+
Aa
-
like
comment

Nguy hiểm rình rập những chiếc xe “quan tài di động” chạy xuyên đêm

Hải Anh - 06/10/2020 17:33

Ai đã từng một lần đi xe khách giường nằm thì sẽ hiểu được sự nguy hiểm trên các tuyến xe khách đặc biệt là các tuyến xe đường dài vào ban đêm là như thế nào. Rất nhiều người lần đầu đi đa số đều nói rằng là đi xe giường nằm rất sợ, nhất là khi đi vào đường cua, đường xấu, đèo dốc…, vì độ lắc của xe thường mạnh hơn.

Tôi đã có dịp được chứng kiến, trải nghiệm cảm giác sợ hãi và ám ảnh đó trên chuyến xe Hà Nội – Hà Giang và tôi đã hiểu tại sao những chiếc xe khách chạy đêm này lại được ví như những chiếc xe “quan tài di động”.

Không thể kịp trở tay nếu xảy ra sự cố

Hiện nay, khảo sát tại các bến xe, lượng xe khách giường nằm đang ngày càng chiếm số lượng đông, chất lượng xe đều đã khá cũ. Những chuyến xe “chất lượng cao” chạy đêm này mặc dù không có tình trạng “vợt khách” dọc đường mà đều là khách đặt vé trước tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là xe giường nằm ban đêm chạy với tốc độ rất nhanh. Tôi đặt vé chuyến xe từ Hà Nội đi Hà Giang chuyến 10 giờ tối nhưng hơn 2 giờ sáng xe đã có mặt tại bến xe Hà Giang. Tôi nằm tầng 2 phía trên, mỗi khi xe đi lên đèo hay cua ngang xe rất chao đảo, tội nhận rõ là xe nghiêng qua một bên. Nhìn qua cấu trúc vật lý thì nó rất dễ lật, không an toàn. Sau khi qua cửa ải CSGT, chiếc xe khách hai tầng, giường nằm cao bắt đầu những pha tăng tốc xé gió trong màn đêm. Lúc này, phần lớn hành khách đã thiếp ngủ, một số hành khách có tuổi vốn khó ngủ, lại thấy bác tài bắt đầu chạy nhanh liền nhắc nhà xe đừng chạy nhanh quá. Theo một số người đi xe, tài xế phải tranh thủ chạy nhanh chứ chạy chậm, không kịp quay đầu thì bị phạt.

Theo quan sát, nếu chẳng may xảy ra sự cố, phần lớn khách sẽ không biết làm cách nào để chui ra khỏi xe bởi đây là những xe khách giường nằm được hoán cải từ xe ghế ngồi, chỉ có một cửa lên xuống. Sau khi lắp giường hai tầng, ô kính bị chia hai, chiều cao cửa kính tầng dưới chỉ còn chưa đến 30 cm, không đủ cho người chui lọt trong tình huống khẩn cấp. Hơn nữa các ghế đều lót bằng xốp rồi bọc miếng nhựa mà chỉ cần một mồi lửa nhỏ là có thể gây cháy dữ dội, trong khi đó vẫn có những hành khách lén hút thuốc.

Ai đã từng một lần đi xe khách giường nằm thì sẽ hiểu được sự nguy hiểm trên các tuyến xe khách đặc biệt là các tuyến xe đường dài vào ban đêm là như thế nào.

Tôi không biết tốc độ cho phép của các loại xe trên đường vào buổi tối là bao nhiêu, nhưng lúc đi qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tim tôi như muốn rớt ra ngoài vì xe đi quá nhanh. Xe đang đổ đèo thì bỗng nhiên có tiếng động lạ, rồi chiếc xe lao càng lúc càng nhanh qua những khúc cua tay áo, rất may khi ấy xe đã xuống gần hết đèo nên không xảy ra tai nạn, hàng chục người trên xe đang ngủ cũng phải giật mình chồm dậy. Điều này rất nguy hiểm khi tham gia giao thông ở các khu vực đồi núi vì rất khó kiểm soát tốc độ nếu đi quá nhanh.

Không chỉ vậy, lên xe hầu hết mọi hành khách đều ngủ, nếu trong trường hợp xảy ra cháy xe thì không ai dám quả quyết là mình sẽ an toàn vì phần trên từ đầu xe đến cuối xe hoàn toàn bằng loại kính rất dày mà không treo búa để phòng lúc nguy hiểm đập kính thoát thân. Điển hình là tháng 8 vừa qua, ô tô giường nằm chở 40 người chạy trên quốc lộ 26 bất ngờ bốc cháy, thiêu rụi nhiều hành lý của hành khách, rạng sáng 31/8 tại Đắk Lắk. Sự việc may mắn không gây hậu quả về người nhưng là một hồi chuông cảnh báo đối với vấn nạn cháy xe giường nằm nhất là trong thời điểm đa số hành khách đang ngủ say.

Xe khách giường nằm ban đêm thường độ thêm hệ thống đèn rất nhiều, làm sai quy chuẩn của nhà sản xuất đã thiết kế, nâng mức công suất dây dẫn lên quá hạn mức hoặc độ luôn dây dẫn nhưng làm vì lợi nhuận và chưa thể tính được công suất chịu tải phải dùng loại nào cho chuẩn. Đây cũng là nguyên nhân nhỏ thôi nhưng rất phổ biến làm nguy cơ rình rập sự cố cháy.

Tôi nhớ một tài xế xe khách từng chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc hạn chế tốc độ đối với xe khách, tôi cũng là lái xe chạy đi đường dài nhiều, tôi thấy nhiều khi anh em xe khách chạy rất nguy hiểm, nhiều lúc vào chỗ cua, gấp khúc mà anh em cứ vượt như không có gì phía trước nhất là tuyến Vinh – Hà Nội, Hà Nội – Lào Cai, cần có biện pháp thật cứng rắn để tránh tình trạng tai nạn thương tâm!”

Cần có quy định

Không thể phủ nhận những ưu điểm xủa xe khách giường nằm chạy ban đêm có thể giúp giảm bớt mệt mỏi, tiết kiệm thời gian cho hành khách khi phải di chuyển một hành trình dài nhưng xét về mức độ hiểm hoạ nguy hiểm nhất là khi xe khách giường nằm chạy tại các cung đường đèo dốc, núi cao, có nhiều góc cua, lại chạy xe vào ban đêm thì cần có giải pháp.

Chiếc xe khách giường nằm đang lưu thông bất ngờ lao xuống ruộng, lật nghiêng khiến 2 người chết, nhiều người khác bị thương.

Hiện có khoảng 4.500 xe khách giường nằm. Trong số này chủ yếu là xe 2 tầng, chỉ có khoảng 80 xe 1 tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3.000, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc. Do đó, cần phải có nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình rõ ràng để mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn khi đi trên các luồng tuyến này. Thực tế, kinh doanh loại này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn, không thể như loại xe khác và nên quy định chỉ cho chạy ở những đoạn đường ngắn, bằng phẳng và không cho chạy đường đèo núi.

Ngoài ra, việc cải tạo, nâng cấp đèn xe giường nằm phải đảm bảo các tiêu chí an toàn về cháy, nổ, sử dụng đúng mục đích… và phải được kiểm định, đăng kiểm lại các hạng mục đã nâng cấp, cải tạo về chất lượng và công năng. Nếu vì cạnh tranh họ làm lén lút là sai hoàn toàn và đây chính là một trong các nguyên nhân gây chập điện, cháy nổ. Để hạn chế tối đa thương vong về người khi xảy ra tai nạn, cháy nổ, mỗi chiếc xe giường nằm nên có 2 cửa lên xuống, đồng thời kích thước các ô cửa kính thoát hiểm phải đảm bảo đúng quy chuẩn, đầy đủ búa cứu nạn.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều