Nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO góp tên vào danh sách điều tra nguồn gốc dịch Covid-19
Ngày 13/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất 26 nhà khoa học vào ban cố vấn mới có nhiệm vụ xác định nguồn gốc dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai. Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học Việt Nam đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe con người và động vật tại Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ở Kenya, là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách này.
Theo WHO, ban cố vấn này có tên gọi Nhóm Cố vấn khoa học của WHO về Nguồn gốc các mầm bệnh mới (hoặc SAGO), sẽ tư vấn cho WHO về việc phát triển một “khuôn khổ toàn cầu mới” để xác định và hướng dẫn các nghiên cứu về nguồn gốc của những mầm bệnh mới có nguy cơ chuyển biến thành đại dịch.
Danh sách 26 chuyên gia trong Nhóm cố vấn về nguồn gốc của mầm bệnh mới (SAGO) vừa được WHO công bố công khai trên trang web của tổ chức để tham vấn rộng rãi. Các chuyên gia được chọn từ 700 ứng viên, qua một quy trình rà soát, tuyển lựa rất cẩn trọng, đòi hỏi rất nhiều chuyên môn sâu và rộng.
Trong danh sách 26 thành viên này, một số người đã tham gia trong nhóm chuyên gia của tổ chức này đến Vũ Hán, Trung Quốc để tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm nay.
Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học Việt Nam là một trong số các nhà khoa học từng tham gia nhiệm vụ tìm hiểu nguồn gốc virus Covid-19 đầu tiên và tiếp tục được chọn vào SAGO.
Được biết, Tiến sĩ Hùng có bề dày kinh nghiệm 15 năm làm việc tại các nước đang phát triển. Hiện tại, ông Hùng đang là lãnh đạo Chương trình Sức khỏe con người và động vật tại viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ở Nairobi và là đại diện khu vực Đông Á và Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Vật nuôi Quốc tế (ILRI).
Theo thông tin trên trang web của ILRI, Tiến sĩ Hùng đang tập trung nghiên cứu mối liên kết giữa sức khoẻ và nông nghiệp, an toàn thực phẩm, các bệnh lây nhiễm và bệnh do động vật truyền sang người, trong đó, chú trọng đánh giá rủi ro để quản lý an toàn thực phẩm toàn diện.
Ông Hùng còn là lãnh đạo hàng đầu về an toàn thực phẩm trong chương trình nghiên cứu về nông nghiệp, dinh dưỡng và sức khoẻ (A4NH) của Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) và là Chủ tịch nhóm làm việc Thống nhất một cách tiếp cận y tế trong phản ứng với Covid-19 thuộc Trung tâm nghiên cứu về Covid-19 của CGIAR.
Trước khi gia nhập ILRI, Tiến sĩ Hùng từng là người đồng sáng lập Trung tâm Y tế Cộng đồng và Nghiên cứu Hệ sinh thái (CENPHER) tại Đại học Y tế Cộng đồng của Hà Nội.
Đây chính là nơi nhà khoa học Việt Nam thực hiện rất nhiều công việc nghiên cứu trong khu vực về nông nghiệp, môi trường và sức khoẻ. Ông Hùng có kinh nghiệm dày dặn tại khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào), Tây Phi (Bờ Biển Ngà) và gần đây là Đông Phi.
Tháng 8 năm ngoái, WHO cho biết đang tìm kiếm những bộ óc khoa học vĩ đại nhất để tư vấn cho các cuộc điều tra về các mầm bệnh mới, có tính đe dọa cao với khả năng lây từ động vật sang người. Các mầm bệnh này có thể gây ra đại dịch mới trong tương lai. Và Tiến sĩ Hùng chính là một trong những nhà khoa học mà WHO tin tưởng.
Sau đại dịch Covid-19, WHO và các nước trên thế giới ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai và nhiều nỗ lực về nghiên cứu, giám sát đang được thực hiện để hiện thực hóa điều này.
Bảo Trâm (Theo Reuters, Guardian)