ công vụ cơ bản trị giá khoảng 150 triệu đồng/căn gồm: bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc.

Việc “mượn nhà” và “trả nhà” là điều kiện cơ bản được ghi rõ trong Luật Nhà ở (2005), nhưng thực tế hiện nay không ít những cán bộ khi nhận nhà lúc đương nhiệm, đến khi về hưu lại cố tình nhờn luật, coi thường pháp luật và thậm chí có vị còn muốn biến căn hộ công vụ thành “nhà của ông”.

Phải khẳng định rằng, nhà ở công vụ là chế độ, chính sách dành riêng cho những cán bộ công chức có nhu cầu, dùng để ở và làm việc phục vụ nhân dân đất nước. Toàn bộ chi phí cho nhà ở công vụ đều được thực hiện chi trả bằng ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của nhân dân đóng góp.

Việc cố tình coi nhà ở công vụ là “lộc riêng” của mình để sở hữu trọng đời là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những người cán bộ công bộc của dân, được nhân dân đóng thuế để hỗ trợ về lương, nhà ở công vụ, xe cộ đi lại, thì ngoài việc trung thành với nhân dân. Thì còn phải đảm bảo việc trả lại của công, những tài sản công vụ được bàn giao khi đương nhiệm sau khi nghỉ hưu.

Ở các nước phát triển như Hà Lan, thủ tướng còn không nhận nhà ở công vụ, vẫn ở nhà riêng của mình và hằng ngày vẫn đi làm bằng xe đạp, không có lái xe riêng, không có xe dẫn đường, người bảo vệ. Chính vì thế mà chi phí cho hoạt động điều hành của Chính phủ được cắt giảm rất nhiều.

Trong khi đó ở Việt Nam, nhà ở công vụ là tài sản thuộc quyền quản lý của nhà nước, nhưng do nhân dân đóng góp và chi trả. Nếu quan chức đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục ở nhà công vụ, thì đồng nghĩa tiền thuế của người dân vẫn phải chi trả cho những dịch vụ đó.

Nếu từ việc lạm dụng nhà ở công vụ nhìn từ góc nhìn của việc lạm dụng xe công cũng đủ thấy được cơ bản hệ quả của nó nghiêm trọng như thế nào. Vấn đề làm dụng xe công đã gây nhức nhối trong xã hội suốt nhiều năm qua.

Dư luận vẫn không thể quên vụ tai tiếng dùng xe biển xanh để vào tận chân cầu thang máy bay để chở “quan bà” vừa mới về nước của một lãnh đạo Bộ Công thương. Hay việc “mượn tạm” xe biển xanh chở khách đi dự tiệc của một Bí thư huyện ở Hậu Giang.

Khi hỏi việc lạm dụng xe công, thì những người này đều quả quyết trả lời là chỉ vì “chót nhỡ”. Nhưng dù nói thế nào thì cũng là một hành động không thể chấp nhận được. Bởi nếu một xe bị lạm dụng thì không đáng là bao, nhưng hiện nay cả nước đang có tới khoảng 39.000 xe công với tổng giá trị hiện tại trên 25.500 tỉ đồng.

Trung bình một xe sử dụng theo chế độ phục vụ riêng sẽ tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng và lương lái xe khoảng 300 triệu/xe/năm. Như vậy, tiền ngân sách nhà nước chi trả cho xe công hằng năm rất lớn, việc quản lý, sử dụng xe công không chặt chẽ sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn.

Từ xe công đến nhà công vụ đặc quyền đi luôn với đặc lợi, chính vì thế để liêm chính, công bằng và nhận được sự tin tưởng của nhân dân, thì người được giao nhà ở công vụ hay xe công đều phải phung sự vì lợi ích công, chứ không thể vô kỷ luật dùng “sài chùa” mãi như vậy.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều