+
Aa
-
like
comment

Nhà khoa học thì đừng học thói ngụy biện

An Diễm - 03/10/2021 16:58

Một nhà khoa học vốn dĩ cần có một cách làm việc khoa học, tư duy thực tế, khách quan. Người đó cần phải khách quan từ bước đầu tiên là chọn lựa thông tin dữ kiện, khách quan về phương pháp luận và khách quan trong việc đánh giá. Đọc bài lập luận lòng vòng chia ý chia tứ của ông Tiến sỹ toán học Nguyễn Ngọc Chu về đề tài chính trị mới thấy ông là tiến sỹ mà xa rời khoa học quá. Phải chăng vì ông “nhảy” từ toán sang chính trị nên thành ra vậy?

Chân dung TS. Toán học Nguyễn Ngọc Chu.

Trong buổi làm việc với Hội đồng lý luận Trung ương mới đây, Thường trực Ban bí thư giao nhiệm vụ “Đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”. Bàn về vấn đề này, ông Chu đưa cái tiêu đề “Bốn lý do để Việt Nam không cạnh tranh về chủ thuyết”. Có phải nên nói toạc ra ý ông là Việt Nam không nên theo đuổi và phát triển chủ thuyết “Chủ nghĩa xã hội”, và lý do là gì?

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: “Đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.”

Truyền thống?

Ông Chu cho rằng: “Mở rộng bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải chú trọng đến nhân tố ‘truyền thống’, truyền thống lớn thì mức độ thành công sẽ cao”. Nói vòng vèo thì ý ông là Chủ nghĩa xã hội không có truyền thống ở Việt Nam mà là ngoại lai nên sẽ khó phát triển? Vậy ông có nhớ Đảng được thành lập năm 1930, tức là đến nay đã phát triển qua 100 năm, khoảng 3, 4 thế hệ mà vẫn ngày càng vững mạnh. Nước Việt Nam đến nay cũng là nước chủ nghĩa xã hội lâu đời nhất thế giới cũng gần 100 năm, mà vẫn mạnh mẽ đi lên. Vậy cái gì khó phát triển? Cũng chẳng khó gì mà không biết ý ông muốn đề cập đến chủ nghĩa tư bản, vậy tư bản có phải là “truyền thống” của Việt Nam không?

Bài viết xuyên tạc của Nguyễn Ngọc Chu.

Thời nay, cả thế giới đang kết nối với nhau, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Con người hiện đại trong quá trình giao lưu, hội nhập luôn có ý thức học hỏi cái mới, bảo tồn những cái giá trị và bên cạnh đó loại bỏ những cái cũ kỹ, không còn phù hợp. Bản thân chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng đã trải qua một quá trình phát triển dài, và làm sao nó có thể tồn tại, phát triển nếu không phù hợp với văn hóa và truyền thống của Việt Nam.

Thế kỷ 19, đất nước bị giặc bên ngoài giày xéo, xâm lược, bên trong thì chế độ phong kiến “truyền thống” lạc hậu kéo lùi. Nhiều cuộc nổi dậy của người Việt bị đàn áp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải ra đi tìm đường cứu nước, một con đường mới phù hợp và giúp định hình tương lai của cả dân tộc. Người đi khắp năm châu, qua cả Mỹ, cả Pháp, những nơi tư bản chủ nghĩa, rồi bước chân của Người dừng lại khi gặp chủ nghĩa xã hội của Marx – Lenin. Con đường mà Người tìm ra là độc lập dân tộc kết hợp Chủ nghĩa xã hội đã thành công rực rỡ, huy động được toàn bộ sức mạnh của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản, đưa nước ta thoát vòng nô lệ, giành được độc lập. Nước Việt Nam non trẻ cũng vượt qua vô vàn thử thách nữa trước khi thành công rực rỡ cho đến ngày nay. Nhìn lại hành trình đã qua để thấy Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như một nhân tố quyết định, đưa đất nước đi từ thời kỳ tăm tối nhất cho tới độc lập, tự do.

Nếu những điều đó không gọi là “truyền thống” thì còn cái gì là truyền thống nữa đây?

Nên dồn sức lực và trí tuệ mà tồn tại thay vì “chạy theo” chủ thuyết?

Thật buồn cười khi ông Chu đưa ra ví dụ “người Hán bên Trung Quốc xuất phát từ nhà Tần “nhưng đã bành trướng, đồng hoá toàn bộ các bộ tộc ở vùng Hoa hạ”. Thưa ông, tên gọi Hán chính là để chỉ tộc người Hoa Hạ đó thôi.

Ông Chu bảo: Từ ngàn xưa cho đến thời điểm hiện tại, do phải chống chọi nhiều cuộc xâm lược từ ngoại bang, người Việt chưa bao giờ cạnh tranh về chủ thuyết, chưa có ‘truyền thống’ về sáng tạo chủ thuyết. Thực ra, nguyên văn chỉ thị của Ban Bí thư nói “năm 2045 chúng ta có hệ thống lý luận hoàn chỉnh” có nghĩa là hiện tại chúng ta đã có rồi, nhưng đang nghiên cứu dần để tiến tới hoàn thiện, chứ không phải “sáng tạo” ra cái gì mới mẻ cả. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, khi đời sống ngày một nâng cao thì đời sống văn hóa tinh thần sẽ ngày càng cao, càng có điều kiện để phát triển lý luận và đưa vào thực tiễn. Có những thứ là mục tiêu hiện nay đặt ra nhưng chưa có điều kiện thực hiện thì lúc đó chúng ta cũng có thể áp dụng. Đúng lúc, đúng thời điểm và khi điều kiện thực tiễn chín muồi chính là thời cơ để hoàn thiện lý luận chủ nghĩa xã hội.

Ông cũng bảo “sự tồn tại của dân tộc Việt đáng quý hơn là “sở hữu chủ thuyết” mà bị tiêu diệt”?

Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đấy cũng là quan điểm và mục tiêu chung xuyên suốt của đất nước. Chỉ có những con người thích lý thuyết màu mè, nặng nề “sách vở” mới lúc nào cũng nói đến “chủ thuyết”, còn bản thân Người sáng lập nước Việt Nam chỉ định nghĩa mục tiêu của mình đơn giản như vậy thôi.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã đưa nước Việt thoát khỏi thời kỳ bị đô hộ và chiến thắng qua các cuộc chiến tranh, vượt qua các thời kỳ khó khăn về kinh tế. Điều đó đã đủ đáng quý chưa?

Sự phát triển của loài người nằm ngoài tầm quyết định của một dân tộc?

Ý của ông là xã hội Việt Nam sẽ phát triển theo hướng “tự nhiên”, không phụ thuộc vào “quyết tâm” của Đảng?

Con người trải qua hàng triệu năm tiến hóa từ một động vật phát triển “tự nhiên” bằng hái lượm và săn bắn, ăn lông, ở lỗ, tiến lên thành người hiện đại, văn minh. Khi văn minh, người ta không “tự nhiên” ăn lông, ở lỗ nữa mà biết làm việc tập thể, xây dựng xã hội, đặt ra các quy tắc, chuẩn mực. Loài người dần gắn kết với nhau, sống, làm việc và chiến đấu vì những mục đích chung và từ đó hình thành nên cộng đồng, xã hội, rồi quốc gia, dân tộc. Liệu có thể nói sự phát triển của một quốc gia nằm ngoài tầm quyết định của nó? Và thời đại ngày nay, khi xã hội loài người được tổ chức thành các quốc gia độc lập, tự chủ, thì còn ai khác sẽ quyết định ngoài chính bản thân họ?

Các hình thái kinh tế xã hội là sản phẩm của trí tuệ loài người trên con đường phát triển xã hội, theo hướng từ thấp lên cao. Nó giúp xã hội loài người có tổ chức, trật tự, tạo ra cộng đồng nơi mọi người đều được hưởng lợi. Trong thời đại hội nhập và giao lưu ngày nay, các quốc gia, cộng đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển. Hình thái kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như vậy.

Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế từ tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Đến năm 2001, Đại hội IX khẳng định chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xác định đây là “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội X, XI, XII và XIII tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, phát triển, làm rõ nội hàm của nền kinh tế này và khẳng định kinh tế thị trường định hướng XHCN “là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nó bảo đảm rằng định hướng xã hội chủ nghĩa là vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Những thành tựu kinh tế mà đất nước ta thu được từ khi Đổi mới đến nay thực sự ấn tượng, là minh chứng không thể rõ ràng hơn để chứng minh con đường mà đất nước đang đi, sự phát triển của toàn dân tộc phải do chính dân tộc Việt Nam quyết định.

Không đi khác con đường mà nhân loại đang đi?

Nói vòng vèo, nói xa xôi thì giờ ông Nguyễn Ngọc Chu mới chịu nói thật là muốn Việt Nam từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội và cho rằng “đó không phải con đường mà nhân loại đang đi”.

Nhà văn Lỗ Tấn từng nói “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đúng là như vậy, trên đời này không có gì tự nhiên có, phải đổ mồ hôi, công sức, xương máu để tự mình tìm ra. Con đường của nước Việt Nam khởi đầu từ bước chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Sinh Cung. Khi chỉ vừa mười tám đôi mươi, xa nhà, con đường phía trước thì vô định, nhưng người thanh niên ấy vẫn dũng cảm dấn thân để “tìm hình của nước”. Và năm 1919, chàng trai đó gửi bản yêu sách đòi quyền lợi cho người dân Việt Nam đến Hội nghị hòa bình Versaille của các nước đế quốc, một việc làm gây chấn động và chưa có tiền lệ. Mười một năm sau, Người thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Và 15 năm nữa, ngày 2/9/1945, Người đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới về nền độc lập của chúng ta. “Nhân loại” nào chỉ cho Người con đường ấy?

“Nhân loại” nào chỉ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh con đường giải phóng dân tộc?

Ngày nay, có những người Việt Nam được sinh ra, lớn lên và hưởng thụ một đất nước hòa bình, phát triển lại phủ nhận con đường mà gần 100 năm Tổ quốc đã đi qua. Như một đứa trẻ lớn lên quá đủ đầy, không biết thế nào là thiếu thốn, lại chê bai gia đình vì chưa giàu có như người ta. Liệu đó có phải là vô ơn, hay là kém hiểu biết?

Con người ta, vốn dĩ ai cũng nghĩ mình giỏi, cho đến khi gánh trên vai trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm to lớn cho những việc mình làm. Lương tâm của một nhà khoa học là phải nói đúng, nói khách quan, nói những gì mình thực sự hiểu biết. Lương tâm của một con người là phải biết tôn trọng người khác, kính trọng các bậc tiền nhân, không phán xét bừa bãi những thành quả mà biết bao mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ mới làm ra được.

Có thể thấy, ông Nguyễn Ngọc Chu vốn là một nhà khoa học nhưng lại dùng những thông tin và lập luận phản khoa học, cốt yếu để bao biện cho cái ý ông đưa ra là muốn thay đổi chế độ.

“Mô hình nào cũng được, cách thức nào cũng được – miễn là dân giàu nước mạnh, lãnh thổ vẹn toàn, đứng ở nhóm hàng đầu, được thế giới nể trọng”, câu này do chính ông viết ra, không hiểu ông đã đọc lại hay chưa?

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều