Nguy cơ xung đột ở Ukraine lan rộng ra ngoài biên giới
Cuộc chiến ở Ukraine chủ yếu vẫn diễn ra trong biên giới nước này nhưng ngày càng có nhiều rủi ro khó lường khiến cuộc xung đột lan rộng và trở nên ngày càng phức tạp.
Rủi ro chiến tranh lan rộng
Trong 9 tuần qua, Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây đã nhấn mạnh việc cần kiềm chế cuộc chiến ở Ukraine bên trong lãnh thổ nước này. Hiện nay, Washington và châu Âu lo ngại cuộc xung đột có thể sớm leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn khi lan sang các nước láng giềng, không gian mạng và các nước NATO phải đối mặt với việc Moscow cắt nguồn cung khí đốt. Về dài hạn, sự mở rộng xung đột này có thể leo thang thành cuộc chiến trực tiếp giữa Mỹ và Nga, gợi lại bối cảnh Chiến tranh Lạnh khi mỗi bên đều tìm cách làm suy yếu quyền lực đối phương.
Trong 3 ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi làm giảm khả năng quân sự của Nga – điều mà theo cơ quan này là nhằm mục đích “để Nga không thể tấn công một quốc gia khác trong những năm tới”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cảnh báo, bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột này đều sẽ đối mặt với phản ứng nhanh chóng từ Nga.
“Nếu ai đó quyết định can thiệp vào những gì đang diễn ra từ bên ngoài và gây ra những mối đe dọa không thể chấp nhận cho chúng tôi, họ nên biết rằng phản ứng của chúng tôi trước những đòn tấn công này sẽ nhanh như chớp. Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều đó. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết”.
Trong khi Mỹ và châu Âu cho rằng họ không nhận thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nga huy động lực lượng hạt nhân trên chiến trường thì phía sau hậu trường, các quan chức này đang thảo luận về việc họ có thể phản ứng như thế nào trước một vụ thử hạt nhân hoặc một vụ nổ diễn tập của Nga ở Biển Đen hoặc trên lãnh thổ Ukraine.
“Không ai muốn chứng kiến cuộc chiến này leo thang rộng hơn những gì đang diễn ra. Chắc chắn không ai muốn chứng kiến điều đó khi nó leo thang sang lĩnh vực hạt nhân”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhận định ngày 27/4 khi được hỏi về các mối đe dọa hạt nhân từ Nga.
Những cuộc trao đổi về giải pháp ngoại giao hoặc thậm chí một lệnh ngừng bắn giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác đã tạm dừng. Cả Nga và Ukraine đều sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài, tập trung vào cuộc chiến pháo binh ở phía Nam và phía Đông Ukraine.
“Nga sẽ không sẵn sàng lùi bước và Ukraine cũng vậy, vì thế sẽ ngày càng có nhiều cuộc đổ máu”, Robin Niblett, giám đốc Chatham House – một think tank Anh nhận định.
Cùng thời điểm, Mỹ và châu Âu cũng có thay đổi trong việc ủng hộ cho Ukraine. Thay vì cung cấp những “vũ khí phòng thủ” như giai đoạn đầu của cuộc chiến, hiện phương Tây đang tăng cường hỗ trợ những vũ khí hạng nặng hơn cho Kiev.
Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng trong bối cảnh Nga đang tăng cường triển khai thêm các đơn vị chiến đấu còn lực lượng Ukraine cố gắng nắm giữ các tuyến phòng thủ.
Seth G. Jones – giám đốc Chương trình An ninh châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington đánh giá, “rủi ro chiến tranh lan rộng hiện đang nghiêm trọng”.
“Con số thương vong đang tiếp tục gia tăng và Mỹ cam kết sẽ vận chuyển thêm những vũ khí mạnh hơn và có tính sát thương cao hơn cho Ukraine”, ông Jones đánh giá. Theo nhà quan sát này, dù sớm hay muộn cơ quan tình báo quân sự Nga sẽ bắt đầu nhắm vào các chuyến hàng chở vũ khí trên lãnh thổ NATO.
Cho tới nay, cuộc chiến ở Ukraine chủ yếu vẫn diễn ra trong lãnh thổ của nước này. Mỹ và các đồng minh nói rằng mục tiêu của họ là khiến Nga rút quân theo cách “không thể đảo ngược” và tôn trọng biên giới của Ukraine như trước cuộc chiến, song Tổng thống Biden hiện vẫn từ chối áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine do lo ngại điều đó có thể dẫn đến cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Tổng thống Putin trong khi chỉ trích những đoàn vận chuyển vũ khí của phương Tây hỗ trợ Ukraine thì cũng chưa tấn công những đoàn vận chuyển này trên lãnh thổ NATO.
Dù vậy, hiện có những dấu hiệu cho thấy sự kiềm chế này đang bị lung lay. Khi tập đoàn năng lượng Gazprom cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, đó rõ ràng là một dấu hiệu cảnh báo rằng, Đức – quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào Nga về khí đốt – có thể là mục tiêu tiếp theo. Nga đang sử dụng các vũ khí kinh tế mạnh nhất của mình để gửi đi một thông điệp rằng nước này có thể khiến Đông Âu và Tây Âu trải qua mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt mà không cần nổ một phát súng nào. Các quan chức Mỹ cho rằng đó rõ ràng là một nỗ lực chia rẽ các đồng minh NATO giữa bối cảnh các thành viên của liên minh này đang cố gắng duy trì sự đoàn kết.
Mỹ đang chuyển hướng mục tiêu?
Dù tình cờ hay không thì động thái của Nga đã diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đưa ra nhận định vượt ngoài những tuyên bố trước đây của chính quyền Tổng thống Biden khi cho rằng phương Tây muốn Nga bị suy yếu về mặt chiến lược sau cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi muốn Nga suy yếu tới mức nước này không thể làm bất kỳ điều gì như những gì đã làm ở Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói.
Một số quốc gia châu Âu băn khoăn về việc liệu mục tiêu của Mỹ có phải đã mở rộng từ hỗ trợ Ukraine tự vệ sang làm suy yếu quyền lực của Nga hay không. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng những bình luận của ông Austin đang được diễn giải một cách thái quá và rằng, người đứng đầu Lầu Năm Góc không có ý định đề xuất mục tiêu chiến lược dài hạn là làm suy yếu quyền lực của Nga. Thay vào đó, họ nhận định, ông Austin chỉ đang nhấn mạnh đến những tuyên bố trước đây về việc cần làm rõ những lựa chọn đối phó với Nga và làm giảm khả năng của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Liệu chúng ta đang hướng đến một cuộc chiến rộng hơn hay đó chỉ là câu nói hớ của ông Austin”, François Heisbourg, nhà phân tích quốc phòng Pháp bình luận.
“Hiện đã có sự nhất trí ngày càng lớn về việc cung cấp lựu pháo và những hệ thống vũ khí phức tạp hơn cho Ukraine. Các bên đều đang thực hiện điều đó”, ông Heisbourg nhận định.
“Tuy nhiên đối với sự chuyển hướng mục tiêu cuộc chiến từ ủng hộ Ukraine sang nhắm vào Nga, theo tôi sẽ khó có sự thống nhất về vấn đề này”.
Những rủi ro khác
Ngoài ra, cũng có những nhân tố khác có nguy cơ khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng, trong đó có việc Thụy Điển và Phần Lan có kế hoạch gia nhập NATO trong những tuần gần đây. Quá trình này có thể mất vài tháng bởi mỗi quốc gia NATO đều phải thông qua động thái này và điều đó có thể mở ra một giai đoạn dễ bị tấn công hơn.
Điện Kremlin ngày 11/4 đã lên tiếng cảnh báo về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cho rằng việc thông qua để các nước này trở thành thành viên của NATO sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng liên minh này vẫn là một công cụ phục vụ cho đối đầu và sự mở rộng của nó sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo khi được hỏi về khả năng các quốc gia trên gia nhập NATO.
Nếu Phần Lan gia nhập NATO, biên giới trên đất liền giữa lãnh thổ của NATO và Nga sẽ tăng hơn gấp đôi, từ hơn 1.200 hiện nay lên hơn 2.500 km. Việc Phần Lan trở thành một thành viên của liên minh này cũng mở rộng sườn Bắc của NATO trải dọc toàn bộ chiều dài biên giới giáp với khu vực Murmansk có ý nghĩa chiến lược với Nga và Bán đảo Kola – nơi tập trung phần lớn Hải quân Nga.
Tùng Lâm