+
Aa
-
like
comment

Nhà máy thép trị giá 1.700 tỷ, tổ chức bán đấu giá rầm rộ thu được 205 tỷ đồng

02/10/2019 14:43

Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cùng với Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh sáng 26/4 tổ chức phiên đấu giá tài sản tại dự án nhà máy gang thép Vạn Lợi của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh.

Tài sản được đem ra bán đấu giá bao gồm toàn bộ thiết bị máy móc và các công trình xây dựng hiện có của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh tại lô B (cho thuê của Công ty Nông Lâm sản Hà Tĩnh) và lô D Khu công nghiệp Vũng Áng, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh.

Buổi đấu giá có 23 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Giá khởi điểm của số tài sản được đưa ra đấu giá là hơn 108 tỷ đồng. Sau 11 vòng trả giá, đại diện Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân (đóng tại tỉnh Bình Định) đã thắng cuộc với mức trả giá là hơn 205 tỷ đồng.

Nhà máy thép 1.700 tỷ, 'hóa kiếp' được 205 tỷ đồng
Phiên đấu giá diễn ra sáng nay

Trao đổi với PV. VietNamNet, một lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh cho biết, việc đấu giá cơ bản đã hoàn tất, sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục thì tiến hành bàn giao tài sản.

Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào năm 2007. Dự án tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), với tổng mức đầy tư lên tới 1.700 tỷ đồng, trong đó hai cổ đông lớn nhất công ty Vạn Lợi 64%, công ty Hợp Thành 34%.

Dự án này do 3 ngân hàng làm “bà đỡ” về vốn gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam VCB. Trong đó, các ngân hàng hùn vốn cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ là 15%.

Nhà máy thép 1.700 tỷ, 'hóa kiếp' được 205 tỷ đồng
Nhà máy thép Vạn Lợi bỏ hoang nhiều năm

Tuy nhiên, từ năm 2010, việc đầu tư vào dự án thép Vạn Lợi gần như đình trệ, dự án bị bỏ hoang. Tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư tiếp tục dự án nhưng bất thành, cực chẳng đã đến năm 2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi dự án.

Trong quá trình đầu tư các ngân hàng đã “bơm” cho dự án này tổng số tiền hơn 705 tỷ đồng; trong đó ngân hàng VDB góp hơn 582 tỷ đồng, ngân hàng BIDV góp hơn 49,5 tỷ đồng, ngân hàng Vietcombank góp hơn 74 tỷ đồng.

Sau khi dự án “chết yểu”, theo cam kết dân sự TAND thị xã Kỳ Anh đứng ra phân xử nợ giữa chủ đầu tư dự án với 3 ngân hàng. Theo đó, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh phải trả khoản nợ gốc, nợ lãi quá hạn và nợ lãi phạt quá hạn cho 3 ngân hàng tổng số tiền gần 1.507 tỷ đồng.

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều