+
Aa
-
like
comment

Nhà lầu xe hơi vẫn cận nghèo: Cán bộ tư túi đâu phải do lương thấp

08/06/2020 08:39

Đội ngũ thừa hành công vụ phải là nhóm tuân thủ chính sách, pháp luật nghiêm minh nhất, công tâm nhất.

Thạc sĩ Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP Việt Nam chia sẻ về sự công khai và minh bạch sau câu chuyện người có nhà lầu xe hơi lại nhận hỗ trợ từ đại dịch Covid-19.

Trước đây có chuyện đàn dê, bò, gà… xoá đói giảm nghèo tại một số tỉnh, thành thay vì cấp cho người nghèo lại “đi lạc” vào nhà cán bộ thôn, xã. Mới đây, lại có chuyện những hộ có nhà lầu xe hơi vẫn được xếp vào hộ cận nghèo để hưởng ưu đãi chính sách, hưởng hỗ trợ từ đợt dịch Covid-19. Sau điều tra của báo VietNamNet, phát lộ nhiều lỗ hổng trong quy trình bình xét hộ nghèo/cận nghèo, mà chủ yếu tới từ ý chí chủ quan của các cán bộ địa phương. Bà nhận xét gì về điều này?

Như báo VietNamNet đã nêu, và cũng qua theo dõi báo chí trong thời gian qua, sự việc liên quan tới bình xét hộ được hưởng ưu đãi chính sách, hỗ trợ từ đợt Covid-19 không hy hữu. Theo kết quả Chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa, điểm nội dung công khai, minh bạch về danh sách hộ nghèo của tỉnh đạt 1,89 thấp hơn mức điểm 1,95 năm 2018 (điểm tối đa là 2,5 điểm).

Nhà lầu xe hơi vẫn cận nghèo: Cán bộ tư túi đâu phải do lương thấp
Ngôi nhà 2 tầng khang trang thuộc diện cận nghèo

Có tới 25% số người trả lời thấy rằng có những hộ trên thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo trong năm qua, và 26% cho biết có những hộ trên thực tế không nghèo nhưng lại được đưa vào danh sách hộ nghèo. Tỉ lệ người trả lời cho biết danh sách hộ nghèo được công bố công khai trong năm qua chỉ đạt 69%. Sự việc vừa qua có thể ảnh hưởng tới niềm tin của người dân trong tỉnh với kết quả tỉnh đã đạt được thời gian đầu nhiệm kỳ chính quyền các cấp hiện nay.

Có một điều rất khó hiểu thưa bà, mọi bước khi thực hiện giải ngân gói hỗ trợ đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Vậy tại sao những điều này vẫn xảy ra? Không lẽ có những người “to gan” dám làm bất chấp “ăn không từ một thứ gì?” hay còn những lý do nào khác?

Đây là câu hỏi vừa dễ vừa khó trả lời. Dễ trả lời ở điểm thực thi chính sách thường cũng khác xa với mục đích và đối tượng tốt đẹp của chính sách xã hội như gói hỗ trợ từ đợt dịch Covid-19. Kết quả cao nhất các tỉnh/thành phố đạt được trong 11 năm qua xét từ hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ công PAPI đo lường cũng mới chỉ đạt mức trung bình. Điểm số tổng hợp PAPI năm 2019 của 63 tỉnh/thành phố nằm trong khoảng từ 40,84-46,74 điểm trên thang điểm từ 10-80 điểm. Điều này cho thấy mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công chỉ ở khoảng trung bình, đồng nghĩa với việc nhiều chính sách vì dân chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Khó trả lời hơn là phần đánh giá cảm quan về việc có những cán bộ, công chức lại diễn dịch, làm sai lệch chính sách vì lợi ích riêng hay không. Tuy nhiên, công chúng cũng có thể thấy tham nhũng vặt đã trở thành tập quán đang bám rễ sâu vào hệ thống.

Tôi cho rằng, điều khiến dư luận xã hội bất bình nhiều hơn, là sự việc diễn ra trong lúc niềm tin của người dân với Nhà nước, với Chính phủ trong nỗ lực dập dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua đang ở mức rất cao, như báo chí quốc tế đang viết về Việt Nam. Công chúng trở nên bất bình hơn so với những hành vi hỗ trợ “đi lạc” vào nhà cán bộ của trước đây trong thực thi chính sách xóa đói, giảm nghèo. Sự việc này cũng đổ thêm dầu vào lửa khi những phanh phui liên quan tới mua trang thiết bị chống Covid-19 ở CDC một số tỉnh, thành trong thời gian vừa qua.

Tôi cho rằng mọi nỗ lực giảm thiểu tham nhũng, nhũng nhiễu, lạm quyền trong bộ máy chính quyền các cấp có thể tốt lên, như đánh giá của người dân qua chỉ số lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công trong PAPI, có thể bị tổn hại bởi những việc vốn bị xem là tập quán bấy lâu này.

Nhà lầu xe hơi vẫn cận nghèo: Cán bộ tư túi đâu phải do lương thấp
Nhiều các hộ nghèo thực sự không được nằm trong danh sách nhận tiền hỗ trợ

Bộ trưởng LĐ-TB-XH đã khẳng định, người nào kê khai gian dối để được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP tùy vào tính chất, mức độ vi phạm phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những trường hợp này, theo bà cần xử lý như thế nào?

Tôi cho rằng thực thi pháp luật, chính sách công bằng và bình đẳng là chìa khóa để lấy lại niềm tin của công chúng. Một trong những băn khoăn lớn nhất của giới nghiên cứu chúng tôi là làm thế nào để khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn được thu hẹp lại nhiều nhất có thể. Tôi đồng ý với việc tùy vào mức độ nặng, nhẹ của hành vi để áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng pháp luật, tránh việc áp dụng pháp luật không nhất quán như người ăn trộm bánh mì có thể bị đưa ra tòa, trong khi người công chức “tư túi” lại được hưởng những biện pháp nhẹ hơn vì yếu tố “nhân thân tốt”.

Từ những hành vi lợi dụng chính sách để tư lợi như thế này cho thấy tâm lý “tội gì không xà xẻo” manh nha ở nhiều người và khi có cơ hội thì họ thực hiện. Tâm lý này cản trở như thế nào tới sự phát triển của đất nước?

Tập quán tham nhũng vặt, lấy của công làm của tư trong thực thi chính sách xã hội như vậy xảy ra tại thời điểm niềm tin của người dân lên cao chắc chắn làm mất đi niềm tin rất khó lấy lại từ công chúng rằng các cấp chính quyền, cơ quan công quyền đang có những nỗ lực đổi mới theo hướng công khai, minh bạch hơn.

Tôi e rằng công chúng lại nhắc lại câu “chuyện thường ngày ở huyện”, và như vậy thật đáng buồn, và đi ngược lại những nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Đó là chưa nói tới những thất thoát ngân sách của Nhà nước và xã hội và tổn thương tinh thần đối với rất nhiều tập thể, cá nhân công dân đang đóng góp tiền của, hiến tạng để cùng đồng hành chống đại dịch và cứu chữa bệnh nhân Covid-19 vì một Việt Nam tự hào không có người tử vong vì đại dịch.

Những cuộc vận động đóng góp thông qua các cơ quan đoàn thể sẽ khó khăn hơn nếu những đóng góp của công dân, tổ chức bị sử dụng không đúng mục đích. Riêng khía cạnh phát triển vì Việt Nam nhân bản hơn theo đúng nghĩa “lá lành đùm lá rách” còn bị ảnh hưởng, nhất là khi đối mặt với thiên tai, đại dịch, địch họa.

Theo bà, muốn minh bạch, công bằng, giải pháp căn cơ là gì?

Tôi cho rằng giải pháp căn cơ vẫn nằm ở cái tâm và cái tầm của người cán bộ, công chức thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một khi đã là người đại diện của dân thực hiện các chức phận nhân dân giao phó và chấp thuận làm việc trong cơ quan nhà nước, đội ngũ thừa hành công vụ phải là nhóm tuân thủ chính sách, pháp luật nghiêm minh nhất, công tâm nhất.

Nhà lầu xe hơi vẫn cận nghèo: Cán bộ tư túi đâu phải do lương thấp
ThS Đỗ Thanh Huyền

Nếu đổ lỗi cho chế độ lương bổng thấp dẫn tới sự tha hóa của người cán bộ, công chức là không chuẩn xác, bởi họ là người lựa chọn làm việc cho khu vực Nhà nước và họ biết rõ họ nhận được lương bổng ở mức độ nào. Nhưng nếu nhìn vị trí trong cơ quan nhà nước là nơi ‘xà xẻo’ vì tư lợi, thì tập quán tham nhũng vặt hay lợi dụng tham nhũng lớn sẽ vẫn tiếp diễn, và mọi giải pháp, nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong thúc đẩy công khai, minh bạch, xã hội công bằng sẽ vẫn chỉ là “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Trong giai đoạn đại dịch hiện nay, khi mọi nguồn lực xã hội đều đáng quý để cùng Việt Nam vượt qua thách thức về phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy minh bạch, công bằng trong thực thi chính sách sẽ là chìa khóa lấy lại và tạo dựng niềm tin của dân, tổ chức, doanh nghiệp. Kết quả đạt được chắc chắn sẽ là sự đồng lòng và chung sức vì một Việt Nam phát triển bền vững, vượt qua được mọi thách thức do nhân tai, thiên tai, dịch bệnh.

Thái An – Bảo Ngọc/VNN

Bài mới
Đọc nhiều