+
Aa
-
like
comment

Nguyên nhân khiến lũ lụt ở Trung Quốc năm nay gây tác hại lớn

19/07/2020 14:58

Khí hậu thay đổi và sự phát triển làm giảm kích thước các hồ nước ngọt, cải tạo đất đai trái phép đã góp phần gây ra lũ lụt kinh hoàng, các chuyên gia nhận định.

Mùa hè năm nay, hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những trận lũ, lở đất do mưa xối xả gây ra, theo SCMP.

Lũ lụt xảy ra đầu tiên ở phía nam Trung Quốc, ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây và tỉnh Quý Châu hồi tháng 6. Mưa lớn sau đó gây tàn phá khắp các khu vực rộng lớn ở Trung Quốc, gồm cả tỉnh Quảng Tây ở phía đông, An Huy ở phía đông nam, Hồ Bắc ở khu vực miền trung. Phản ứng khẩn cấp để kiểm soát lũ lụt đã được nâng tới mức cao nhất ở một số nơi.

Quy mô của thảm hoạ rất lớn, mức nước ở 433 con sông đã vượt qua đường kiểm soát lũ lụt từ tháng 6, trong đó nước ở 33 con sông đã dâng cao tới mức kỷ lục trong lịch sử, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho hay.

Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất như Giang Tây, nhiều con đê bị sập, nhà cửa bị phá huỷ. Những gì diễn ra làm người dân địa phương nhớ lại trận lũ lụt kinh hoàng năm 1998 làm hơn 3.000 người chết và 15 triệu người mất nhà.

Vào mùa hè, Trung Quốc thường đối mặt với lũ lụt, song sự kết hợp giữa thay đổi khí hậu và hành vi của con người đã góp phần làm cho lũ lụt và lượng mưa đổ xuống một số vùng ở nước này cũng kéo dài hơn.

Ông Song Lianchun, nhà khí tượng học thuộc Trung tâm khí tượng quốc gia cho hay: “Hệ thống áp cao cận nhiệt đới ở phía tây bắc Thái Bình Dương trong năm nay rất mạnh. Nó lại gặp không khí lạnh nên dẫn tới mưa xối xả, liên tiếp đổ xuống khu vực sông Dương Tử”.

Nguyên nhân khiến lũ lụt ở Trung Quốc năm nay gây tác hại lớn
Lũ lụt tại Trung Quốc.  

Một lý do khác là toàn cầu nóng lên, ông Song nói thêm.

Từ năm 1961 tới 2018, ngày càng có nhiều trận mưa cực lớn diễn ra ở Trung Quốc. Kể từ giữa những năm 1990, những trận mưa lớn xảy ra thường xuyên hơn nhiều, sách xanh về thay đổi khí hậu Trung Quốc xuất bản năm 2019 cho hay.

Ngoài mưa, hành vi của con người cũng khiến lũ lụt ở Trung Quốc trầm trọng hơn.

Fan Xiao, nhà địa chất thuộc Cục địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên cho hay, việc cải tạo đất và xây dựng đập ở gần các con sông trong nhiều thập niên qua đã làm giảm quy mô và lượng nước ở hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất nước này.

Từ năm 1954 tới 1998, khoảng 1.300 km đất đã bị cải tạo, làm cho khu vực bề mặt của hồ Bà Dương bị giảm từ 5.160km xuống còn 3.086 km, nghiên cứu của nhà địa lý David Shankman thuộc Đại học Alabama cho thấy.

Nhà hoạt động vì môi trường Zhang Wenbin cho hay, ông đã điều tra các hoạt động cải tạo đất trái phép ở Tuolin – một hồ nước khác ở tỉnh này. Theo đó, cho tới năm 2019, một số dự án quanh hồ vẫn diễn ra dù đã bị các thanh tra môi trường từ Bắc Kinh yêu cầu dừng lại.

“Còn có nhiều trường hợp tương tự khác”, ông Zhang nói thêm và cho hay, hồ Tuolin đã bị thu hẹp, dẫn tới khả năng chứa nước bị giảm.

Kể từ khi thành lập đất nước vào năm 1949 tới nay, Trung Quốc đã trải qua hai trận lũ lụt lịch sử. Lần thứ nhất là vào hè năm 1954, ở dọc ông Dương Tử, khiến hơn 30.000 người chết, 18 triệu người bị ảnh hưởng.

Trận lũ lụt kinh hoàng thứ hai xảy ra vào năm 1998, cũng lại dọc sông Dương Tử nhưng ở phía nam và bắc Trung Quốc. Đó là trận lũ lụt kinh hoàng nhất trong vòng nhiều nhất, với hơn 3.000 người chết, 15 triệu người mất nhà và thiệt hại kinh tế lên tới 24 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Song Lianchun nhận xét, lũ lụt năm nay không ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của sông Dương Tử như hồi 1998. “Trận lũ lụt năm 1998 tác động lên toàn bộ khu vực Dương Tử, song mưa năm nay chủ yếu ảnh hưởng tới vùng trung và hạ lưu sông, vì thế, khu vực bị ảnh hưởng nhỏ hơn”.

Hoài Linh/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều