“Nhà nước của dân” không phải bằng khẩu hiệu suông
Sự an nguy dân tộc, lẽ hưng vong đất nước chỉ trong khoảng trở một bàn tay, nên càng phải thận trọng trong mỗi quyết định, tỉnh táo và linh hoạt trên từng chặng đường và mỗi bước đi lên.
LTS: Chuẩn bị khép lại năm 2019, trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỉ niệm 90 năm thành lập Đảng, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài viết của Nhà báo, TS, Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực thực hiện những quyết sách chính trị của Đại hội XII của Đảng Đại hội tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, 25 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là quyết sách chính trị chiến lược của Đảng đối với đất nước, với dân tộc trong tầm nhìn 2030.
Chuẩn bị khép lại năm 2019, trước thềm Đại hội XIII của Đảng:
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần kiên định và lan tỏa hai chữ: Bất biến!
Kiên định và hiện thực hóa độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nguồn gốc và bài học lịch sử vô giá của Đảng ta.
Đó cũng là lẽ sống còn, là quyết tâm chính trị không gì lay chuyển của Đảng ta; là nhân tố căn bản của bản lĩnh Việt Nam, của nền văn hóa vì sự phát triển bền vững và nhân văn của dân tộc ta, đồng hành cùng nhân loại, trong thời đại ngày nay.
Chúng ta phải nắm chặt lấy phương pháp luận cách mạng và khoa học, để xác lập tầm nhìn chính trị chiến lược, định vị chiến lược quốc gia, xử lý những thách thức đặt ra trước cách mạng, với phương châm “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế” (Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ), như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải chủ động bác bỏ những luận điệu và thủ đoạn làm vấy bẩn, xuyên tạc chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là con đường phát triển tất yếu bất biến của chúng ta.
Để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, chúng ta phải không ngừng thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết phải lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tốt nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển lực lượng sản xuất xã hội không chỉ về quy mô, tốc độ mà cả chiều sâu của nó.
Đồng thời, phải chủ động xây dựng một quan hệ sản xuất phù hợp với nó, trọng tâm là thể chế quản lý, cơ chế vận hành nền kinh tế phù hợp, đủ mạnh và có hiệu quả theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động và tích cực thực hiện hiệu quả hơn nữa tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế làm động lực, để tăng cường sức mạnh và tổng thể động lực phát triển đất nước.
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần kiên định một chữ: Đồng!
Trong một thế giới biến động đến khôn lường, với nhiều thách thức to lớn hơn bao giờ hết, truyền thống 89 năm oanh liệt của Đảng phải được không ngừng nâng niu, bảo vệ và phát huy cao độ, nhằm tranh thủ thời cơ, vượt qua nguy cơ, nhân lên thành sức mạnh to lớn và mạnh mẽ trên hành trình đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đó là trọng trách mà lịch sử giao phó cho Đảng ta, cho toàn thể dân tộc ta, là khát vọng của hơn 96 triệu đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt giới tính, giai cấp, tôn giáo, dân tộc…
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần phát huy một chữ: Trí!
Trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI, nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển và tiến bộ của đất nước, chúng ta phải xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa song hành với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam ngang tầm công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, hướng tới xây dựng và phát triển một nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngang tầm thời đại. Đây là một nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Và, chưa bao giờ như hôm nay, chúng ta cũng đang sống trong không gian lịch sử của một “thế giới phẳng” và không phẳng. Do đó, sự an nguy dân tộc, lẽ hưng vong đất nước chỉ trong khoảng trở một bàn tay, nên càng phải thận trọng trong mỗi quyết định, tỉnh táo và linh hoạt trên từng chặng đường và mỗi bước đi lên.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nắm chắc một chữ: Nhân!
Chế độ ta là chế độ do nhân dân lao động nước ta làm chủ, dưới ngọn cờ của Đảng. Theo đó, phải tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trước mắt, chúng ta tiếp tục cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia; xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi: hoàn thiện nền pháp chế xã hội chủ nghĩa; không ngừng nâng cao trình độ quản lý mọi mặt từ kinh tế, chính trị, tới văn hóa, tư tưởng và đạo đức… Pháp luật phải thực sự giữ vị trí thượng tôn! Nhà nước chúng ta phải thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và phải dựa vào nhân dân bằng pháp lý, bằng cơ chế, trên nền đạo lý, chứ không phải bằng khẩu hiệu suông.
Bởi lẽ, có nhân dân là chúng ta có tất cả. Cũng bởi lẽ, “Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân…”, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, trọn vẹn “phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Đồng bào ta luôn ghi nhớ lời Người, với tinh thần chở che, bằng tấm lòng khoan hậu bảo vệ Đảng như buổi Đảng mới ra đời, mong cho Đảng xứng đáng hơn với niềm tin của nhân dân, của dân tộc, của Người và sự yêu mến của bè bạn khắp năm châu!
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần gìn giữ và tỏa rộng một chữ: Dũng!
Trong bối cảnh mới, trước yêu cầu phát triển mới của cách mạng, Đảng phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng ta thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức với một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức tốt, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân; đồng thời phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Phải tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát huy bầu không khí dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Từ các cấp uỷ tới mỗi đảng viên phải xem việc giữ gìn và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết thống nhất của Đảng là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý, là lương tâm và đạo lý sống, là một trong những thước đo căn bản phẩm chất chính trị, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, sự trong sạch, vững mạnh của mỗi tổ chức đảng.
Tiếp tục xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là một trong những vấn đề quyết định sự thành bại vị trí, vai trò và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng. Đó là trọng trách của Đảng ta trong thế kỷ XXI.
Muốn làm tốt nhiệm vụ đó đòi hỏi các tổ chức đảng thực thi thường xuyên, toàn diện việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Bảo đảm đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có đủ năng lực, phẩm chất, sự tín nhiệm của quần chúng và có sự kế tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ của Đảng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, trung tâm là nâng cao quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao đạo đức cách mạng hết lòng phục vụ Tổ quốc, hết lòng phụng sự nhân dân của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh, ngăn chăn và loại bỏ những “cục bướu”, “khối u ác tính” trong Đảng và bộ máy nhà nước: tệ tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, sự suy thoái tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức…
Phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Định vị rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị các cấp là điều căn bản. Phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành vô điều kiện kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết tường tận, cụ thể những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; ngăn chặn và trừng trị những gì làm tổn hại tới Đảng và nhân dân…
Đồng thời không ngừng đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân. Đây là nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng, là một nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng Đảng bởi không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo.
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần làm rạng rỡ hơn hai chữ: Hòa mục!
Đảng và nhân dân ta với tinh thần cầu thị, học tập, chủ động tiếp thu, thâu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu trí tuệ cho mình, thủy chung với bạn bè, thực thi những trọng trách mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhịp bước cùng thời đại.
Đồng thời, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế cùng các quốc gia dân tộc xây dựng một thế giới hòa bình, văn minh và tiến bộ không ngừng. Đó chính là bài học kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhị Lê/Vietnamnet