Nguyên Tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản: Tàu tuần tra Mỹ sẽ giúp năng lực hàng hải của Việt Nam khởi sắc
Theo Phó Đô đốc Yoji Koda, hai tàu tuần tra lớp Hamilton sẽ trở thành những thành phần cốt lõi trong hạm đội của Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 20/11 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội. Trong bài phát biểu này, ông Esper đã nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Việt, đồng thời lên án hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Esper cũng tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải giữa hai phía.
“Tôi rất vui mừng được thông báo việc Hoa Kỳ sẽ chuyển giao chiếc tàu tuần tra thứ hai cho Cảnh sát Biển Việt Nam trong năm tới. Chiếu tàu này là một biểu tượng cụ thể nữa đại diện cho mối quan hệ đang ngày càng vững mạnh của chúng ta” – Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trích dẫn bài phát biểu của ông Esper.
Trước đó, trong năm 2017, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 1 tàu tuần tra lớp Hamilton loại biên, đó là chiếc Morgenthau (WHEC 722). Đây là tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 8 được đóng tại nhà máy Avondale, New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Con tàu sau đó phục vụ trong lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với số hiệu 8020.
Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Trí Thức Trẻ, Phó Đô đốc Yoji Koda, nguyên tư lệnh đã nghỉ hưu của Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Việt Nam là một sự kiện mang tính bước ngoặt, cho thấy mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển lên cấp độ thực tiễn.
“Chuyến thăm của ông Esper tới Việt Nam không chỉ mở rộng mối quan hệ hợp tác an ninh/quân sự, mà còn tất cả những khía cạnh khác trong quan hệ giữa hai phía”.
Ông Koda cũng nhận định, điều này sẽ tác động đến cán cân an ninh ở Biển Đông.
Đề cập tới tuyên bố của ông Esper về kế hoạch chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam – một trong những lớp tàu lớn nhất của hạm đội Tuần duyên Mỹ, ông Koda cho rằng đây là biểu tượng cho thấy mối quan hệ Mỹ-Việt đã nâng tầm từ những giao lưu ở cấp độ chính sách lên cấp độ thực tiễn.
“Việc này cũng gửi thông điệp tới tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực rằng, đợt chuyển giao sắp tới sẽ là sự khởi sắc trong năng lực hàng hải phi quân sự/bán quân sự của Việt Nam.
Ngoài ra, mặc dù vẫn còn trong giai đoạn trứng nước nhưng đợt chuyển giao đó sẽ đồng thời là biểu tượng cho khả năng tương tác hàng hải giữa Việt Nam và Mỹ” – Phó Đô đốc Koda chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
Cũng theo Phó Đô đốc Koda, hai tàu tuần tra lớp Hamilton sẽ trở thành những thành phần cốt lõi trong hạm đội của Cảnh sát biển Việt Nam để từng bước một giúp Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức các vấn đề hàng hải và năng lực tác chiến hàng hải trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Koda cũng lưu ý rằng, hiện không có phương thức nào cho phép một quốc gia có thể nâng cao nhanh chóng năng lực nhận thức các vấn đề hàng hải và tác chiến hàng hải.
Do đó, mặc dù các tàu tuần tra lớp Hamilton sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam nhưng với số lượng khá khiêm tốn là 2 chiếc, chúng khó có thể mang lại sự thay đổi đáng kể và nhanh chóng.
“Thêm một điều mà Việt Nam cần làm, đó là nỗ lực hết sức để phân bổ đúng mức các nguồn lực quốc gia nhằm mở rộng quy mô của hạm đội tàu tuần tra và lực lượng máy bay tuần thám biển càng sớm càng tốt” – Phó Đô đốc Koda nêu quan điểm.
Đỗ Linh/Soha News