+
Aa
-
like
comment

Nhà đầu tư nhỏ bị loại khỏi thị trường chứng khoán ?

05/03/2021 06:14

Việc lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bày tỏ kế hoạch muốn nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu/lệnh lên 1.000 cổ phiếu/lệnh khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và lo lắng sẽ bị loại khỏi thị trường. 

Tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu tại HOSE sẽ loại bỏ nhiều nhà đầu tư nhỏ tham gia /// Ảnh: Ngọc Thắng
Tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu tại HOSE sẽ loại bỏ nhiều nhà đầu tư nhỏ tham gia

Việc nâng lô giao dịch tối thiểu này được cho là nhằm khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HOSE hiện nay.

Cổ phiếu blue-chips chỉ dành cho người giàu ?

Là nhà đầu tư (NĐT) lâu năm trên thị trường chứng khoán (TTCK), bà Phương Lan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc với dự định tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu (CP) của HOSE. Theo bà Phương Lan, đầu tư chứng khoán (CK) có một đặc điểm khác với kênh đầu tư như bất động sản là vì NĐT có thể bắt đầu với bất kỳ một số vốn nào, 1 triệu đồng hay vài chục tỉ đồng. Đây cũng là ưu điểm khi các NĐT nhỏ lẻ, những người về hưu có thể tham gia để gia tăng thu nhập. Do đó nếu việc nâng lô lên 1.000 CP của HOSE được thực hiện sẽ không chỉ loại bỏ những NĐT nhỏ mà còn không thu hút thêm được NĐT mới tham gia vào thị trường.

Những lần gặp sự cố của sàn HOSE

8.12.2006: Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HOSE) bị ngưng hoạt động vì bảng điện tử không thể hiện số liệu. Khi đó sàn HOSE chỉ mới có 20 công ty CK và số lượng chỉ có khoảng một trăm ngàn tài khoản của NĐT.

27.5.2008: Lệnh mua bán của các NĐT không thể nhập vào hệ thống giao dịch của HOSE cũng do lỗi trục trặc service của hệ điều hành. Điều này khiến HOSE phải dừng giao dịch trong 3 phiên liên tiếp từ 27 – 29.5.2008.

22.1.2018: Hệ thống giao dịch của HOSE bị lỗi kết nối vào cuối phiên khiến thị trường treo cứng trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Sau đó HOSE tiếp tục ngừng giao dịch vào 2 ngày kế tiếp là 23 – 24.1.2018.

9.6.2020: HOSE phải hủy toàn bộ đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa do hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh.

“Hầu hết NĐT khi mới bắt đầu tham gia chỉ sử dụng số vốn nhỏ phù hợp. Hơn nữa, đầu tư CK là dùng tiền nhàn rỗi, mà với thu nhập hiện tại của người VN mới đi làm, tiền tiết kiệm để dành hằng tháng chỉ cỡ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Việc nâng lô lên 1.000 CP sẽ chặn đứng suy nghĩ đầu tư với số vốn nhỏ của nhiều người”, bà Phương Lan nói.

Thực tế, có nhiều NĐT lớn tuổi đã về hưu và xem đầu tư CK như một việc nghiêm túc kiếm thêm thu nhập. Thời gian thị trường èo uột, giao dịch chỉ 3.000 – 4.000 tỉ đồng/phiên hơn chục năm về trước, họ vẫn là những người kiên nhẫn bám trụ trên sàn. Ông Ngọc, một NĐT lớn tuổi, ngậm ngùi cho rằng với người về hưu như ông, tài khoản CK xoay quanh 100 – 200 triệu đồng. Trước đây khi HOSE chỉ giao dịch lô tối thiểu 10 CP thì cơ hội lựa chọn CP của ông sẽ nhiều. Đầu năm nay khi bắt đầu nâng lên lô 100 CP cũng khiến họ khó khăn hơn trong giao dịch. Chưa kể khi họ tìm hiểu được công ty tốt, muốn mua dần, tích cóp từ nguồn tiền nhàn rỗi thì việc tăng lô lên gấp 10 lần hiện nay sẽ không thể thực hiện được, và câu chuyện sẽ lặp lại như trên thị trường bất động sản. Đó là nếu để dành 10 năm đủ 2 tỉ đồng thì căn nhà muốn mua đã lên 3 – 4 tỉ đồng. Để dành 10 tháng đủ 200 triệu đồng thì CP muốn mua đã tăng lên 250 triệu đồng.

Bức xúc của các NĐT là chuyện dễ hiểu. Nếu như việc nâng lên lô giao dịch tối thiểu 1.000 CP, để mua được CP VCF (Công ty cổ phần VinaCafe Biên Hòa) hiện có giá 243.500 đồng/CP thì NĐT phải có tối thiểu trong tài khoản gần 245 triệu đồng. Để mua 1.000 CP RAL (Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông) với giá hiện tại là 216.000 đồng/CP, NĐT phải có tối thiểu 220 triệu đồng trong tài khoản. Hay muốn mua 1.000 CP SAB của Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn với giá hiện tại 178.000 đồng thì phải có tối thiểu 180 triệu đồng… Theo ước tính, nếu NĐT có số vốn 100 triệu đồng thì ít nhất sẽ không có cơ hội chạm tay vào 13 mã CP với giá từ 100.000 đồng/CP trên sàn, hay nói cách khác, cơ hội lựa chọn CK sẽ bị thu hẹp so với hiện nay.

Nhà đầu tư nhỏ bị loại khỏi thị trường chứng khoán ?
Tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu tại HOSE sẽ loại bỏ nhiều nhà đầu tư nhỏ tham gia.

Kẹt cổ phiếu lẻ, tiền tỉ bị “chôn”

Không chỉ nguy cơ khiến nhiều NĐT mất cơ hội tham gia TTCK mà việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE sẽ khiến số tiền bị kẹt nằm “chết” trong tài khoản tăng cao.

Nếu tăng lên 1.000 CP thì càng không thể chấp nhận và nó cũng không đảm bảo sẽ hết nghẽn lệnh tại HOSE. Bởi tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HOSE thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI

Sau nhiều năm để tài khoản CK “mốc meo”, bà Thanh Hạ (Q.3, TP.HCM) cuối năm 2020 đã khởi động lại tài khoản. Nhưng chỉ mới vừa giao dịch một thời gian ngắn thì thông báo tăng lô tối thiểu lên 100 CP của HOSE từ ngày 4.1 đã khiến bà chóng mặt. 4 mã CP bà sở hữu khi mua bán đều bị tồn lại vì không đủ số lượng 100 theo quy định hiện nay đành bỏ đó. Với các CP lẻ thế này, chỉ khi nào công ty CK thông báo mua CP lẻ thì NĐT mới bán được.

Bà Thanh Hạ kẹt 90 CP của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tính đến phiên hôm qua 4.3, số tiền tương đương gần 2 triệu. Sắp tới, nếu quy định lô 1.000 CP được áp dụng thì trong tài khoản có 999 CP cũng bị xem là lẻ và phải chờ đến thời điểm công ty CK mua mới bán được. Bà Thanh Hạ cho hay giá bán cho công ty CK luôn là giá sàn, mà thời điểm quyết định bán và khớp lệnh mất nhiều ngày và hoàn toàn bất lợi cho NĐT.

Hầu như tất cả NĐT đều có CP lẻ trong tài khoản. Với gần 2,86 triệu tài khoản giao dịch CK hiện nay, trong đó NĐT cá nhân chiếm hơn 99%, thì chỉ cần 1 tài khoản bị kẹt CP lẻ có giá trị 100.000 đồng cũng tương đương 280 tỉ đồng đã bị “chôn” lãng phí.

Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển phân tích sau 20 năm phát triển TTCK, nhiệm vụ của HOSE là phát triển thị trường, lôi kéo NĐT nhỏ tham gia nhưng hiện nay vẫn còn ở mức thấp. Tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên và HOSE không nhìn nhận đây là sai lầm và thiếu sót của mình, thiệt hại lớn cho thị trường, mà lại đã và dự kiến đưa ra những giải pháp tình thế ảnh hưởng đến NĐT là khó chấp nhận. Nhiều NĐT cá nhân hiện đang lo lắng tình trạng chặn đường truyền, ưu tiên cho một nhóm người. Dù rằng lo lắng này không đúng nhưng họ có quyền nghĩ như thế. TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh trước đây mệnh giá của CP khá đa dạng, có doanh nghiệp phát hành là 100.000 đến 1 triệu đồng/CP. Nhưng sau đó Ủy ban CK Nhà nước (UBCKNN) đưa ra quy định thống nhất về mệnh giá 10.000 đồng/CP và giao dịch tối thiểu 10 CP/lô cũng có lý do của nó là nhằm thu hút mọi thành phần xã hội tham gia, phát triển TTCK thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Do vậy việc nâng lô lên 100 CP để khắc phục tình trạng nghẽn mạng đã không ổn, nay đòi lên 1.000 CP/lô là điều càng không thể chấp nhận. Hơn nữa, nhiều TTCK trên thế giới hiện đã giảm khối lượng giao dịch của mỗi lô CK xuống mức tối thiểu chỉ từ 1 – 10 CP/lô.

Đẩy nhà đầu tư nhỏ ra khỏi thị trường

Cuối năm 2020, ngay khi HOSE công bố kế hoạch tăng lô giao dịch từ 10 CP lên 100 CP, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đã gửi văn bản đến UBCKNN phản đối chủ trương này. Văn bản của VAFI nhấn mạnh việc đó sẽ ngăn cản sự phát triển TTCK, loại bỏ 10 lần cơ hội được thử nghiệm đào tạo đầu tư CK thành công, đồng thời đẩy các NĐT nhỏ lẻ vào các CP rác, CP không chất lượng do CP Blue-chips trở nên “rất đắt đỏ”. Tăng lô giao dịch tối thiểu lên cao là đẩy rủi ro mang tính đánh bạc cho các NĐT nhỏ lẻ.

Theo ước tính của VAFI, số lượng NĐT cá nhân với tài khoản trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 300 triệu đồng chiếm khoảng 35 – 40% trên thị trường hiện nay, tương đương khoảng 1 triệu NĐT. Nếu lần này HOSE tăng lô giao dịch lên 1.000 CP sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ những NĐT này và đây là số lượng cực kỳ lớn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI, nhận định từ cuối năm 2020 đến nay số lượng NĐT mới tham gia khá nhiều và đóng vai trò quan trọng giúp thị trường thăng hoa. Nếu nói rằng tăng lô giao dịch gấp 10 lần để không gặp sự cố đường truyền là không xác đáng. Vì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo cho hệ thống giao dịch ổn định, tạo ra một TTCK an toàn, bảo vệ cho NĐT. Nhưng việc tăng lô giao dịch tối thiểu lên cao là gián tiếp đuổi khách hàng ra khỏi thị trường này.

“Chủ trương tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 CP từ HOSE không chỉ đơn thuần là kỹ thuật đặt lệnh giao dịch mà nó gây cản trở cho sự phát triển thị trường, gây thua lỗ cho hàng vạn nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm về đầu tư CK. Nay nếu tăng lên 1.000 CP thì càng không thể chấp nhận và nó cũng không đảm bảo sẽ hết nghẽn lệnh tại HOSE. Bởi tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HOSE thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua. Điều này cho thấy công tác quản trị, quản lý tại HOSE yếu kém. Tại sao phần mềm giao dịch mới đã được khởi động gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành? Với trình độ công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay thì việc sửa đổi, thay thế một phần mềm giao dịch không phải là quá khó để kéo dài đến 9 – 10 năm như vậy. Vậy chỉ có thể nói rằng yếu kém do con người”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Còn theo ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), việc tăng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 CP là đi trái xu thế chung của thế giới khi các sở giao dịch lớn không ngừng giảm lô giao dịch xuống. Chẳng hạn, ở thị trường CK London (Anh), từ tháng 9.2010, những CP giao dịch qua hệ thống IOB, nơi mà nhiều mã CP có khối lượng giao dịch lớn nhất của thị trường Anh được xử lý thanh toán, có lô tối thiểu là 1 đơn vị. Gần đây, nhiều áp lực là con số 1 đơn vị tối thiểu này cũng đã lỗi thời và cần bỏ đi, vì nhiều nền tảng giao dịch cho NĐT nhỏ cho phép giao dịch chỉ 1/10 CP hoặc ít hơn. Chẳng hạn giao dịch CP có giá cao tới 375.000 USD/CP của Berkshire Hathaway hay hơn 3.000 USD/CP của Amazon thì một NĐT qua nền tảng Robinhood cũng có thể dễ dàng sở hữu một phần rất nhỏ CP.

Thanh Xuân/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều