+
Aa
-
like
comment

Nhà đầu tư đòi trả dự án thu phí không dừng: Bắt Nhà nước làm ‘con tin’?

12/11/2019 08:00

Với lý do nhà đầu tư BOT không chịu bàn giao trạm thu phí và số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng (ETC) mới chỉ đạt 10%, đơn vị lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC vừa đề nghị được dừng dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông và ngay cả cơ quan quản lý cho rằng, không phải nhà đầu tư muốn dừng dự án là được và làm như thế là ‘bắt Nhà nước làm con tin’.

Thông tin với PV  đại diện Cty TNHH thu phí tự động VETC (đơn vị đang lắp đặt hệ thống thu phí ETC tại 44 trạm thu phí trên quốc lộ và đường cao tốc) nói, sau 5 năm triển khai dự án giai đoạn 1, hiện mới có 11/44 trạm ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí ETC.

75% nhà đầu tư BOT từ chối bàn giao trạm

Theo VETC, còn 33 trạm BOT (75%) nhà đầu tư chưa chịu bàn giao để triển khai thu phí không dừng. “13 trạm chưa đồng ý mức trích thu phí, 4 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ đồng thuận từ ngân hàng tài trợ, 3 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ UBND tỉnh, thành phố chấp thuận, 3 trạm đang tạm dừng thu phí…”, đại diện VETC thông tin.

Mới có 10% trên tổng số 3,7 triệu ô tô trên cả nước dán thẻ ETC

VETC cho biết, theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 3,7 triệu ô tô, tuy nhiên đến nay sau 5 năm triển khai quy định của Chính phủ, mới có 10% phương tiện dán thẻ ETC. Do số lượng trạm và phương tiện thực hiện không như kế hoạch nên từ khi triển khai hệ thống công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí đến nay, VETC đang lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Nếu tiếp tục triển khai rộng ra 44 trạm thu phí theo kế hoạch của giai đoạn 1 đơn vị sẽ còn lỗ nhiều hơn nữa.

Từ thực tế trên, Công ty VETC vừa đề nghị Bộ GTVT hai phương án. Thứ nhất, lựa chọn nhà đầu tư khác hoặc cơ quan quản lý nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai, cho phép VETC thực hiện thủ tục phá sản. Thứ hai, nếu bắt buộc phải triển khai, Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt cho doanh nghiệp.

Theo chủ trương của Chính phủ, đến hết năm 2018 tất cả các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải xong việc áp dụng thu phí không dừng. Các trạm trên các tuyến đường còn lại thực hiện việc này xong trước 31/12/2019.

Việc triển khai chủ trương trên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập thành dự án, với giai đoạn 1 gồm 44 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng. Công ty VETC (liên danh giữa Công ty Cổ phần Tasco và Công ty thu phí tự động VETC) là nhà đầu tư được lựa chọn triển khai theo hình thức không thông qua đấu thầu.

VETC phải thực hiện hợp đồng

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 11/11, một số nhà đầu tư BOT cho rằng, họ sẵn sàng chấp hành chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên việc VETC yêu cầu nhà đầu tư phải bàn giao trạm để họ quản lý là vô lý. Hơn nữa, tại mỗi trạm thu phí, VETC chỉ cài đặt ứng dụng để triển khai công nghệ nhưng buộc nhà đầu tư phải trích 2% doanh thu tại trạm là không có cơ sở.

“Đơn vị triển khai công nghệ thu phí không dừng về bản chất chỉ là một đơn vị cung cấp dịch vụ và là đơn vị ăn theo các trạm thu phí, do vậy không thể thay thế các nhà đầu tư dự án BOT. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện dự án nhà đầu tư đã phải thế chấp trạm thu phí và doanh thu hằng ngày cho ngân hàng để có vốn đầu tư nên không thể bàn giao trạm cho bên thứ ba được”, đại diện một nhà đầu tư BOT trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, nói.

Về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) Nguyễn Văn Quyền nói, kinh phí toàn bộ dự án lắp đặt thu phí không dừng giai đoạn 1 chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng trong khi chỉ một dự án BOT trong tổng số 44 dự án trên như cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã là hơn 8.000 tỷ đồng; vậy nhưng nhà cung cấp dịch vụ ETC đòi nhà đầu tư phải bàn giao trạm để quản lý là quá phi lý. Cơ sở nào để nhà đầu tư đưa ra việc này, nếu trích 2% doanh thu tại cả 44 trạm thu phí BOT thì số tiền VETC thu được sẽ kinh khủng mức nào?

Theo ông Quyền, chỉ là nhà cung cấp ứng dụng, ăn theo nhưng VETC đang được hưởng quá nhiều ưu ái đến mức khó hiểu. Một chủ trương lớn, liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân nhưng lại triển khai theo hình thức không thông qua đấu thầu như vậy là chưa phù hợp và có phần không đúng quy định.

Trước việc doanh nghiệp muốn trả dự án cho Bộ GTVT, ông Quyền cho rằng, ông không rõ những điều khoản trong hợp đồng giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Công ty VETC là thế nào, có những ràng buộc gì. Tuy nhiên, dù có thế nào thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện hết hợp đồng (lắp đặt công nghệ thu phí không dừng tại 44 trạm thu phí – giai đoạn 1). Đến lúc đó mới có thể đề cập lời, lãi, làm tiếp hay dừng, còn hiện nay dự án mới triển khai 1/3 khối lượng công việc thì không thể nói dừng được.

Đưa ra phương án cho những vấn đề VETC “kêu” khó, trong đó phương tiện dán thẻ ETC chỉ đạt 10%, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin: Nếu phương tiện dán thẻ ETC tăng hơn 10% là doanh nghiệp sẽ tự hạch toán được thu chi.

Do vậy cùng với yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trạm BOT hỗ trợ, đẩy mạnh việc dán thẻ ETC cho ô tô, từ ngày 11/11, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an tổ chức lực lượng hướng dẫn, tuyên truyền phương tiện dành làn lưu thông không dừng cho xe dán thẻ ETC, sau đó nếu phương tiện không dán thẻ ETC vẫn đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 11/11, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đây mới là ý kiến của doanh nghiệp, Tổng cục đã báo cáo và Bộ GTVT sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong những ngày tới. Tuy nhiên với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý về mặt nhà nước dự án cũng như hệ thống các trạm thu phí, ông Thắng cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư công nghệ ETC là cả quá trình dài, khó khăn, do vậy đâu phải doanh nghiệp được lựa chọn cứ nói dừng là dừng được, mọi việc phải tuân thủ hợp đồng.

Anh Trọng/Tiền Phong

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều