+
Aa
-
like
comment

Nhà máy Z189 khẳng định thương hiệu hàng đầu về đóng tàu quân sự

29/07/2020 06:10

Hướng đến Đại hội Đảng bộ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) nhiệm kỳ 2020-2025, những ngày này, không khí làm việc của Nhà máy Z189 (Tổng cục CNQP) càng thêm khẩn trương, sôi nổi. Cán bộ, công nhân, người lao động đang tập trung thi đua hoàn thiện các hạng mục cuối của sản phẩm tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316, mang tên Yết Kiêu (số hiệu 927), chuẩn bị bàn giao cho Quân chủng Hải quân.

Thượng tá Trần Thế Vỹ, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc nhà máy, cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức, chuyển đổi cơ chế quản lý; xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; nghiên cứu mở rộng, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhà máy xác định, sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, vì thế luôn cân đối, phân bổ thời gian, lực lượng hợp lý để “đi bằng cả hai chân”.

Nhà máy Z189 hạ thủy tàu Yết Kiêu (số hiệu 927).

Với quan điểm đó, nhà máy đã ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển và lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam, như: Tàu chở quân K122 (HQ571); tàu quân y K123 (HQ561)-“bệnh viện trên biển”; tàu Cảnh sát biển đa năng CSB8001 và CSB8004… Cùng với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, nhà máy tận dụng tối đa năng lực dôi dư, trình độ công nghệ, thiết bị, nguồn nhân lực tại chỗ để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế. Quá trình sản xuất, nhà máy luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, triệt để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng, có ưu thế về công nghệ, nhất là thế mạnh đóng tàu bằng hợp kim nhôm mà đến nay chưa có cơ sở đóng tàu trong nước có thể cạnh tranh.

Tàu chở khách do Nhà máy Z189 đóng mới.

Với việc xác định hướng đi phù hợp, nhà máy luôn có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như: Sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động phù hợp với mô hình hoạt động; xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật với những chính sách cụ thể để khuyến khích cán bộ, công nhân, người lao động tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; có các cơ chế riêng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, hầu hết cán bộ, kỹ sư, công nhân của nhà máy được đào tạo cơ bản ở các trường có uy tín, chất lượng; một số được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Nhà máy có 1 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 198 kỹ sư và cử nhân các chuyên ngành, thợ bậc cao chiếm hơn 30%.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, Nhà máy Z189 không ngừng phát triển đi lên, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 7%. Năm 2019, doanh thu của nhà máy đạt 1.100 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 13 triệu đồng/người/tháng.

Bài và ảnh: LÊ NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khang-dinh-thuong-hieu-hang-dau-ve-dong-tau-quan-su-629257

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều