Nguy cơ Trung Quốc phải trả giá những hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt là một cách hòa bình để kiềm chế hành vi xấu mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông.
Đó là một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế khi trả lời chúng tôi về việc Ủy ban Đối ngoại – Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vì những hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Như đã thông tin, dự luật trên mang mã S.1657, có tên gọi là “Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông 2021”, do 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ.
Cách tiếp cận vững chắc
Ngày 21.10, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá động thái trên là một diễn biến tốt. Cụ thể, ông chỉ ra: “Các biện pháp trừng phạt là một cách hòa bình để kiềm chế hành vi xấu mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông, đồng thời đặt ra vấn đề cho Bắc Kinh là có thể phải trả giá khi tiếp tục có những hành vi như vậy. Các biện pháp trừng phạt không có hiệu lực tức thì đối với tình hình khu vực, nhưng có thể tích tụ theo thời gian. Đó là một cách tiếp cận vững chắc”.
TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) đánh giá: “Dự luật trên nếu được Quốc hội thông qua và ban hành thành luật, sẽ thể hiện một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ liên quan việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo và gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế đối với Washington”.
Bắc Kinh phải thận trọng hơn
Mặc dù vậy, theo ông Heath, nếu được thông qua thì có lẽ luật trên sẽ không đủ sức thay đổi tình hình ở Biển Đông. “Tuy nhiên, luật sẽ báo hiệu cho Trung Quốc rằng Mỹ ngày càng tức giận trước hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Có lẽ điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc tiến hành thận trọng hơn khi tiến hành các động thái trong khu vực”, TS Heath phân tích.
Trong khi đó, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá: “Động thái của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện gây thêm áp lực lên chính quyền của Tổng thống Biden trong việc áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Washington có thể cố gắng thương lượng với Bắc Kinh về việc Trung Quốc kiềm chế hơn ở Biển Đông dưới sự đe dọa của dự luật trên. Nhưng chắc chắn Trung Quốc không muốn đàm phán dưới sức ép như vậy”.
Phân tích thêm, GS Sato dự báo: “Dự luật trên được Thượng viện Mỹ thông qua thì cũng khó có thể khiến Trung Quốc giảm bớt hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông. Khi đó, nếu áp dụng các quy định trong luật thì Trung Quốc có thể trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các lĩnh vực dễ bị tổn thương của Mỹ”.
Mặc dù vậy, ông Sato cho rằng Bắc Kinh sẽ khó có được biện pháp “phản đòn” như ý. “Việc đưa ra biện pháp trừng phạt làm tổn hại đến chính quyền của Tổng thống Biden và các thành phần của Đảng Dân chủ hơn với phe Cộng hòa, đồng thời không làm tổn hại đến chính khả năng cạnh tranh của Trung Quốc, là một việc không hề đơn giản. Chẳng hạn, Trung Quốc nhắm mục tiêu vào nông dân vùng trung tây của Mỹ, như từng áp dụng trong cuộc chiến thương mại dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, thì cũng khó gây tổn thất cho phía Biden như từng gây cho Tổng thống tiền nhiệm Trump”, GS Sato nhận định.
Việt Nam lên tiếng về dự luật Mỹ trừng phạt Trung Quốc
Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 21.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia ven biển. Bà Hằng đưa ra bình luận này khi các phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật S.1657.
Cũng trong cuộc họp báo, bà Hằng cho biết phía Việt Nam đã nắm thông tin về sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, đồng thời lưu ý hải quân các nước khi hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ UNCLOS 1982.Đậu Tiến Đạt.
Tùng Anh