+
Aa
-
like
comment

Nguyên nhân sạt lở vùi lấp 22 quân nhân Đoàn kinh tế – quốc phòng 337

07/11/2020 10:15

Trượt lở đất ở nơi đóng quân Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 do khu vực này có độ dốc thay đổi đột ngột, mưa lớn kéo dài làm vỏ phong hóa ở sườn núi bão hòa nước, đạt trạng thái chảy nhão, mất liên kết.

Khu vực trượt lở đất đá ở nơi đóng quân của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 được chụp trước ngày 18.10 /// Ảnh Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam
Khu vực trượt lở đất đá ở nơi đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 được chụp trước ngày 18.10

Nằm trong tổ hợp đứt gãy, đất đá bị cà nát, dập vỡ mạnh

Liên quan đến vụ trượt lở tại nơi đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 (thôn Cộp, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) ngày 18.10 vừa qua khiến 22 quân nhân hy sinh, Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo chi tiết phân tích địa hình, địa mạo khu vực này.

Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, khu doanh trại này nằm trong khu vực đã được đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” khoanh định vào vùng có nguy cơ trượt lở trung bình đến cao từ năm 2018, sau khi thực hiện điều tra hiện trạng trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000.

Khu vực được cảnh báo nguy cơ trượt lở này được khoanh định dài khoảng 25 km, dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) từ Làng Miệt (xã Hướng Linh) qua trung tâm xã Hướng Phùng đến Trạm Kiểm soát biên phòng A Roong (chân đèo Chênh Vênh, xã Hướng Phùng).

sat-lo-doan-337
Hiện trường vụ sạt lở đất ở doanh trại Đoàn kinh tế – quốc phòng ngày 18.10 vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ

Địa hình khu vực này có độ cao tuyệt đối 500 – 900 m, chủ yếu thuộc dạng núi trung bình đến cao. Địa hình chủ yếu có nguồn gốc bóc mòn – xâm thực. Độ dốc sườn tự nhiên thay đổi từ 10 – 150 đến 30 – 350, đôi khi đến 400. Trong đó, một số nơi có sự thay đổi độ dốc địa hình đột ngột, từ 10 – 150 ở phần chân núi (gần khe suối) lên 30 – 350 ở phần sườn phía trên.

Báo cáo của Viện khoa học địa chất và khoản sản Việt Nam chỉ rõ: “Đây là dạng địa hình sẽ xảy ra quá trình hoạt động trọng lực sườn mạnh mẽ để dần dần thiết lập cân bằng trọng lực sườn. Vị trí xảy ra trượt lở vào ngày 18.10.2020 tại nơi đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 thuộc vào kiểu địa hình này, nơi có sự thay đổi độ dốc khoảng 100 ở phần chân núi (nơi đóng quân) lên khoảng 300 ở phần sườn bị trượt lở”.

Cũng theo các nhà khoa học của Viện này, trong diện tích khoanh định cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trung bình đến cao này có sự phân bố của đới đứt gãy sâu phân đới Đắk Rông – A Lưới chạy theo phương tây bắc – đông nam cùng với các đới đứt gãy khác có quy mô nhỏ hơn cùng phương với đứt gãy Đắk Rông – A Lưới và một số đứt gãy phương đông bắc – tây nam, các đứt gãy tuổi trẻ phương á kinh tuyến.

Sự xuất hiện cùng lúc của tổ hợp các đứt gãy như vậy làm cho đá của khu vực bị cà nát, dập vỡ rất mạnh mẽ. Dọc theo đới đứt gãy Đắk Rông – A Lưới là các đới cà nát dập vỡ hoặc biến dạng dẻo có quy mô lớn, chiều rộng từ 3 km đến trên 5 – 6 km. Đá bị dập vỡ mạnh mẽ làm cho kết cấu của đá rất yếu, đồng thời tạo điều kiện để quá trình phong hóa phát triển xuống sâu, tạo vỏ phong hóa dày. Vị trí xảy ra trượt lở tại nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 nằm trong phạm vi đới dập vỡ rất mạnh của đới đứt gãy sâu Đắk Rông – A Lưới.

Mưa lớn dài ngày, vỏ phong hoá bị chảy nhão, mất liên kết

Bên cạnh đó, vị trí đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 nằm ở địa hình thấp trong phạm vi phân bố của nhóm đá xâm nhập trung tính – axit gồm diorit, granodiorit thuộc phức hệ Trà Bồng. Còn vị trí xảy ra trượt lở nằm ở sườn núi cao trong phạm vi phân bố của nhóm đá biến chất giàu alumosilicat gồm các đá phiến, đá gneis thuộc hệ tầng A Vương. Trong khu vực khoanh định cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, vỏ phong hóa trên các nhóm đá phát triển mạnh do nằm trong đới dập vỡ kiến tạo.

sat-lo-dat
Sạt lở đất ở Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 vùi lấp một diện tích rộng lớn tại các khu doanh trại

Kết quả khảo sát tại thực địa đối với vỏ phong hóa trên nhóm đá xâm nhập trung tính – axit và nhóm đá biến chất giàu alumosilicat trong khu vực chủ yếu gặp lộ ra các đới từ phong hóa hoàn toàn đến phong hóa trung bình, ít khi lộ ra các đới phong hóa yếu. Chiều dày lộ ra quan sát tại thực địa biến đổi rất mạnh, từ 3 – 7 m đến 15 – 20 m, đôi khi đến 25 – 30 m.

Vỏ phong hóa phát triển trên các nhóm đá này giàu khoáng vật sét (hydromica, ilit, kaolinit) nên khi quá bão hòa nước sẽ bị chảy nhão. Vị trí trượt lở tại nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 xảy ra ở địa hình vai núi là nơi vỏ phong hóa phát triển và bảo tồn tốt nên có thể dày tới 20 – 25 m.

Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam khẳng định, tại thời điểm điều tra năm 2018 chưa thấy dấu hiệu nào của hoạt động trượt lở ở khu vực vị trí xảy ra trượt lở vào ngày 18.10 tại nơi đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 mà chỉ xác nhận được 1 điểm trượt lở quy mô nhỏ cách đó khoảng 650 m về phía đông nam.

Nước suối đẩy đất đá trượt lở đi xa hơn, ảnh hưởng rộng hơn

Sau khi phân tích các yếu tố địa chất và đánh giá hiện trường, Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng có thể nhận định nguyên nhân trượt lở có sự kết hợp đồng thời của nhiều yếu tố.

Vị trí trượt lở nằm trong khu vực đới dập vỡ kiến tạo mạnh, đá bị nứt nẻ rất mạnh mẽ. Vỏ phong hóa phát triển và bảo tồn tốt, có chiều dày lớn, vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn mềm – cứng, khả năng liên kết kém, thành phần giàu khoáng vật sét dễ bị chảy nhão khi bão hòa nước.

truy-dieu-doan-337
Truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế – quốc phòng 337

Địa hình sườn núi có mức độ thay đổi độ dốc đột ngột giữa phần thấp (vị trí đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337) và phần sườn núi cao, là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra mạnh và rất mạnh để thiết lập lại cân bằng.

Khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 có mạng lưới khe suối với mật độ dày. Đa số các khe suối ngắn và dốc; các thung lũng suối hẹp và dốc ở thượng nguồn với tiết diện ngang dạng chữ “V” nhưng đa số các khe suối mở rộng lòng ở gần cửa của chúng. Các khe suối ở phần sườn cao có lòng nhỏ hẹp nên tiêu thoát nước kém, khi có mưa lớn dòng chảy ở suối dâng cao tác động xói mòn sườn ở bên bờ khe suối.

Trong thời gian vừa qua, khu vực này có mưa lớn kéo dài làm cho vật liệu vỏ phong hóa ở sườn núi bão hòa nước và đã đạt đến trạng thái chảy nhão, mất liên kết. Khi phần thấp của sườn núi bị xói mòn do dòng nước ở khe suối tác động vào, dần dần đã làm mất chân của sườn núi dẫn đến sạt lở ở sườn núi phía trên. Đồng thời, dòng nước ở khe suối vốn có độ dốc lớn và ngắn cũng làm cho vật liệu trượt lở di chuyển xa hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.

Phan Hậu/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều