+
Aa
-
like
comment

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Có thể cần 6K để chống dịch COVID-19”

07/08/2021 19:46

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã có đề xuất về việc người dân nên thực hiện 6K, bổ sung quy định 5K mà Bộ Y tế đã quy định trước đó.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Cụ thể, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 6K được hiểu là người dân cần khỏe mạnh để có sức đề kháng tốt với virus gây bệnh và thay đổi môi trường. Điều này rất cần thiết đối với đối tượng F0 nhiễm virus không có triệu chứng, F1 và cả cho người bình thường.

“Chúng ta có thể hiểu 6K là Khoẻ để phòng chống dịch COVID-19. Hiện tại chúng ta đã có quy định 5K, vắc xin và công nghệ, thì khi tự cách ly tại nhà hoặc tại các khu cách ly tập trung, chúng ta cần khỏe cả về thể chất (cần dinh dưỡng hợp lý, vận động thể chất phù hợp, ngủ đủ, đặc biệt vệ sinh họng, mũi, mắt, răng miệng…), khỏe cả về tinh thần (không lo lắng, hoang mang, hoảng sợ, cần vui vẻ, suy nghĩ tích cực vì bệnh do tâm có khi còn nặng hơn bệnh do thân), khỏe về môi trường (phòng thoáng khí, có ánh nắng, không khói thuốc, hạn chế máy lạnh…)”, bà Tiến phân tích.

Ngoài ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vệ sinh họng, hầu, miệng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc dùng nước muối, trà xanh, ngậm mật ong, chanh, nhỏ mũi, nhỏ mắt, đánh răng cạo lưỡi 3 lần/ngày… là phương pháp rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự xâm nhập, nhân lên của SARS-CoV-2 và các virus khác luôn có sẵn trong hầu họng như Adenovirus, cúm mùa… Điều này giúp người dân không mắc bệnh, làm bệnh nhẹ hơn và ít lây lan hơn. Những cách phòng chống kinh điển và đơn giản này đôi khi không được chú ý.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: "Có thể cần 6K để chống dịch COVID-19" - K thứ 6 là gì?
Ảnh minh họa

Theo bà Tiến, quy trình gây dịch kinh điển có 3 yếu tố:

1. Nguồn truyền nhiễm: là người bệnh, người lành mang mầm bệnh, ổ chứa thiên nhiên, mầm bệnh là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm… Với bệnh đường hô hấp, virus thường xâm nhập rồi nhân lên ở đường hô hấp, hầu, họng, mũi, khí, phế quản, rồi phổi.

2. Đường truyền nhiễm: không khí, đất nước, côn trùng, qua máu, dịch tiết…; ở dịch bệnh này là đường hô hấp, lây lan rất nhanh.

3. Khối cảm thụ: người bình thường, chưa có kháng thể, có thể cảm nhiễm mầm bệnh hoặc đã có kháng thể tự nhiên do đã mắc bệnh tương ứng, hoặc do tiêm chủng.

Nguyên Bộ trưởng cho biết muốn phòng chống dịch có hiệu quả, 3 yếu tố trên cần được can thiệp hiệu quả:

– Với virus: Chưa có thuốc đặc trị, cần ức chế nó phát triển, nhân lên, làm nó yếu đi, hoặc tốt nhất là tránh không tiếp xúc với nó;

– Với đường truyền nhiễm: Luôn giữ cho không khí trong lành, giữ khoảng cách…;

– Với khối cảm thụ: Cần giữ sức khỏe để tăng sức đề kháng, vệ sinh mũi họng, dinh dưỡng, vận động, tinh thần lạc quan, mạnh mẽ.

“Chúng ta nên tuân thủ 6K và thực hiện tiêm vắc xin để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 càng sớm càng tốt”, bà Tiến cho hay.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều