Nguyên nhân Singapore vẫn tự tin mở cửa
Có thể nói việc Singapore vẫn tự tin tiếp tục kế hoạch sống chung, cùng lúc chuẩn bị ứng phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron nhờ vào sự kiên nhẫn trong tiến trình thoát khỏi đại dịc
Khi Singapore tiến hành chiến lược sống chung với Covid-19 dựa trên nền tảng có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, đảo quốc sư tử chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt – lên tới 4 con số vào tháng 9 – khiến nhiều người tự hỏi liệu đây có phải thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, với số ca mắc và nhập viện giảm dần, tại Singapore đã xuất hiện tâm lý lạc quan thận trọng rằng kế hoạch sống chung đã giúp nước này xoay chuyển tình thế trong đại dịch, ngay cả khi Omicron xuất hiện.
Chia sẻ với PV, Dale Fisher – người đứng đầu Mạng lưới Cảnh báo và Ứng phó Dịch bệnh Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giáo sư tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – vẫn tự tin Singapore đã sẵn sàng ứng phó với làn sóng ca nhiễm Omicron trong tương lai.
“Các quy tắc mới không phải là những thay đổi lớn nhưng được xây dựng dựa trên tiến trình hiện tại nhằm tiến tới khả năng phục hồi hậu Covid-19”, giáo sư Fisher đề cập tới chiến lược mới đối phó Omicron của Singapore. “Khả năng phục hồi của Singapore bắt nguồn từ sự kiên nhẫn trong việc thoát khỏi đại dịch”.
Chiến lược mới phản ánh nhiều sự thận trọng: Cân bằng giữa các hạn chế và giữ cho nền kinh tế mở cửa, đồng thời tinh chỉnh phương án phù hợp với diễn biến dịch, theo Straits Times.
Quốc gia này vẫn đang duy trì các biện pháp quản lý an toàn hiện có, tăng cường tiêm chủng và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời siết chặt biện pháp kiểm soát biên giới.
Giới hoạch định chính sách đang ở trong tình thế khó khăn
Dù dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có khả năng gây triệu chứng nhẹ hơn, các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng số ca nhiễm vẫn có thể khiến bệnh viện đối mặt với cảnh quá tải vì biến chủng này lây lan nhanh chóng hơn nhiều so với các chủng trước đó. Trong vòng một tháng từ khi được báo cáo xuất hiện, Omicron đã trở thành biến chủng thống trị ở Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Singapore hôm 14/12 đã công bố một loạt các biện pháp để tránh rơi vào viễn cảnh trên. Tính đến nay, Singapore ghi nhận 71 trường hợp nhiễm Omicron, trong đó có 6 ca trong cộng đồng.
Nước này xem xét điều chỉnh định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ” từ hai mũi sang mũi tiêm tăng cường, đồng thời yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng thêm nhiều địa điểm và sự kiện từ tháng 2/2022.
Năng lực chăm sóc của bệnh viện và khả năng xét nghiệm cũng được tăng cường, bao gồm tăng số giường chăm sóc đặc biệt từ 280 lên 500. Ngoài ra, ngày 24/12, bộ cũng có kế hoạch tăng gấp đôi số cơ sở cách ly cho những trường hợp tiếp xúc gần nếu cần thiết.
Tuyến phòng thủ đầu tiên là biên giới cũng được siết chặt thêm một nấc. Singapore thông báo tạm dừng nhận đặt vé cho chương trình Du lịch không cách ly (VTL) bắt đầu từ ngày 23/12-20/1/2022. Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa trở lại cũng tiến hành song song. Vào ngày đầu tiên của năm 2022, 50% người hiện làm việc tại nhà sẽ được phép trở lại văn phòng.
Đánh giá về kế hoạch tạm hoãn chương trình miễn cách ly khi nhập cảnh, ông Fisher nhận định ngay cả ở quốc gia không có hoặc có ít ca nhiễm Omicron, siết chặt biên giới sẽ là giải pháp câu giờ trong lúc họ tìm hiểu thêm phương án nào sẽ khả thi nhất.
Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách của thế giới đang ở trong một tình thế khó khăn bởi họ phải đưa ra quyết định khi chưa hiểu hết về mức độ nghiêm trọng và hiệu quả của vaccine trước biến chủng Omicron.
“Thật không may, dữ liệu hiện tại dựa trên quan sát là chính. Đây không phải là thí nghiệm khoa học được nghiên cứu để trả lời chính xác các câu hỏi”, ông nói. Giáo sư khẳng định kết luận cuối cùng của giới khoa học về Omicron sẽ phụ thuộc vào đối tượng nhiễm, tuổi tác, tình trạng tiêm chủng trong quá khứ, tiêm loại vaccine nào, từng mắc Covid-19 hay chưa,…
“Khi nhiều quốc gia trên thế giới phản ứng rộng rãi bằng cách áp đặt biện pháp hạn chế ở biên giới, nước khác buộc phải làm theo”, ông nói thêm. “Không một chính trị gia nào muốn tiên phong trong một cuộc chiến mà họ còn quá nhiều điều chưa rõ, ngay cả ở những quốc gia mà áp đặt hạn chế ở biên giới không giúp ích gì nhiều”.
Trạng thái tinh thần người dân cũng quan trọng
Trong cuộc họp báo hôm 14/12 về việc chuẩn bị ứng phó với Omicron, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung khẳng định tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa sẽ là phương án cuối cùng.
Straits Times dẫn lời chuyên gia phân tích Yu Liuqing của Economist Intelligence Unit nói rằng trừ khi có bằng chứng tỷ lệ tử vong vì Omicron cao hơn, việc thắt chặt các hạn chế sẽ đi ngược lại với mục tiêu biến Covid-19 thành bệnh đặc hiệu của Singapore.
Đồng nhận định, ông Fisher cho rằng nếu Omicron thực sự gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, đây sẽ là lúc giảm bớt mối bận tâm về biến chủng này. “Trong thời gian đó, Singapore vẫn sẽ nâng cao cảnh giác để Omicron không lây lan cho đến khi khoa học chứng minh được điều này”, ông nói.
Chính sự kiên nhẫn dần đưa SARS-CoV-2 thành bệnh đặc hiệu chính là khởi nguồn cho khả năng phục hồi của Singapore hậu Covid-19, vị chuyên gia từ NUS nhận định.
Những yếu tố giúp Singapore kiểm soát tỷ lệ lây lan bao gồm giảm thiểu quy mô các cuộc tụ tập và đeo khẩu trang liên tục, cũng như xét nghiệm thường xuyên. Xét nghiệm định kỳ được thực hiện ở nhiều cơ sở chỉ định, cũng như xét nghiệm ngay với những người có triệu chứng giống Covid-19.
Singapore cũng học từ những sai lầm trong quá khứ. Hồi tháng 9, Singapore chuyển đổi sang phương thức chủ yếu cách ly người bệnh tại nhà nhưng lại có nhiều nhầm lẫn và thiếu sót. Quyết định này nhằm giảm áp lực với hệ thống chăm sóc y tế nhưng lại dẫn đến tình trạng lây lan trong cộng đồng.
Để ngăn chặn điều này, ông Fisher cho biết chính phủ đã thành lập các trung tâm chăm sóc cộng đồng để cung cấp lựa chọn khác cho những người không cần đến bệnh viện nhưng cũng không thể tự cách ly tại nhà.
“Về lâu về dài, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái nếu tự phục hồi tại nhà nếu đủ điều kiện để làm như vậy, ví dụ như có đủ không gian cách ly và trong gia đình không có đối tượng nào dễ bị tổn thương”, ông cho biết.
Theo Straits Times, khả năng phục hồi của một quốc gia không chỉ được minh chứng bởi năng lực tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe, mà quan trọng không kém là trạng thái tinh thần của người dân.
Ông Fisher cho rằng không giống như hầu hết quốc gia phương Tây – nơi loại bỏ gần như tất cả biện pháp cùng một lúc, Singapore thực hiện một cách tiếp cận rất thận trọng khiến người dân dễ dàng thích ứng hơn. Việc chuyển từ các hạn chế nghiêm ngặt nhất và phong tỏa sang “ngày tự do”, rồi lại siết chặt như cũ khiến nhiều người rất khó chấp nhận chuyện này, ông nói.
Ông đồng tình bước sang năm thứ ba của đại dịch, nhiều người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với những hạn chế. Ngược lại, một số lại chưa sẵn sàng chung sống với Covid-19 khi thấy số ca mắc bệnh tăng sau khi nới lỏng.
Chuyên gia cho rằng điều quan trọng hơn cả để giải quyết vấn đề này nằm ở cách các quốc gia truyền tải thông điệp cho công chúng.
“Người dân cần sự thật được giải thích theo cách mà (các biện pháp) sẽ giúp ích cho họ như thế nào”, ông nói.
Ông dẫn ví dụ về vaccine. Tiêm chủng là một yếu tố thay đổi cuộc chơi và Covid-19 sẽ không còn là căn bệnh gây chết người nếu mọi người đi tiêm vaccine. Ông cho rằng khi biến chủng mới xuất hiện trong cộng đồng (dù chưa biết nhiều về nó), người lãnh đạo cần thực hiện hành động hợp lý dựa trên nền tảng khoa học đã sẵn có vào thời điểm đó – mà ở đây là vaccine.
“Niềm tin vào chính phủ là yếu tố rất quan trọng”, ông nhận định.
Minh Ngọc