+
Aa
-
like
comment

Nhà nước pháp quyền và bản sắc Việt Nam

An Diễm - 29/09/2022 11:46

Trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, giao lưu toàn diện hiện nay, Việt Nam cũng như mọi quốc gia khác đang tìm cho mình con đường để phát triển, vươn lên, cạnh tranh và khẳng định bản sắc của mình. Sau những cuộc chiến tranh gian khổ nhưng vĩ đại, chúng ta đã mở ra một thời kỳ mới đầy tự hào và đạt được vị thế chưa từng có trong lịch sử. Bản sắc Việt Nam với mô hình chính trị nhà nước pháp quyền đang bảo đảm sự ổn định và là nền tảng cho những thành công đó.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa nước ta.

Tiền đề cho sự phát triển của mỗi quốc gia chắc chắn phải là sự ổn định về chính trị. Ổn định chính trị giúp mỗi người dân yên tâm lao động, học hành, giao lưu, buôn bán để phát triển kinh tế. Ổn định chính trị giúp bè bạn quốc tế yên tâm kết nối, hợp tác, đầu tư và giao lưu văn hóa. Ổn định chính trị giúp người dân được tận hưởng cuộc sống bình yên, cả về tinh thần và vật chất. Việt Nam là một trong số ít quốc gia còn lại trên thế giới đi theo mô hình nhà nước pháp quyền và cũng là một trong số không nhiều quốc gia được đánh giá cao về sự ổn định. Mỗi người bạn từ nước ngoài đến Việt Nam, dù là nguyên thủ quốc gia hay công dân bình thường, đều có thể thoải mái dạo bước trên đường phố và cảm nhận sự bình yên, an toàn tuyệt đối.

Mỗi mô hình nhà nước, dù dựa trên lý tưởng hay học thuyết nào đi nữa, để đạt được thành công thì cũng cần phải phù hợp một cách sâu sắc với đặc thù của đất nước, phản ánh chính xác ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thấu hiểu một cách đúng đắn lập trường của dân tộc. Đã từng có nhiều thời kỳ đất nước rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, đặc biệt là sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ 20 khiến cho mô hình XHCN và bản sắc Việt Nam bị nghi ngờ nhiều nhất. Thế nhưng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế và xã hội của đất nước trong suốt hơn 30 năm qua trên nền tảng ổn định chính trị đã phản ánh sự đúng đắn và phù hợp của mô hình mà chúng ta đang theo đuổi.

Sự chặt chẽ của pháp luật đi cùng với chính sách mềm dẻo, nhân văn, nhân đạo là điều không khó gặp trong nhiều tình huống của cuộc sống tại Việt Nam. Nó cũng tương tự như câu chuyện về nhiều dự án đầu tư của nhà nước, vốn dĩ tính theo hiệu quả kinh tế thì không có lãi, nhưng vẫn được triển khai, đơn giản vì sẽ mang lại nhiều lợi ích khác về hiệu quả cho xã hội. Thực tiễn là thước đo để kiểm nghiệm chân lý và việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một con đường đúng đắn.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều